Nằm giữa trung tâm thành phố Hà Nội, nhưng ít ai biết đến những con người “chân không chạm đất”, phải sống trên những chiếc nhà chài tạm bợ, được neo giữ với đất liền bằng khúc cây, đoạn dây cũng mong manh như chính cuộc sống của họ nơi đây.
Họ là những con người không tên, không tuổi, không hộ khẩu và đã quá quen với tên gọi: Xóm chài. Cuộc sống của họ là một thế giới khác lạ, tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động ở giữa phố phường nhộn nhịp.
Giữa đất Thủ đô mà ngày ngày nhà cao tầng mọc lên như nấm sau mưa thì đây quả là thế giới riêng, biệt lập hoàn toàn. Những căn nhà được dựng tạm bợ, xiêu vẹo bằng tôn, phên, tre, nứa. “Nay dột chỗ này, mai lại hổng chỗ nọ, vá chằng vá đụp để sống qua ngày”.
Mỗi căn nhà rộng chỉ khoảng 25 mét vuông được chia làm nhiều gian tùy mục đích sử dụng của gia đình. Dưới những mái nhà ấy là 2, 3 thế hệ cùng chung sống với nhau. Một tấm ván bằng gỗ được nối giữa “nhà nổi” và đất liền là con đường duy nhất để đi vào nhà. Người dân ở đây từ người lớn cho đến trẻ nhỏ nếu không muốn ngã xuống dòng nước đang đóng váng, đen ngòm vì bẩn thỉu ở quanh nhà kia thì đều phải học cho mình cách qua cầu thuần thục nhất.
Trong cái lều nổi lụp xụp rộng hơn 15m2, một hộ dân sống ở đây chia sẻ: Nơi đây có hơn 60 nhân khẩu với 14 hộ, chủ yếu là dân các tỉnh lẻ, sống dựa vào nghề bắt cá, bắt tôm, nhặt rác, làm thuê đủ mọi việc. Điều kiện sống ở đây thiếu thốn và bẩn thỉu nhưng vẫn phải chịu. “Ở đây, nước sinh hoạt phải mua ở trên bờ, có được chút nước sạch ai nấy đều phải tiết kiệm, tận dụng nhiều lần, điện thì phải mua dây kéo từ trên phố xuống, giá cũng 4.000-5.000 đồng/số. Nhiều khi mất nước hay chưa mua được nước đành phải liều múc nước ở dưới sông lên ăn".
Bao đời nay, cuộc sống của những con người ấy đã dập dềnh theo dòng nước. Họ sống cuộc sống tạm bợ trong những ngôi nhà nổi lụp xụp và lênh đênh. Trong cái lênh đênh ấy có cả những cụ ông, cụ bà chung sống với con cháu trên cùng một không gian nhỏ hẹp đó cho đến khi "nhắm mắt, xuôi tay".
Cuộc sống của hàng trăm con người bấp bênh, tạm bợ trên những nhà nổi
Những chiếc cầu khỉ thế này là cách duy nhất để sang được bờ
3 thế hệ trong một gia đình cùng chung sống trong một không gian vẻn vẹn 10m2
Không gian chật hẹp và bề bộn bên trong một nhà nổi nơi đây
Ánh mắt của những đứa trẻ nhìn lên bờ qua chiếc cửa sổ như đang chứa một ước mơ
Muốn có nước sạch người dân nơi đây phải lên tận bờ để mua và chúng được dự trữ và sử dụng một cách tiết kiệm cho việc ăn uống
Vì vùng nước chung quanh nhà nổi bị ô nhiễm nặng nên giặt quần áo phải đi thuyền ra giữa sông mới có nước để giặt
Thả lưới đánh bắt cá quanh "nhà"
Trẻ nhỏ cũng tham gia giúp đỡ bố mẹ làm việc
Bếp củi và bếp than tổ ong được sử dụng trên thuyền để nấu những bữa cơm thường ngày của những gia đình nơi đây
Bao năm nay vẫn vậy cuộc sống của những người dân nơi đây luôn được đánh đồng với sự nhếch nhác