Trong số 96 cá nhân điển hình tiến tiến được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ IV, có những tấm gương Thẩm phán mẫu mực, đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp, là hạt nhân trong các phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển hệ thống TAND giai đoạn mới.
Thẩm phán Nguyễn Sinh Thành, Chánh án TAND huyện Hoài Đức (Hà Nội): Các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
"Được đại diện cho đội ngũ cán bộ, công chức TAND hai cấp TP Hà Nội tham dự Đại hội thi đua yêu nước TAND lần thứ IV, tôi cảm thấy rất xúc động, vinh dự và tự hào. Trong niềm vinh dự này, tôi càng xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của người cán bộ Tòa án, phải luôn “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bào vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức", Thẩm phán Nguyễn Sinh Thành nói.
Chánh án Nguyễn Sinh Thành xác định phong trào thi đua là vô cùng cần thiết, là động lực quan trọng thúc đẩy các tập thể và cá nhân phát huy thuận lợi, nỗ lực khắc phục khó khăn, để hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong những năm gần đây, TANDTC đã chú trọng phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tạo động lực thúc đẩy Tòa án các cấp thực hiện vượt và đạt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đề ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển đất nước.
Trong đó việc tổ chức xây dựng, phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo đã góp phần làm cho phong trào thi đua trong hệ thống Tòa án ngày càng lan tỏa và rộng khắp, mang lại hiệu quả cao, nhiều tập thể, cá nhân thuộc TAND các cấp đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý.
Chánh án Nguyễn Sinh Thành luôn mong muốn mỗi cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án phải thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án phải có sự nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng; tiêu chuẩn, chế độ, chính sách thi đua khen thưởng.
Chánh án Nguyễn Sinh Thành cũng chia sẻ, các phong trào thi đua phải thiết thực và bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Để làm tốt điều đó, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án: Xây dựng kế hoạch công tác khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị; tổ chức sắp xếp, phân công công việc hợp lý cho mỗi cán bộ, công chức, nhằm phát huy tối đa khả năng của mỗi cá nhân; chủ động nắm bắt chặt chẽ tiến độ giải quyết án của từng Thẩm phán và kịp thời có biện pháp tháo gỡ ngay những khó khăn về chuyên môn nghiệp vụ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng án quá hạn hoặc kéo dài thời hạn giải quyết; quan tâm tổ chức học tập, quán triệt các văn bản pháp luật mới liên quan đến công tác xét xử, nhất là các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Thẩm phán Lê Hưng Dũng - Chánh án TAND tỉnh Ninh Thuận: Tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội
"Tháng 9/2018, tôi được bổ nhiệm làm Phó Chánh án TAND tỉnh Ninh Thuận, được Chánh án phân công phụ trách Tòa Dân sự; Văn phòng; Phòng kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án hình sự; công tác thanh tra, kiểm tra và một số Ban trong đơn vị. Bản thân tôi luôn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tham mưu giúp Chánh án tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, điều hành, giải quyết một số công việc của cơ quan.
Trên cương vị Phó Chánh án TAND tỉnh Ninh Thuận, tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án đối với các bộ phận được phân công phụ trách. Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến tháng 4/2020, tôi đã trực tiếp giải quyết hơn 700 vụ án các loại. Tỷ lệ giải quyết đạt 95%, chất lượng giải quyết án luôn được đảm bảo, không có án bị hủy do lỗi chủ quan, án sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán chỉ 01 vụ, chiếm tỷ lệ 0,15%, không có án oan, không bỏ lọt tội phạm, không có án quá hạn luật định. Mỗi tháng, bình quân tôi giải quyết 11 vụ.
Năm 2015, tôi được TANDTC công nhận danh hiệu “Thẩm phán giỏi” và 3 năm sau được công nhận danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”. Trong các năm 2017 và 2020, tôi được Đài phát thanh và truyền hình Ninh Thuận chọn để đưa tin nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn tỉnh.
Trong 5 năm, từ 2015-2019, tôi có nhiều đề tài và sáng kiến được cấp trên công nhận và áp dụng. Điển hình như năm 2015 tôi có đề tài “Nâng cao kĩ năng xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm”. Đề tài này đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng nhân rộng đến Tòa án hai cấp.
Đến năm 2016 với đề tài “Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính - tư pháp trong đơn vị TAND TP Phan Rang - Tháp Chàm”, tôi đã chủ động lãnh đạo đơn vị thành lập Tổ hành chính - tư pháp, chọn ba Thư ký giỏi về nghiệp vụ làm công tác tiếp công dân và làm công tác tiền tố tụng trong công tác thụ lý các loại án, giúp rút ngắn thời gian thụ lý án, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án. Ở đề tài này, bản thân tôi đưa ra một số giải pháp đối với hoạt động tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn tại Tòa án.
Đáng chú ý, trong các năm 2016 và 2017, với các đề tài của bản thân đều được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng nhân rộng đến Tòa án hai cấp. Và đề tài các năm 2018 và 2019 cũng được Hội đồng sáng kiến nhân rộng, áp dụng đến Tòa án hai cấp. Liên tục trong 5 năm, từ 2015 - 2019, tôi giành được 5 danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Ngoài ra, tôi được Chánh án TANDTC trao danh hiệu Thẩm phán giỏi năm 2015 và Thẩm phán tiêu biểu năm 2018.
Ngoài giữ chức vụ Phó Chánh án TAND tỉnh Ninh Thuận, tôi còn là Phó Bí thư Đảng ủy TAND tỉnh Ninh Thuận. Bản thân thường xuyên tham gia góp ý xây dựng nghị quyết của Ban cán sự đảng, cơ quan và các đoàn thể…, thực hiện tốt chế độ sinh hoạt và nội dung sinh hoạt theo các quy định của Đảng ủy TAND tỉnh để đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong cơ sở đảng.
Ngoài ra tôi còn tham gia lãnh đạo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, dân quân tự vệ Tòa án tỉnh với nhiều hoạt động phong phú như tổ chức trao quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo huyện Bác Ái trị giá 30 triệu đồng...
Bên cạnh đó, tôi tích cực tham gia các hoạt động xã hội, kêu gọi các tổ chức và cá nhân tích cực đóng góp, ủng hộ công tác từ thiện. Một số kết quả đạt được như cùng đồng chí Chánh án kêu gọi các doanh nghiệp như công ty Sam-Cô tổ chức các hoạt động thiện nguyện trị giá hơn 1 tỷ đồng, cùng với nhóm hoạt động thiện nguyện phát quà cho học sinh nghèo trị giá 120 triệu đồng, tặng quà cho nhân dân huyện đảo Trường Sa 50 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà đại đoàn kết trị giá 80 triệu đồng...".
Thẩm phán Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk: Đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật
Là người đứng đầu của hệ thống TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk, tôi thấy rõ trách nhiệm của bản thân trong công tác tham gia xây dựng pháp luật. Từ thực tiễn của địa phương và quy phạm pháp luật, tôi luôn nghiên cứu và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật của Nhà nước, cụ thể:
Tham gia về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc Hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011), tôi đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp xây dựng các dự thảo Luật được ghi nhận như luật Quốc tịch, luật Lý lịch tư pháp, luật Cán bộ, công chức, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung và tham gia nhiều bài viết nghiên cứu bàn về việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em trên Tạp chí Tòa án và Tạp chí Khoa học của Đại Học quốc gia Hà Nội
Ngoài ra, với tư cách là một Đại biểu Quốc hội đồng thời cũng là một người con của Tây Nguyên, bản thân tôi luôn trăn trở và “đau cùng nỗi đau Tây Nguyên” trước những nguy cơ “không còn Tây Nguyên” do phá rừng để lấy gỗ, lấy đất để sản xuất và để làm thủy điện, dẫn đến tình trạng "voi rừng đánh chết voi nhà". Trong phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật của Quốc hội (ngày 26/7/2016), tôi đã báo cáo Quốc hội thực trạng của rừng Tây Nguyên và đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển dự án luật Bảo vệ và phát triển rừng lên để cho ý kiến và thông qua trong năm 2017 và ý kiến đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội chấp nhận đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2017 của Quốc hội.
Bên cạnh các bài viết nghiên cứu, từ năm 2015 đến nay, tôi có 03 sáng kiến được Hội đồng khoa học-sáng kiến TAND tỉnh Đắk Lắk công nhận, đánh giá xuất sắc và được áp dụng rộng rãi trong hệ thống TAND và chính quyền địa phương ghi nhận bằng việc học tập mô hình để áp dụng vào thực tiễn của đơn vị và thông qua các cuộc giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm của các đơn vị trong khối thi đua của tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khác như Cần Thơ, Bắc Cạn và các đơn vị TAND tỉnh Cà Mau, TAND tỉnh Hậu Giang… và ghi nhận công lao đóng góp bằng các hình thức khen thưởng như Bằng khen của Chánh án TAND, Bằng khen, Giấy khen của chính quyền địa phương.
Bà Bùi Thị Ngọc Hà - Phó trưởng Ban Trị sự Báo Công lý: Phấn đấu bằng những việc làm thiết thực và ý tưởng sáng tạo
Là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến trẻ nhất trong hệ thống Toà án được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ IV, tôi rất vinh dự và tự hào, tôi luôn tâm niệm mình phải cố gắng cống hiến bằng sức trẻ để đền đáp lại sự tin tưởng của lãnh đạo TANDTC cũng như sự ủng hộ của tập thể các CBCCVC Báo Công lý.
Với trách nhiệm là Phó trưởng Ban Trị sự Báo Công lý, tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, quản lý và điều hành mọi hoạt động của Ban Trị sự bao gồm công tác văn thư hành chính; quản trị; kế toán tài vụ; in ấn; phát hành; truyền thông - quảng cáo; lưu trữ các tài liệu của Toà soạn; quản lý các Văn phòng thường trú, Tổ phóng viên thường trú, Văn phòng truyền thông; Chịu trách nhiệm chính về hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thu hút tài chính nhằm đảm bảo Báo Công lý hoạt động ổn định và hiệu quả; Tham mưu cho Tổng Biên tập quyết định về những vấn đề đổi mới cơ chế chính sách; quản lý, sắp xếp, tổ chức bộ máy; công tác cán bộ; công tác tài chính; công tác truyền thông quảng cáo, phát hành; công tác thi đua - khen thưởng; chủ động tham mưu và trực tiếp chủ trì xây dựng nhiều đề án lớn của Báo Công lý.
Cùng với nhiệm vụ quản lý ở Ban Trị sự, tôi trực tiếp làm nhiệm vụ của Kế toán trưởng Báo Công lý, thực hiện đầy đủ, hiệu quả công tác quản lý, hoạch toán tài chính, quản lý tài sản của cơ quan đảm bảo hiệu quả, vừa khắc phục được những hạn chế trước đây, đồng thời phát huy tốt nhất điều hiện có phục vụ nhiệm vụ chính trị của Báo, góp phần quan trọng đảm bảo đời sống của cán bộ, viên chức, phóng viên, người lao động của cơ quan Báo, thúc đẩy Báo Công lý phát triển, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu thông tin, tuyên truyền pháp luật.
Đặc biệt, với vai trò giúp việc cho thường trực Ban Chỉ đạo công tác Thông tin - tuyên truyền TAND tôi đã chủ động tham mưu cũng như trực tiếp thực hiện các phần việc liên quan đến nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất được lãnh đạo TANDTC giao như các Chương trình Truyền hình TAND, Phim Truyền hình Lựa chọn số phận, Phim tài liệu, Phóng sự cũng như thực hiện công tác xã hội từ thiện.
Việc phát động phong trào Thi đua yêu nước trong hệ thống TAND giúp khích lệ tinh thần cũng như giúp mỗi tập thể, cá nhân có mục tiêu để phấn đấu bằng những việc làm thiết thực và những ý tưởng sáng tạo nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với những thành tích đạt được của mình, tôi sẽ không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất lối sống để không chỉ trở thành những tấm gương sáng, những hạt nhân nòng cốt trong các phong trào thi đua của đơn vị mà còn truyền sự đam mê và nhiệt huyết với công việc đến những đồng nghiệp của mình để cùng nỗ lực, đoàn kết phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách.
Thẩm phán Đỗ Thế Bình, Chánh án TAND TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc: Các vụ án đã giải quyết đều đúng trình tự và trong hạn luật định
Khi được phân công là Thẩm phán - Chánh án TAND TP Vĩnh Yên (ngày 1/12/2018 đến ngày 30/9/2020) bản thân luôn dốc hết sức lực, trí lực vào công việc để hoàn thành một cách tốt nhất, đạt hiệu quả chất lượng xét xử cao nhất. Tất cả các vụ án đã giải quyết đều đúng trình tự và trong hạn luật định; xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo được các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và cá nhân; bảo vệ được quyền công lý, quyền con người.
Trong 223 vụ án đã giải quyết có nhiều vụ án phức tạp, được dư luận và quần chúng nhân dân quan tâm. Quá trình xét xử luôn thể hiện sự cương quyết đấu tranh phòng chống tội phạm nhằm giữ vững tình hình chính trị tại địa phương; cách điều hành phiên tòa linh hoạt, khéo léo, đúng pháp luật; các lập luận của bản án sâu sắc, chặt chẽ, phán quyết được dư luận và nhân dân đồng tình. Trong 223 vụ án đã giải quyết, án có kháng cáo là 06 vụ. Kết quả xét xử phúc thẩm: Giữ nguyên án sơ thẩm cả 04 vụ, còn lại 02 vụ chưa có kết quả phúc thẩm. Không có vụ án nào bị hủy, sửa.
Để hoàn thành tốt các công việc được giao chủ yếu là do tập thể Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên đã đoàn kết, đồng tâm, chung sức, chung lòng, không quản ngại khó khăn và quyết tâm thực hiện. Mặt khác, ngoài việc thực hiện tốt các công tác chuyên môn, bản thân còn giữ chức vụ Bí thư Chi bộ.
Với cương vị là người đứng đầu của Chi bộ bản thân đã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt theo chuyên đề và định kỳ để quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế của hệ thống và đơn vị đề ra. Luôn duy trì mối quan hệ đoàn kết, tập trung dân chủ, tập trung sức mạnh tập thể để các đảng viên và quần chúng yên tâm công tác, cống hiến vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong 2 năm công tác, tôi vinh dự được đón nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua TAND năm 2019 và Chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2020.