Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND tại Hà Giang

Tống Toàn| 07/09/2015 21:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 7/9, TAND tỉnh Hà Giang đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2015).

Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đã trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Chánh án TAND tỉnh Hà Giang cho đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh.

Đoàn công tác của TANDTC cũng công bố quyết định bổ nhiệm Thẩm phán Trung cấp cho 4 đồng chí: Nguyễn Thị Xuân, Cao Danh Nhân, Lù Quang Minh, Nguyễn Đức Chiều và công bố Quyết định nghỉ chế độ từ ngày 8/9/2015 cho đồng chí Nông Đức Toàn, nguyên Chánh án TAND tỉnh Hà Giang.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC và đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đã chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những thành tích đạt được của TAND hai cấp tỉnh Hà Giang trong suốt những năm qua.

Với đặc thù là tỉnh vùng cao, địa đầu của Tổ quốc, nơi mà bọn phản động Quốc dân đảng, phỉ thường tập trung ẩn náu hoạt động. Cùng với công tác đấu tranh trấn áp của chính quyền địa phương, TAND tỉnh Hà Giang thực hiện nhiệm vụ xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án phản cách mạng, những vụ án xâm phạm nghiêm trọng tới trật tự trị an, hoặc những vụ án xâm phạm tài sản XHCN gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhằm đảm bảo ổn định an ninh chính trị, bảo vệ công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội trong tỉnh.

Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND tại Hà Giang

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC phát biểu chỉ đạo

Cùng với việc làm tốt công tác xét xử các vụ án hình sự, các TAND hai cấp tỉnh Hà Giang đã giải quyết tốt các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Việc xét xử các vụ án dân sự đã phục vụ tốt cho việc bảo vệ phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và các quyền, lợi ích chính đáng của công dân. Việc xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình đã góp phần bảo vệ chế độ hôn nhân tự do, tiến bộ, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng nam nữ. Thông qua hoạt động xét xử của mình, TAND hai cấp tỉnh Hà Giang đã góp phần đấu tranh chống những tàn tích của tư tưởng phong kiến về chế độ hôn nhân, đồng thời cũng chống những biểu hiện của tư tưởng lệch lạc nảy sinh được duy trì trong một thời gian dài. Khi giải quyết các vụ án này, Toà án luôn coi trọng công tác hoà giải, góp phần giữ vững đoàn kết nội bộ nhân dân trong tỉnh.

Từ chỗ đội ngũ cán bộ còn ít về số lượng và không đồng đều về trình độ chuyên môn, đến nay tổng biên chế trong TAND hai cấp tỉnh là 137 người (TAND tỉnh 47; TAND cấp huyện, thành phố 90); trong đó: Thẩm phán 43, Thẩm tra viên 26, Thư ký 43 , chức danh khác 25. Trình độ đại học và trên đại học là 114 người, trong đó có trình độ lý luận chính trị là 41 (cử nhân chính trị 5, cao cấp chính trị là 30, trung cấp chính trị 6 đ/c); đến nay một số cán bộ đang theo học hoàn thiện về trình độ chuyên môn Đại học Luật và lý luận chính trị. Ngoài ra, được TANDTC phân bổ 25 cán bộ hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ.

Bên cạnh việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đội ngũ Hội thẩm nhân dân 2 cấp cũng không ngừng được củng cố. Toà án hai cấp tỉnh Hà Giang đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan để lựa chọn những vị Hội thẩm nhân dân có trình độ pháp lý và phẩm chất đạo đức, chính trị để tham gia hoạt động xét xử. Toà án tỉnh đã rất quan tâm thực hiện tốt các chế độ đối với Hội thẩm như trang phục, chế độ chính sách, tài liệu .... đặc biệt chú trọng tới công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các Hội thẩm nhân dân. Ngoài nội dung tập huấn nêu trên, hàng năm Toà án tỉnh tổ chức triển khai các tham luận về trao đổi nghiệp vụ qua các năm của TANDTC, TAND tỉnh Hà Giang đối với HTND hai cấp, trong nhiệm kỳ của Hội thẩm tạo điều kiện cho Hội thẩm nhân dân đi tập huấn và học tập kinh nghiệm xét xử tại các tỉnh bạn. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án trong TAND hai cấp.

Với những kết quả, thành tích đạt được trong những năm qua, nhiều đơn vị, cá nhân đã được Nhà nước, TANDTC, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Hà Giang, tổ chức đoàn thể ở địa phương tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý: Huân chương độc lập hạng Nhì, Huân chương độc lập hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc của TAND; Bằng khen của Chánh án TANDTC, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh...

Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND tại Hà Giang

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC trao quyết định cho tân Chánh án TAND tỉnh Hà Giang

Phát biểu chỉ đạo, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình điểm lại những mốc son của sự hình thành và phát triển của hệ thống TAND trong 70 năm qua. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, một quyền lực cơ bản trong bộ máy Nhà nước. Lần đầu tiên trong lịch sử nền tư pháp nước nhà, cũng như trong lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của hệ thống các TAND, một chức danh tố tụng cao cấp là Thẩm phán TANDTC được Quốc hội xem xét, cân nhắc, phê chuẩn. Vị thế, trọng trách, nhiệm vụ của Tòa án, của Thẩm phán được đề cao để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như Hiến pháp đã quy định.

Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, TANDTC xây dựng dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và được thông qua Luật này. Theo đó, hệ thống các Tòa án được tổ chức thành 4 cấp; Tòa án có nhiệm vụ phát triển án lệ; có nhiệm vụ đào tạo nguồn cán bộ, Thẩm phán; quy định cơ chế thi tuyển và nâng ngạch Thẩm phán cùng một số quy định quan trọng khác.

Ngày 29/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2015/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức. Theo đó, đối với chức danh Thẩm phán TANDTC được kéo dài thời gian làm việc đến 60 tuổi (đối với nữ), 65 tuổi (đối với nam). Quy định này phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp của Đảng, tạo điều kiện để các vị Thẩm phán TANDTC, những người đã có nhiều kinh nghiệm, kiến thức pháp luật tiếp tục được cống hiến, để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ công bằng và lẽ phải, được Đảng, Quốc hội và nhân dân tin tưởng giao phó.

Ngày 30/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1191 về việc thành lập Học viện Tòa án là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, đào tạo nghề xét xử trực thuộc TANDTC. Những đổi mới trên đây là một dấu mốc, một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử lập Hiến của nước CHXHCN Việt Nam và lịch sử cải cách tư pháp của đất nước.

Chánh án Trương Hòa Bình lưu ý: “Tại buổi Lễ hôm nay, chúng ta gặp mặt ở đây không chỉ để ôn lại những truyền thống vẻ vang của hệ thống các TAND Việt Nam, để càng tự hào và quyết tâm hơn trong công tác, mà còn là dịp để chúng ta nhìn lại, kiểm điểm lại cả những gì đang là tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm trong tổ chức và hoạt động của chính chúng ta. Qua đó ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm cũng như tìm ra những giải pháp hữu hiệu hơn để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác Toà án, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, công chức của TAND”.

Đại diện địa phương, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đánh giá cao về kết quả mà TAND hai cấp tỉnh Hà Giang đã đạt được trong thời gian qua, cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan trong đấu tranh phòng chống tội phạm, triển khai tích cực các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh giao… Sau khi phân tích, đánh giá về kết quả mà TAND hai cấp tỉnh Hà Giang đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh yêu cầu trong tình hình mới, nhiệm vụ của TAND còn rất nặng nề, khối lượng công việc giải quyết còn rất lớn, xu hướng mỗi năm một tăng lên. Do đó, các Thẩm phán TAND hai cấp tỉnh Hà Giang cần phát huy vai trò nòng cốt trong công tác xét xử, góp phần cùng địa phương ổn định tình hình chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thay mặt TAND hai cấp tỉnh Hà Giang, tân Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Lan Anh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chánh án TANDTC, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và hứa sẽ đưa vào chương trình hành động của TAND hai cấp tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND tại Hà Giang