Thời gian gần đây, nhiều sự kiện “hot” được các giáo viên đưa vào đề thi của học sinh phổ thông. Gần đây nhất, câu chuyện cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền và MV mới ra mắt của hotgril Chi Pu càng nóng hơn khi được đưa vào đề thi.
Không nên để học sinh đánh giá một đề tài khoa học
Trong đề thi kết thúc học kỳ I môn Ngữ văn của trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) có đưa ra câu hỏi về đề xuất cái tiến chữ Quốc ngữ của PGS. TS Bùi Hiền, khiến không ít học sinh bất ngờ. Cụ thể câu hỏi như sau:
Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về “Đề xuất cả tiến bảng chữ cái “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt” của PGS. TS Bùi Hiền, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày về suy nghĩ của mình về đề xuất ấy”.
Theo như ý kiến của nhiều bạn đọc đánh giá, các thầy cô đang chạy theo trào lưu của mạng xã hội mà quên đi rằng mình đang “đẩy đưa” học sinh đi phán xét phiến diện.
PGS.TS Bùi Hiền được đưa vào đề văn.
Cô Nguyễn Thị Thanh (một giáo viên về hưu ở Hà Nội) nói: “Đề xuất ý tưởng của PGS. TS Bùi Hiền đã nhận không ít gạch đá từ cộng đồng mạng, ít ai nhìn nhận vào công sức của một người 83 tuổi vẫn đam mê nghiên cứu khoa học. Mấy ngày qua, dư luận đã vơi đi một phần nào, giờ lại xuất hiện trong đề thi văn không khác nào khuấy động lại dư luận”.
“Đồng thời, đề tài đó chỉ là một nghiên cứu khoa học mà đưa ra lấy ý kiến đánh giá của học sinh. Như thế, các em sẽ nhìn một cách phiến diện, ít em có thể đủ khả năng đánh giá sâu và hoàn thiện vấn đề”, cô Thanh cho biết.
Hiện nay, giới trẻ đang lười nghiên cứu khoa học, hiện tượng đạo luận tiến sĩ, đề tài khoa học ngày càng nhiều, chính vì vậy với một nhà khoa học 83 tuổi vẫn miệt mài nghiên cứu là một điều đáng cỗ vũ và ghi nhận.
“Thế nhưng để học sinh đánh giá về công trình nghiên cứu khoa học thì tôi nghĩ không nên, như vậy vô hình chung chúng ta đang cổ xúy cho các em đánh giá phiến diện, nhiều người vì muốn sáng tạo nhưng sợ bị ném đá cũng nhụt chí”, cô Thanh nhấn mạnh.
Ồn ào showbiz vào đề thi
Không chỉ trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ đưa những sự kiện nóng thời gian qua vào đề thi môn Ngữ văn cuối học kỳ I. Mà mới đây, cộng đồng mạng cũng lan truyền đề thi kết thúc học kỳ của học sinh lớp 10 ở một trường phổ thông có đưa chủ đề về hotgirl Chi Pu vào đề thi.
Cụ thể đề yêu cầu như sau: “Chi Pu tên thật là Nguyễn Thùy Chi, cô bắt đầu nổi lên từ cuộc thi Miss teen 2009, hiện nay là một hotgirl được nhiều bạn trẻ yêu thích, tháng 10 vừa rồi Chi Pu vừa ra mắt MV Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình thành ca sĩ. Ngay lập tức cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Hương Tràm là người đầu tiên đưa ra quan điểm mạnh mẽ “Không biết hát thì đừng nên đưa nghề ca sĩ ra kiếm tiền”, Tóc Tiên, Thanh Lam, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương cũng có cùng quan điểm. Không chỉ vậy, ảnh chế của cô xuất hiện khắp nơi, những đoạn clip xuyên tạc thu hút hằng trăm nghìn lượt xem.
Chi Pu và MV mới ra mắt được vào đề thi môn Ngữ văn.
Mặc cho dư luận “ném đá”, giọng ca Từ hôm nay cho biết không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này. Hiện, cô đang tập luyện thanh nhạc để chứng minh con đường mình chọn là đúng, mỗi tháng cô sẽ ra một MV.
Hãy hóa thân vào Chi Pu viết một đoạn văn tự sự có yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay.
Theo đánh giá của cô Trần Thị Thủy, (giáo viên Ngữ văn ở Hà Tĩnh) cho hay: “Thực sự đề văn cập nhật các vấn đề nóng của xã hội là một cái hay. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng cập nhật được sự kiện. Đồng thời, đây không phải sự kiện phổ biến, theo tôi nên chọn sự kiện nào mang tính phổ biến trong xã hội, không nên đưa đời tư cá nhân ra mổ xẻ, không hay. Nếu sự kiện đó là tốt thì đưa ra mổ xẻ sẽ hay hơn nhưng nếu lấy thất bại của người khác ra mổ xẻ tôi nghĩ không nên”.
Cô Thủy phân tích thêm: "Có thể ý đồ của người ra đề là nói về bản lĩnh của Chi Pu, dám khẳng định mình hay sâu xa hơn là nói thái độ nên sống khiêm tốn của giới trẻ hiện nay".
Đặc biệt, người ra đề muốn cập nhật cái mới, những thông không chỉ trong sách giáo khoa mà cả ngoài đời sống xã hội. Và chọn nhân vật có ảnh hưởng đến đời lối sống của giới trẻ hiện nay.
Mặt khác, qua MV mới phát hành của Chi Pu bị ném đá, người ra đề mở ra hướng để học sinh thể hiện quan điểm nhiều chiều của mình.
“Cũng có học sinh sẽ đánh giá theo kiểu khâm phục về ý chí, dám nghĩ, dám làm của Chi Pu, dám thử sức với lĩnh vực mới. Nhưng cũng có em sẽ nhìn nhận đó là một thất bại để làm điểm tự cho thành công sau này của Chi Pu. Cũng có em sẽ nói đó là sự hiếu thắng của Chi Pu, tùy theo mức độ tiếp thu, hiểu biết của học sinh”, cô Thủy nhấn mạnh.