Từ 5h đến 9h ngày 26/8 các công ty, doanh nghiệp sẽ được tranh thủ để giao ca, đổi nhân lực, sau đó tiếp tục thực hiện quyết định phong tỏa của thành phố để phòng, chống dịch Covid-19.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cuối chiều 25/8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng thông tin, ngày 26/8, thành phố sẽ triển khai một số biện pháp phòng chống dịch mới nhưng tinh thần vẫn giống với những quyết định trong thời gian qua.
Sẽ có 2 mục tiêu lớn đó là đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân và để những hoạt động có tính chất cơ bản của thành phố được vận hành.
Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo người dân ở trong nhà tuyệt đối đúng yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó”. Ông Quảng lưu ý, từ 5h đến 9h ngày mai là thời gian để các công ty, doanh nghiệp, cơ quan đổi người, đổi ca kíp, nhân lực, đề nghị các lực lượng tuần tra nhắc nhở người dân, công nhân từ các nhà máy về nhà và từ nơi ở đến nơi công tác để thực hiện việc đổi ca.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu: “Phải kiểm soát chặt chẽ để thực hiện tốt việc 1 cung đường 1 điểm đến, tuyệt đối không được tập trung buôn bán, mua hàng ở siêu thị, cửa hàng. Từ 5-9h duy trì kiểm tra đột xuất, không tổ chức chặn ở các chốt để kiểm tra. Sau 9h thực hiện tuyệt đối kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả những người còn ngoài đường, ngoài các cơ sở được phép hoạt động, kể cả các cơ quan”.
Trong ngày 26/8, Văn UBND thành phố thành lập các tổ kiểm tra các công việc trong thời điểm chuyển giao, công nhân thay ca. Các địa phương Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà với lượng công nhân tương đối lớn phải có kiểm tra chặt chẽ.
Đối với việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, ông Quảng đề nghị từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường tập trung, chủ động xây dựng phương án cung ứng cho người dân địa phương mình. Đặc biệt lưu ý phương án cho mở lại cửa hàng tạp hóa, chỉ cho phép ở các khu vực rộng rãi, thông thoáng, tuyệt đối không cho mở ở các kiệt, hẻm vì nguy cơ ở đây là rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Quảng lưu ý: “Riêng chợ thì nghiên cứu mô hình chợ tạm ở các phường như quận Sơn Trà, tuy nhiên đảm bảo tốt hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các điều kiện phòng chống dịch. Yêu cầu lực lượng công an, quân đội phối hợp tham gia hỗ trợ cung ứng lương thực cho người dân. Các lực lượng khác phải tham gia hỗ trợ phục vụ nhu cầu thiết yếu người dân, có sự phối hợp hiệu quả hơn nữa”.
Cũng trong chiều nay (25/8), Sở Công Thương Đà Nẵng đề xuất UBND thành phố cho phép mở lại hoạt động một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, các cửa hàng tạp hóa nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những ngày tới, khi thành phố quyết định kéo dài phong tỏa, thực hiện “ai ở đâu ở đó”.
Theo Sở Công Thương, những ngày qua dự trữ lương thực, thực phẩm của người dân không còn nhiều nên nhu cầu đặt hàng tăng cao. Trong khi đó, năng lực cung cấp của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị hạn chế, còn các chợ, cửa hàng tạp hóa đóng cửa dẫn tới quá tải đơn hàng.
Để giải quyết khó khăn cho người dân, Sở Công Thương đã đề xuất UBND thành phố thống nhất cho phép siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối bố trí 100% nhân lực làm việc. Cùng với đó, cho phép nhân viên giao hàng và shipper công nghệ tham gia giao hàng (phải ký hợp đồng với các nhà cung ứng, đảm bảo quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch COVID-19).
Đặc biệt, để cung cấp thịt tươi cho người dân, Sở cũng phối hợp với ngành liên quan đề xuất cho phép lò giết mổ gia súc gia cầm Đà Sơn được phép hoạt động hoạt trở lại nhằm cung cấp thịt tươi cho người dân.
Để hỗ trợ thành phố, Quân khu 5 cũng điều xe quân đội chở hàng hóa từ các tỉnh về cung cấp cho người dân vùng dịch. Quân khu 5 đang tổ chức một lò mổ với quy mô 2 tấn thịt/ngày để cung cấp thịt tươi sống cho người dân TP Đà Nẵng.