Trải qua 25 năm công tác, cũng chừng ấy thời gian Thẩm phán Đào Văn Đạt (SN 1970), Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) gắn bó, cống hiến hết mình với hệ thống Tòa án ở miền núi và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
“Nghề Thẩm phán” - đam mê từ khi là sinh viên ngành Luật
Sinh ra ở miền quê nghèo của mảnh đất hiếu học thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, chàng trai Đào Văn Đạt là con thứ 7 trong gia đình lao động đông anh em. Sớm ý thức được sự vất vả của bố mẹ, chàng trai Đào Văn Đạt càng quyết tâm đeo đuổi sự học.
Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường PTTH Bắc Yên Thành, Đào Văn Đạt đã dự thi vào ngành Luật của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, đến năm 1998 tốt nghiệp và được phân về nhận công tác tại TAND huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An).
Trong 10 năm là Thư ký tại TAND huyện Quế Phong, ông Đào Văn Đạt luôn cố gắng học hỏi đồng nghiệp, thường xuyên học tập trau dồi nghiệp vụ nên đầu năm 2009, được bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND huyện Quế Phong; đến năm 2010 được điều về làm Thẩm phán tại TAND huyện Quỳ Châu.
Cuối năm 2011, ông tiếp tục được điều chuyển công tác từ Quỳ Châu về làm Thẩm phán TAND huyện Quế Phong đến tháng 6/2015 và vào tháng 7/2015, Thẩm phán Đào Văn Đạt được bổ nhiệm làm Phó Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp.
Tháng 5/2019 được bổ nhiệm là Thẩm phán trung cấp - Phó Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp vào tháng 4/2020. Từ tháng 5/2020 đến tháng 4/2021, ông là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư Chi bộ, Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp.
Trong thực hiện nhiệm vụ xét xử, Thẩm phán, Chánh án Đào Văn Đạt luôn đầu tư thời gian nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, thu thập các tài liệu, chứng cứ cần thiết nhằm giải quyết vụ án nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Các vụ án được giao đều được giải quyết trong hạn luật định, đúng quy định pháp luật, không có án bị hủy, cải sửa do lỗi chủ quan, thường xuyên học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn nhiệt tình cho các Thẩm phán và Thư ký trong công tác chuyên môn, cùng với các Thẩm phán và Thư ký trao đổi và giải quyết những vụ án phức tạp.
Trong các cuộc giao ban hàng tuần, hàng tháng, sơ kết, tổng kết hàng năm, ông đã kịp thời trao đổi, chỉ đạo, giải đáp các vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện nghiêm quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
Nhờ đó nên chỉ tính từ 01/01/2021 đến 31/12/2022, TAND huyện Quỳ Hợp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các chỉ tiêu xét xử năm sau đều cao hơn năm trước, có những chỉ tiêu thi đua vượt trên 20% so với quy định của Hội đồng thi đua khen thưởng TAND.
Cụ thể, đơn vị đã thụ lý/xét xử 754/768 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 98% (tăng 112 vụ, việc so cùng kỳ). Trong đó, án hình sự thụ lý 194 vụ/312 bị can, đã xét xử 192 vụ/310 bị cáo, đạt tỷ lệ 98,9% (tăng 20 vụ so cùng kỳ); án dân sự thụ lý 352 vụ, đã giải quyết 341 vụ, đạt tỷ lệ 96,8% (tăng 30 vụ, việc so cùng kỳ).
Các vụ án hình sự, dân sự đều được giải quyết đúng quy định của pháp luật, không có vụ án hình sự nào xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm. Các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính đều được giải quyết trong thời hạn luật định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Số lượng các vụ án có kháng cáo, kháng nghị thấp; số vụ án bị cải sửa không đáng kể; đặc biệt không có vụ án nào bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Đơn vị cũng đã họp xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng hơn 300 đối tượng trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện.
Vị Chánh án “tài đức vẹn toàn”
Bên cạnh công tác chuyên môn, Thẩm phán, Chánh án Đào Văn Đạt còn luôn quan tâm đến công tác chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho công chức và người lao động. Tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động ngày càng có chiều sâu và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan xét xử. Đồng thời, tích cực tham gia ủng hộ các loại quỹ Mái ấm Công đoàn, Quỹ Người nghèo, Quỹ khuyến học, Quỹ tình nghĩa TANDTC, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt…
Nhiều năm kinh nghiệm trong công tác, đặc biệt kinh nghiệm trong tổ chức, xét xử các vụ án điểm, án đặc biệt nghiêm trọng, bản thân ông đã có nhiều sáng kiến, giải pháp kinh nghiệm được Hội đồng khoa học sáng kiến công nhận, điển hình như: Năm 2021, ký quy chế phối hợp trong công tác giữa TAND với các xã, thị trấn. Năm 2022, ký quy chế phối hợp giữa UBND huyện - TAND -VKSND huyện. Đây là một mô hình đầu tiên, được nhiều đơn vị học tập.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được của tập thể đơn vị nói chung và những đóng góp, lập thành tích xuất sắc của người đứng đầu nói riêng; Thẩm phán, Chánh án Đào Văn Đạt đã vinh dự được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở nhiều năm, được Chánh án TANDTC tặng Bằng khen năm 2022. Đồng thời, chi bộ TAND huyện Quỳ Hợp còn được bình chọn là một trong 9 tập thể được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đây là phần thưởng cao quý và là niềm vinh dự to lớn, ghi nhận quá trình nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và thành quả lao động của bản thân ông trên cương vị Bí thư chi bộ, Thẩm phán, Chánh án TAND huyện miền núi Quỳ Hợp.
Trên cương vị là Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Thẩm phán trung cấp, Chánh án TAND huyện, ông đã luôn đi đầu, gương mẫu và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, luôn tìm ra được các giải pháp để giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất.
Với những kinh nghiệm rút ra trong thực hiện nhiệm vụ của người Thẩm phán, ông đã đề xuất cho cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp là Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp về sự cần thiết để ban hành Quy chế về Phối hợp trong công tác giữa TAND huyện Quỳ Hợp với UBND các xã, thị trấn vào tháng 1/2021.
Kể từ sau khi thực hiện Quy chế phối hợp đến nay, trên địa bàn 21 xã, thị trấn, TAND đã hướng dẫn, hỗ trợ về mặt pháp lý và cùng tham gia với UBND các xã, thị trấn tổ chức 215 cuộc tư vấn, hướng dẫn và hòa giải, đối thoại theo đề nghị của UBND các xã, thị trấn.
Nhờ sự tư vấn, hướng dẫn của TAND, nên đã có rất nhiều xã tổ chức hòa giải thành công và người dân đồng tình rất cao, hạn chế được các đơn khiếu kiện gửi lên cấp trên.
Đối với một Thẩm phán ở huyện, luôn phải xét xử tất cả các loại án, mỗi loại án có khó khăn riêng, đòi hỏi người Thẩm phán phải có kỹ năng, xác định các mối quan hệ pháp luật, nghiên cứu kỹ và vận dụng hợp lý. Để làm tròn vai trò của người Thẩm phán, giải quyết thấu tình đạt lý các vụ án, ông luôn có một ý chí, tinh thần trách nhiệm cao, say mê công việc, đặc biệt với tinh thần độc lập, nỗ lực tìm ra cách giải quyết phù hợp với công việc.
Bản thân Thẩm phán, Chánh án Đào Văn Đạt luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thẩm phán phải “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, đã thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật, tuân thủ những nguyên tắc của Hiến pháp về hoạt động tư pháp. Những nỗ lực, sự thành công của Chánh án Đào Văn Đạt là tấm gương sáng, truyền thêm ngọn lửa yêu nghề, tâm huyết với "nghề Thẩm phán" cho các đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị.
Thấm nhuần lời Bác dạy “Xử đúng là tốt, nhưng không phải xử thì tốt hơn”
Luôn tâm niệm theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ Tòa án: “Xử đúng là tốt nhưng không phải xử thì tốt hơn”. Bởi vậy, trong quá trình công tác của mình, Chánh án Đào Văn Đạt luôn dành thời gian tiếp dân, lắng nghe những yêu cầu, những bức xúc của người dân.
Với các vụ việc cụ thể, để hòa giải, đối thoại thành công, theo Chánh án Đào Văn Đạt, ngay khi nhận giải quyết vụ án các Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ trên cơ sở tiến hành thu thập thông tin, làm rõ vấn đề mấu chốt của vụ việc, xác định nội dung yêu cầu, nguyện vọng của các đương sự trong vụ án từ đó đưa ra các phương án hòa giải trên cơ sở phân tích tâm lý của đương sự, bằng các biện pháp giải quyết vừa có lý, vừa có tình. Bởi thực tế, những mâu thuẫn, tranh chấp nếu không được giải quyết kịp thời thì từ mâu thuẫn nhỏ sẽ thành mâu thuẫn lớn, từ tranh chấp thuần túy dân sự có thể trở thành vụ án hình sự...
“Đối với các tranh chấp đất đai, Thẩm phán phải về tận địa phương nơi các đương sự sinh sống để thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân, cũng như nguyện vọng của các bên có liên quan đến vụ án; chủ động tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nhu cầu và cả những bức xúc của các đương sự để có phương thức giải quyết”, Chánh án Đào Văn Đạt chia sẻ kinh nghiệm của mình.
“Với vai trò người đứng đầu TAND ở huyện miền núi Quỳ Hợp, ngoài quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, bản lĩnh chính trị vững vàng, người cán bộ của Tòa án cần phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân. Đứng trước mỗi vụ án, các Thẩm phán phải luôn trăn trở, nghiên cứu để tìm ra cách hòa giải thấu tình, đạt lý nhất, hạn chế phải xét xử”, Chánh án Đào Văn Đạt cho biết thêm.