Uber là một loại hình vận tải mới ra đời tại Việt Nam và ngay lập tức gặp thách thức từ nhiều phía.
Các hãng taxi kêu ca, cơ quan quản lý giao thông vận tải tiến hành canh me, xử phạt, vì lý do các xe tham gia mạng lưới Uber không có giấy phép kinh doanh vận tải.
Uber, dường như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và bị “kết tội” cạnh tranh không sòng phẳng với các hãng taxi truyền thống, vốn phải lo nhiều khoản chi phí và thuế. Uber cũng bị cho rằng sẽ không đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Gay gắt hơn, Hiệp hội taxi TP HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP HCM xem xét tính hợp pháp của dịch vụ cho thuê xe này và cho rằng nếu nó phát triển sẽ ảnh hưởng tới "nồi cơm" của hàng nghìn tài xế taxi trên địa bàn.
Lập luận chống Uber nại đến việc nhiều nơi tại Mỹ, Thái Lan, Đức… đã cấm Uber để cho rằng: tại Việt Nam, Uber cũng không nên được cho phép hoạt động.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, trong cuộc họp báo ngày 1/12 đã thẳng thừng cho rằng: Việt Nam chưa có quy định cụ thể về loại hình Uber, nên bất kỳ hãng nào hoạt động theo loại hình này đều là trái luật, dù rằng ông Thứ trưởng cũng phải công nhận Uber rẻ hơn so với taxi.
Như thế, câu chuyện pháp luật dường như được đặt lên trên, mặc dù theo chính danh, pháp luật trước hết là để phục vụ lợi ích của người dân. Xét cho đến cùng, nếu chưa có quy định về loại hình vận tải Uber, thì việc nói rằng Uber trái luật là không thỏa đáng, vì không biết Uber vi phạm… quy định nào.
Theo lời ông Thứ trưởng tại cuộc họp báo nói trên, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền để người dân biết về thực tế đối với hình thức chở người có thu tiền thông qua ứng dụng Uber là không đảm bảo quyền lợi cho người đi xe. Động thái này của Bộ GTVT dường như đang chĩa mũi dùi vào một loại hình dịch vụ mà chính ông Thứ trưởng cũng thừa nhận là mang lại lợi ích cho người dân với giá rẻ hơn.
Cũng rất may sau đó, sáng ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo: "Nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn, mình có trách nhiệm bổ sung để hợp pháp hoá. Phải làm sao để thuận cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân".
Tinh thần sử dụng pháp luật để thúc đẩy phát triển này của Bộ trưởng Đinh La Thăng có lẽ cần phải được sử dụng để thay thế cho tư duy “không quản được thì cấm”. Bởi theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT phải hướng đến năng suất cao hơn, chất lượng hơn, đem lại sự hài lòng hơn cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí quốc gia.
Câu chuyện Uber có lẽ sẽ chưa có kết thúc ngay, bởi việc soạn thảo ra quy định đối với loại hình này sẽ là một quy trình, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ cộng đồng của các cơ quan quản lý. Thế nhưng, qua câu chuyện Uber, định hướng “người dân và doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm” cần phải được tuân thủ triệt để, từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước.
Có lẽ, các cơ quan quản lý nhà nước, các hãng taxi và Uber nên ngồi lại với nhau để tìm ra được giải pháp ổn thỏa nhất cho loại hình vận tải này. Để nhà nước không thất thu thuế, các hãng taxi truyền thống cũng phải chấp nhận cạnh tranh lành mạnh, và Uber vừa hoàn thành nghĩa vụ của một đơn vị kinh doanh vận tải, vừa phát huy tối đa lợi thế của mình trong việc phục vụ lợi ích của người dân.
Chỉ có như thế, nguồn lực trong dân mới được giải phóng để thực sự trở thành một trong những đòn bẩy đưa đất nước tiến lên. Nếu không, tư tưởng “điều gì có lợi cho dân phải gắng sức làm” sẽ chỉ là một giấc mơ.