Phóng sự - Ghi chép

Chín năm làm một Điện Biên

T.Thành 06/05/2024 - 15:42

Họ là những cựu chiến binh đã bước vào tuổi “bách niên giai lão”, đã cống hiến trọn đời cho lý tưởng cách mạng và độc lập, tự do của dân tộc. Hơn 70 năm về trước, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ khoác ba lô lên đường nhập ngũ rồi cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và họ cũng đã sống trọn vẹn 70 trang đời đầy vẻ vang, để chứng kiến non sông, cơ đồ ngày một rạng rỡ, phồn vinh.

Tất cả vì độc lập, tự do

Năm 1952, cũng như bao chàng trai, cô gái khác trên khắp các miền quê Việt Nam, khi mới 19 tuổi, ông Hoàng Văn Bảy (ở Tổ 1, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 thuộc Sư đoàn quân chủ lực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) giã từ quê hương Nghệ An để lên đường nhập ngũ. Lúc bấy giờ, đơn vị ông đóng quân ở Thanh Hóa. Đến tháng 10/1953, Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội ta bắt đầu mở ra, ông cùng đồng đội lên Điện Biên. Tất cả đều đặt quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi Việt Nam, giành lấy độc lập, tự do.

“Khi lên Điện Biên, tôi được phân công vào đơn vị đánh đồi A1, đây là nơi cứ điểm then chốt trong kế hoạch Na Va của Pháp. Quân đội ta vừa đánh nhau với địch, vừa đào hào từ trong rừng tiến sát đồi A1 nhưng Pháp không hề hay biết, vì chúng tôi vừa đào vừa ngụy trang bằng cách gác cây lên trên, hào đào đến đâu thì ngụy trang đến đấy. Mỗi đêm hành quân, người này cách người kia 5 mét. Lúc đầu chúng tôi nằm sát xuống mặt đất đào, vì nếu đứng quân địch sẽ phát hiện ra. Sâu hơn tý thì ngồi đào. Đào sâu rồi thì đứng. Cứ thế, người này nối người kia tạo thành những chiến hào”, cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy nhớ lại.

bay.jpg
Ông Hoàng Văn Bảy: “Lúc bấy giờ chúng tôi chiến đấu chỉ vì một mục đích, đó là giành lại độc lập, tự do cho dân tộc”. Ảnh Xuân Tư

Có những đêm đào hào trong mưa gió, ông Bảy và đồng đội ai cũng đẫm bùn đất. Vừa đói, vừa rét, có những khi cả ngày anh em chỉ được lót dạ bằng củ khoai, củ sắn. Trong thời điểm chiến dịch bước vào đợt 2, thời kỳ ác liệt nhất, quân ta hy sinh nhiều, nhìn đồng đội cứ ngã xuống ngay trước mặt mình, lúc đầu ông Bảy cũng sợ hãi, nhưng rồi ông nghĩ, phải cố gắng để giành thắng lợi để không phụ lòng những người đã hy sinh. Nghĩ thế nên ông và anh em trong đơn vị càng thêm quyết tâm phải tiêu diệt địch.

“Đã vào trận chiến thì không nghĩ gì sự sống hay cái chết nữa. Tất cả chúng tôi chỉ có một ý nghĩ, đó là quyết giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Lúc bấy giờ, quân ta thiếu thốn về vũ khí, súng đạn lại thô sơ. Mỗi người được trang bị khoảng 50 viên đạn, nên đã bắn là phải chính xác. Khi tên địch nào bị tiêu diệt thì chiến sĩ của mình lấy súng, đạn của chúng để sử dụng. Những chiến hào xuyên núi như mạng nhện bao vây quân địch đã được các chiến sĩ không quản ngày đêm vừa đào hào vừa đánh giặc”, ông Bảy kể.

Nhiệm vụ chính và quan trọng nhất của đơn vị ông Bảy chủ yếu là đào hào. Đào ngay cả khi bom đạn vẫn ngùn ngụt trên đầu. Và cũng chính bằng con đường hào mà ông và các đồng đội đào lên, quân đội ta đã vận chuyển lương thực, súng đạn, pháo cao xạ và thuốc men vào được trận địa. Khi đường hào của ta tiến sát hầm của địch, đơn vị ông Bảy sẽ rút lui để các đơn vị khác vào tiếp quản.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông Bảy chính là vào ngày 7/5/1954. Sáng hôm đó quân đội ta tổng công kích tiêu diệt thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ông Bảy không may bị trúng đạn ở bắp đùi và phải đưa về tuyến sau.

“Lúc đó tôi đang bị thương và phải nằm trên cáng để lực lượng quân y đưa về hậu phương chữa trị. Trên đường về thì chiều tối hôm đó nghe tin báo quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và địch ra hàng. Tất cả ai ai cũng vui mừng nhảy múa, tôi đang bị thương nằm trên cáng nhưng cũng muốn nhảy xuống ôm mọi người vì hạnh phúc vô cùng”, ông Bảy bồi hồi nhớ lại.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhìn thấy nhiều đồng đội trở lại miền xuôi, nơi có gia đình, người thân, bè bạn, người Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Bảy ngày nào cũng đã từng có ý định “khăn gói” rời xa mảnh đất hoang sơ, đổ nát vì vết tích chiến tranh. Nhưng vì nghĩ đến những người đồng đội đã nằm lại, ông lại tâm niệm “mỗi tấc đất trên mảnh đất Điện Biên này đều là mồ hôi, công sức, là máu của đồng đội” nên không nỡ rời xa. Ông quyết tâm ở lại nơi đây xây dựng gia đình, xây dựng cuộc sống mới.

“Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi ở lại đây lập gia đình, chuyển sang làm cán bộ nông trường cho đến năm 1985 thì về hưu. Những năm đầu của cải cách ruộng đất, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, ngày xưa ở đây hoang sơ và nghèo lắm, nhưng nhờ đường lối của Đảng, của Bác Hồ mà chúng tôi đã vượt qua để được như ngày hôm nay”, ông Hoàng Văn Bảy tâm sự.

Vinh dự được báo công với Bác

Cũng giống như cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy, dù chiến tranh trôi qua đã lâu, song ký ức về những trận đánh oanh liệt ở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, nhất là lần được gặp Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong đầu của ông Bạch Ngọc Giáp, nguyên Trung đội trưởng Trinh sát pháo binh Đại đội 806, Trung đoàn 45, Đại đoàn 351.

“Cuối tháng 12/1953, đơn vị của tôi được lệnh di chuyển từ Tuyên Quang tới Điện Biên Phủ. “Hành trang” của đơn vị là 4 khẩu pháo 105 thu được của Pháp, trong đó có 2 khẩu thu được trong chiến dịch Đông Khê, Cao Bằng (năm 1950) và 2 khẩu trong chiến dịch Tây Bắc (năm 1952). Với rất nhiều thành tích trong các chiến dịch lớn trước đó, chúng tôi vinh dự được Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ giao nhiệm vụ bắn mở màn chiến dịch với trận đánh vào cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954”, ông Giáp kể.

giap2.jpg
Ông Bạch Ngọc Giáp: “Đến giờ, mỗi khi nhớ lại lần được gặp Bác, tôi đều xúc động”.

Trước khi bộ binh và pháo binh tấn công Him Lam, đơn vị của ông Giáp được giao nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình của địch. Vì liên quan tới yếu tố bất ngờ của trận mở màn chiến dịch, nên anh em đã đào một đường hầm bí mật cách đồn địch chừng 200m. Chính nhờ áp sát sào huyệt và nắm được bố phòng lực lượng của địch nên pháo binh ta hoàn toàn làm chủ được thế trận.

“Tôi phụ trách tổ trinh sát cùng bộ binh ngày đêm đi sát hàng rào để đào ngách quan sát địch. Theo kế hoạch ban đầu, quân ta sẽ đồng loạt nổ súng vào 16 giờ chiều ngày 13/3/1954, nhưng mới khoảng 14 giờ địch đã ra phá giao thông hào bộ binh, vì vậy chúng tôi phải nổ súng sớm hơn. Lúc đó tôi đang ở hậu cứ của Trung đoàn Bộ binh 209 thì nhận được lệnh lên một quả đồi gần đó để quan sát, chuẩn bị sửa bắn cho pháo thủ. Sau đó, chúng tôi xuất kích theo giao thông hào của bộ binh. Chỉ huy có khẩu lệnh “nhường đường cho pháo binh”, chúng tôi tiến vọt lên trên, vào sát đồn địch. Đến vị trí mới nhận được lệnh lùi giờ nổ súng lại 1 tiếng nên ẩn nấp để chờ. Đúng 17 giờ, quân ta tổng lực tấn công vào đồn địch. Lúc đó đạn, súng cối của địch bắn ra tới tấp, nhưng các chiến sĩ của ta vẫn chiến đấu rất kiên cường, dũng cảm. Nhờ được pháo binh yểm trợ, Trung đoàn 209 - Sư đoàn 312 bộ binh đã chiếm được cứ điểm Him Lam, mở đầu chiến dịch với chiến thắng vang dội”, ông Giáp nhớ lại.

giap.jpg
Ông Giáp (ngoài cùng, bên phải) đang giơ đang tay chào, chờ Bác Hồ gắn Huân chương

Trong trận Him Lam, ngoài nhiệm vụ quan sát, sửa bắn... ông Giáp còn là người gọi điện về đài chỉ huy để tường thuật trực tiếp tình hình mặt trận, từ lúc quân ta xông lên đồn, giật bộc phá, phá hàng rào tiến công cho đến khi tiêu diệt được đồn địch, địch chạy ra như thế nào... đều phải báo cáo rõ ràng.

Trận này đơn vị của ông Giáp may mắn không có thiệt hại gì về người, quân ta hoàn toàn chủ động các tình huống. “Ngay trong trận đánh, thấy đơn vị pháo binh chiến đấu giỏi, bắn trúng rất nhiều mục tiêu, có chiến sĩ bộ binh sướng quá, ngoi đầu lên khỏi hầm công sự hô to “Pháo binh vạn tuế!” khiến tất cả như được tiếp thêm động lực. Hôm sau, khi chúng tôi về hầm của bộ binh, mọi người nói chuyện về pháo binh suốt cả buổi”, ông Giáp kể.

Sau trận Him Lam khoảng 2 ngày, khi ông Giáp trở về đài quan sát chính thì gặp Phó Chính trị viên Đại đội. Đồng chí ấy vỗ vai ông Giáp và bảo: “Trận đánh Him Lam cậu được Huân chương đấy” và trao luôn tại chỗ khiến ông Giáp hết sức bất ngờ. Bởi trong trận đánh đó, cả Đại đội chỉ có mình ông là vinh dự được nhận Huân chương.

Sau thắng lớn ở trận Him Lam, đơn vị của ông Giáp lại tiếp tục được điều động phối hợp với bộ binh đánh tiếp các cứ điểm quan trọng như: Đồi D, cứ điểm 507, trận địa pháo binh 203B và 307B sát hầm Đờ Cát.

Ông tiếp tục tham gia hầu hết các trận đánh ác liệt ở chiến trường Điện Biên Phủ cho đến khi quân ta hoàn toàn thắng lợi vào ngày 7/5/1954.

Chiều 7/5/1954, ông cũng là một trong những người đâu tiên của Đại đội pháo binh được đi cùng đồng chí Hoàng Cầm vào khu vực hầm Đờ Cát.

Khi chiến dịch kết thúc, đơn vị của ông Bạch Ngọc Giáp được cử đi dự Lễ chiến thắng tại Mường Phăng, sau đó, ngày 13/5/1954, ông vinh dự là một trong 6 chiến sĩ nhận lệnh về An toàn khu Việt Bắc, báo công với Bác Hồ nhân dịp sinh nhật Người.

Ông Bạch Ngọc Giáp tâm sự: “Với 6 người lính vừa từ mặt trận về An toàn khu, câu hỏi ân cần, giản dị của Bác ngay khi gặp mặt: “Các cháu đã được ngủ bù nhiều chưa?” là lời động viên, thăm hỏi ân cần như của người cha với các con. Trong chiến dịch 56 ngày đêm, hầu như đêm nào tôi cũng phải thức trực chiến. Vị lãnh tụ của dân tộc hỏi thăm điều đó chứng tỏ Người rất quan tâm đến những vất vả, hy sinh của chiến sĩ ngoài mặt trận. Đến giờ, mỗi khi nhớ lại lần được gặp Bác, tôi đều xúc động. Kỷ niệm ấy, cũng như những ngày tháng chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩnh viễn là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chín năm làm một Điện Biên