Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS.vn tiết lộ, 65,3% người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn món ăn, đồ uống ưa thích theo xu hướng. Nghĩa là, cứ 3 người Việt thì có 2 người từng "đu trend" ẩm thực.
Theo tin tức từ Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2023 từ iPOS (doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp quản lý chuyên biệt dành riêng cho nhà hàng, cà phê), con số thể hiện nhu cầu "bắt trend" (xu hướng) trào lưu ăn uống của người Việt khiến nhiều người bất ngờ.
Báo cáo khảo sát dựa trên kết quả nghiên cứu chuyên sâu từ gần 3.000 chủ doanh nghiệp F&B và gần 4.000 thực khách với nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau… Đồng thời, sử dụng và tham chiếu các số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường cùng các nguồn thông tin uy tín quốc tế, ý kiến và nhận định của các chuyên gia.
Cụ thể, báo cáo chỉ ra có tới 65,3% người tiêu dùng Việt Nam tham gia trào lưu ăn uống với việc lựa chọn món ăn, đồ uống theo trend. Như vậy, cứ 3 người Việt thì có 2 người "đu" trend ẩm thực đường phố.
Báo cáo cũng chỉ ra cà phê muối chiếm vị trí số 1 trong các ẩm thực xu hướng mới năm 2023, với 34,8% người lựa chọn. Tiếp nối là trà mãng cầu, với 19,5% đáp viên yêu thích. Gây nhiều tiếc nuối nhất là bánh đồng xu, với chỉ 9,8% thực khách yêu thích nhất.
Theo đó, năm 2023, số lượng người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ẩm thực bên ngoài khá cao, có tới 17,1% người được khảo sát cho biết ra ngoài ăn hàng ngày; 28,9% người thừa nhận ra ngoài ăn 3 - 4 lần/tuần, trong khi con số này vào năm 2022 chỉ ghi nhận 17,9%.
Theo số liệu của Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, giá trị thị trường ngành F&B Việt Nam năm nay dự kiến sẽ tăng 10,92% so với 2023. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2023 - 2027 đạt 10,25% và dự kiến đạt giá trị 872.916 tỷ đồng năm 2027.
Đáng chú ý, trong năm qua, 80% doanh nghiệp báo cáo có kết quả kinh doanh tốt. Sức khỏe doanh nghiệp phục hồi và đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần. Trong số 2.255 đơn vị phản hồi có tình hình kinh doanh tốt, hơn 51,7% các cửa hàng ăn uống có dự định mở rộng quy mô. Tuy nhiên, vẫn còn gần 33,5% đơn vị không có nhu cầu này. Một vài lý do cho rằng doanh nghiệp đang hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại, hay lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn khi mở rộng.