Các đạo luật được thông qua góp phần thiết lập đầy đủ hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Khoa học và công nghệ được coi là nền tảng, đổi mới sáng tạo là động lực và chuyển đổi số là đột phá, tất cả cùng nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các chương trình hành động cụ thể, tập trung vào nhiều lĩnh vực, bao gồm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và nâng cao năng lực khoa học công nghệ.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua 5 luật gồm Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Việc Quốc hội thông qua 5 đạo luật lần này là bước cụ thể hóa mạnh mẽ các định hướng lớn của Nghị quyết 57 và các nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy các động lực phát triển mới là khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, các đạo luật không chỉ tạo nền tảng pháp lý để triển khai hiệu quả các chính sách, chiến lược quốc gia về KHCN, ĐMST và CĐS, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước, đặc biệt khi hệ thống chính quyền hai cấp đang bước vào giai đoạn vận hành thực tế.
Bên cạnh đó, 5 luật này không chỉ nhằm cập nhật thực tiễn, mà còn thể hiện một cách rõ nét quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế lâu nay vẫn được xem là rào cản lớn trong phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số (CĐS).
Mặc dù đều được khởi thảo cách đây từ 1 đến 2 năm, nhưng nội dung của các Luật này đã được xây dựng lại gần như toàn diện, với tinh thần tiếp thu sâu sắc các chủ trương, tư tưởng lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024.
Nội dung 5 luật cụ thể như sau:
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị mà còn là một bản tuyên ngôn thể hiện tầm nhìn, khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường thông qua phát triển KHCN, ĐMST. Lần đầu tiên, ĐMST được đặt ngang hàng với KHCN thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển.
Luật Công nghiệp công nghệ số điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, bán dẫn, AI và tài sản số, với chính sách ưu đãi đặc biệt cho các dự án trọng điểm trong các lĩnh vực này. Lần đầu tiên, chương trình “Make in Vietnam” được quy phạm hóa, thúc đẩy thiết kế, sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ.
Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cùng Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy và phương thức quản lý lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyển căn bản từ quản lý hành chính sang quản lý rủi ro; chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ; chuyển từ cơ chế khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm.
Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tạo lập khung pháp lý toàn diện, phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Luật xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon.
Tại buổi họp báo ngày 7/7, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, Bộ kỳ vọng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí trong việc lan tỏa mạnh mẽ những nội dung cốt lõi của 5 đạo luật sẽ là đóng góp thiết thực, đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, góp phần tạo sự chuyển biến thực chất, xây dựng một nền khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo toàn diện và chuyển đổi số hiệu quả.