Có lẽ không một vị phụ huynh nào muốn con em mình bị cận thị. Ngoài những phương pháp chống cận thị như tư thế ngồi học, trang thiết bị học tập… các vị phụ huynh còn “đầu tư” cho con em mình chiếc đèn được “quảng cáo” là chống cận thị, những mong con em mình tránh được những tật về mắt.
Tràn ngập đèn chống cận thị
Trên thị trường hiện nay, xuất hiện rất nhiều loại đèn được “đóng mác” chống cận thị hay bảo vệ thị lực… Các loại đèn này thường có những kiểu bóng khác nhau như bóng huỳnh quang (khoảng 10-15cm), bóng đèn tròn… Đây được coi là đèn com-pact tiết kiệm điện năng, phát sáng không theo nguyên lý chớp sáng (dùng ba-lát điện tử) ít sinh nhiệt, hình thức đa dạng, chiếu sáng đạt 100-300 lux. Bóng đèn được phủ bột crom nên tạo ra thứ ánh sáng gần giống với ánh sáng tự nhiên (ánh sáng mặt trời).
Qua quảng cáo của những người bán hàng, đèn chống cận thị được trang bị thêm mạch điện điều chỉnh tần số dòng điện nên phát ra ánh sáng tốt, có tác dụng bảo vệ mắt, chống cận thị. Phần lớn các loại đèn được cho là chống cận thị có nguồn gốc xuất xứ khác nhau, dẫn đến giá cả của từng loại đèn cũng khá khác biệt.
Loại sản xuất trong nước có giá dao động từ 100.000 – 300.000 đồng/cái; trong khi đó các loại đèn được nhập khẩu của các thương hiệu nước ngoài có giá lên đến 800.000 – 1.000.000 đồng/cái.
Nhiều vị phụ huynh sau khi nghe lời quảng cáo “êm tai” của những người bán hàng đã “rinh” về những chiếc đèn trên, nhưng họ vẫn chưa thật sự yên tâm về việc con em mình sẽ tránh được cận thị. Chị Anh Ngọc (phố Thái Thịnh) cho biết: “Lo cho con bị cận thị, phải đeo kính, sẽ không được thoải mái hoạt động, nên tôi đã mua chiếc đèn chống cận thị.
Nhưng quả thực tôi cũng chưa thể yên tâm về thị lực của con mình. Vì thật sự cũng các loại đèn đó chưa có một quy chuẩn hay có một xác nhận của cơ quan y tế về việc phòng chống cận thị, bảo vệ thị lực.” Còn với anh Mạnh Linh (Ngõ Văn Chương) cho hay: “Con tôi hiện cũng đang dùng loại đèn chống cận. Dùng thì vẫn dùng, chứ trên thực tế tôi cũng chưa thấy tài liệu nào về đèn chống cận.
Tôi cũng không thấy có những hướng dẫn sử dụng cụ thể cho loại đèn này, nên cũng không biết đèn có chống cận thị được hay không”.
Có nên sử dụng đèn chống cận thị?
Cận thị phát sinh chủ yếu do quá trình hoạt động, làm việc ở cự ly gần với cường độ cao trong thời gian dài. Ngoài ra , cận thị còn phụ thuộc vào dinh dưỡng, di truyền, vệ sinh lao động… trong đó chiếu sáng là yếu tố quan trọng.
Bác sỹ Hoàng Cương, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học-Đào tạo, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Hiện nay chưa có một thông tin chính thống nào của ngành nhãn khoa đề cập đến loại đèn chống cận thị. Việc chiếu sáng tốt sẽ góp phần quan trọng vào việc đề phòng cận thị chứ không phải nhờ một loại đèn nào đó. Chiếu sáng tốt sẽ hạn chế việc nhìn mờ, giúp quá trình nhìn được thực hiện hoàn hảo nhất, giúp người đọc không phải đưa tài liệu vào gần.
Ngoài ra, bác sĩ Hoàng Cương còn cho hay: Nguồn sáng từ phía xa hay trên cao sẽ là không đủ cho việc học hay đọc sách. Chúng ta cần dùng thêm những nguồn ánh sáng bổ sung bằng đèn dạng nến hay đèn quả lê kinh điển. Công suất đèn nên vừa đủ sẽ tránh sinh nhiệt hay nguy hại cho mắt. Nếu có điều kiện, nên dùng tối đa ánh sáng tự nhiên để học, đọc sách… Chiếu sáng tốt còn làm đồng tử co nhỏ hơn, mắt không phải điều tiết nhiều, như thế sẽ tránh được tình trạng mỏi mắt.
Thực chất, những loại đèn được coi là chống cận thị trên không hề có lỗi. Có chăng chỉ là việc những nhà sản xuất đã dùng cái tên “mỹ miều” hơn công dụng thật sự của nó để tiện cho việc kinh doanh. Vì về phần chiếu sáng, loại đèn đó được coi là khá tốt. Do vậy có thể dùng loại đèn đó vào việc học, đọc, ánh sáng tốt nên sẽ không phải đưa tài liệu vào gần mắt, sẽ tránh được mỏi mắt.
Bảo Nam