Bất động sản

Chủ đầu tư chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để “cứu” thanh khoản

Trang Nhi 22/12/2023 - 10:00

Trước kia, chủ đầu tư có thể mong muốn lợi nhuận lên đến hàng chục phần trăm thì mới làm, còn nay xác định hòa vốn, thậm chí lỗ ở một số giai đoạn đầu. Mục tiêu cao nhất của các chủ đầu tư hiện nay là thu tiền về nhanh nhất có thể để tạo dòng tiền hoạt động.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản đang làm mọi cách để giải cứu thanh khoản cho thị trường. Nhiều chủ đầu tư đã chủ động giảm giá nhà, ưu tiên dòng tiền hơn là lợi nhuận. Doanh nghiệp giảm giá bằng cách hỗ trợ khách hàng phương thức thanh toán dài hơn, tỷ lệ thanh toán thấp hơn, có thể đóng 30%, thậm chí 10% đã có thể nhận nhà, hoặc hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc...

cuu-thanh-khoan.jpg
Chủ đầu tư chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để “cứu” thanh khoản

Chuyên gia của DKRA Group nhận định, trước kia, chủ đầu tư có thể mong muốn lợi nhuận lên đến hàng chục phần trăm thì mới làm, còn nay xác định hòa vốn, thậm chí lỗ ở một số giai đoạn đầu. Mục tiêu cao nhất của các chủ đầu tư hiện nay là giá bán thấp nhất có thể, thu tiền về nhanh nhất có thể để tạo dòng tiền hoạt động.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng thừa nhận, trên thị trường, một số chủ đầu tư dự án nhà ở cao cấp, dự án nhà ở trung cấp đã thực hiện giảm giá bán thông qua các chính sách chiết khấu và khuyến mại, hậu mãi có lợi cho khách hàng.

Mặc dù đã gia tăng mạnh các chính sách khuyến mãi, chiết khấu nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các chủ đầu tư nên cân nhắc đến các giải pháp giảm mạnh giá bán, chấp nhận bán cắt lỗ hoặc bán bớt tài sản để trả nợ. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp bất động sản đang có những cái khó dù muốn nhưng không thể bán rẻ tài sản.

Savills Hà Nội cho rằng, giảm giá bán bất động sản là một bài toán thách thức cho cả chủ đầu tư và các nhà đầu tư cá nhân. Nguyên nhân là đối với chủ đầu tư hiện nay, chi phí đầu tư ban đầu của các chủ đầu tư hiện rất cao, bao gồm chi phí đất, chi phí vốn, chi phí tài chính trong quá trình phát triển dự án. Câu chuyện về tiến trình xin cấp phép, phê duyệt dự án kéo dài khiến các chi phí đầu tư tăng lên, từ đó tác động đến giá thành của sản phẩm, làm tăng giá bất động sản.

Thời gian từ bước chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến khi có giấy phép xây dựng có thể mất hai năm, thậm chí là ba năm. Như vậy, vốn vẫn đổ vào cho dự án trong thời gian đó nhưng chủ đầu tư không có nguồn thu nên chỉ còn duy nhất một kênh để có thể thu hồi được chi phí, đó là tăng giá bán. Điều này kéo giá bán của các căn hộ và nhà ở liền kề gia tăng và dẫn đến tình trạng có những dự án bán rất chậm nhưng không có dấu hiệu giảm giá bán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ đầu tư chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để “cứu” thanh khoản