Đời sống

Chắc tay súng nơi đầu sóng

Thái Đoàn – Xuân Phương 13/02/2024 10:45

Cách xa đất liền hơn 200km, quần đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang) đang được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu ngày đêm chắc tay súng, tuần tra, canh gác để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.

chac-tay-sung-noi-dau-song-ngon-gio-2-.jpg
Đại úy La Minh Nhòa (người chỉ tay) cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng đi tuần tra.

Quần đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), còn được gọi Thổ Chu, là xã đảo xa nhất vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Nơi đây cũng là nơi neo đậu của tàu đánh cá xa bờ ở các tỉnh miền Nam Trung Bộ hay các tỉnh Bến Tre, Cà Mau... ra ở lại nhiều tháng để đánh bắt trên vùng biển này. Thổ Châu là ngư trường đánh bắt bậc nhất, cũng là nơi giao thương hải sản nhộn nhịp.

Ngày 24/4/1993, xã Thổ Châu được tái lập có diện tích 13,98 km², trực thuộc huyện Phú Quốc (nay là TP. Phú Quốc).

Từ ngày mới thành lập, toàn xã chỉ có 7 hộ dân, đến nay xã đảo đã có hơn 549 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, mật độ dân số đạt 134 người/km².

Trong số những cư dân tại xã đảo này, có một phần là những người lính Bộ đội Biên phòng đã lập gia đình và định cư tại đây.

chac-tay-sung-noi-dau-song-ngon-gio-3-.jpg
Bộ đội Biên phòng Thổ Châu tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho ngư dân.

Nhiều năm qua, làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, dựa vào nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Trong số các tấm gương điển hình của Đồn Biên phòng Thổ Châu, Đại úy La Minh Nhòa, Đội trưởng Đội tham mưu hành chính là một tấm gương tiêu biểu.

Liên tiếp trong nhiều năm liền, Đại úy La Minh Nhòa đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và được Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang khen thưởng.

chac-tay-sung-noi-dau-song-ngon-gio-1-.jpg
Tuần tra trên biển.

Đại úy La Minh Nhòa cho hay, anh là người gắn bó với hòn đảo này từ ngày tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2013 cho đến nay và sau đó lập gia đình, rồi định cư nơi đây.

Anh chia sẻ, trong chiến đấu và cuộc sống hằng ngày, những người lính Đồn Biên phòng Thổ Châu luôn kề vai, sát cánh cùng nhân dân vượt qua khó khăn, sóng gió, bám biển, bám đảo thân yêu của Tổ quốc.

Một trong những hoạt động rất ý nghĩa và thường xuyên của Đồn Biên phòng Thổ Châu là trao tặng cờ cho ngư dân. Những lá cờ Tổ quốc mới sẽ được trao tặng để ngư dân thay thế những lá cờ đã cũ. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng kết hợp để tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân ngay trên biển.

“Chúng tôi luôn xác định mỗi ngư dân, mỗi một tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản là một cột mốc sống trên biển, là phên giậu của Tổ quốc. Chính vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều có sự đồng hành, gắn bó của lực lượng biên phòng.

Lực lượng biên phòng luôn chú trọng và tích cực tuyên truyền cho các chủ tàu, ngư dân hiểu và cam kết không dùng các vật liệu, ngư cụ cấm để đánh bắt thủy, hải sản; không vi phạm vùng biển nước ngoài; không tham gia buôn lậu, tiếp tay, bao che cho buôn lậu, hoặc che giấu tội phạm.

Phát huy vai trò của ngư dân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo cùng với Bộ đội Biên phòng, khi có vụ việc, tin tức liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ thì cung cấp ngay cho lực lượng Bộ đội Biên phòng để xử lý”, Đại úy La Minh Nhòa chia sẻ.

Qua công tác tuyên truyền của các chiến sĩ biên phòng, ngư dân đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình trong chấp hành pháp luật, góp phần cùng chính quyền, các lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn. Am hiểu pháp luật giúp ngư dân tự tin vươn khơi bám biển, tích cực tham gia giữ vững chủ quyền biển đảo.

Tuy Thổ Châu có diện tích đất lớn nhưng đa số là rừng, diện tích đất ở rất ít. Rừng ở Thổ Châu luôn được bảo vệ nghiêm ngặt cho nên hệ sinh thái và tài nguyên rừng vẫn còn nguyên vẹn. Thổ Châu còn có đảo Hòn Nhạn, trên đảo có mốc chủ quyền và đánh dấu điểm A1 đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Nơi đây cũng là nơi hàng ngàn con chim nhạn về đây trú đậu và làm tổ đẻ trứng.

Đồn Biên phòng Thổ Châu là đồn xa thứ nhì so với đất liền (sau Đồn Biên phòng Trường Sa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa). Khi các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tuần tra trên đảo phải đi bộ hoặc xe máy cá nhân. Còn tuần tra trên biển phải sử dụng ca nô. Hiện đồn được biên chế 01 tàu cứu hộ cứu nạn, trong trường hợp cần thêm tàu thì phải đi thuê hoặc nhờ tàu cá của ngư dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu trong thời gian qua đã có nhiều chiến công trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Những người lính nơi đây đã làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ biển đảo cho Tổ quốc; thực hiện tuyên truyền về pháp luật cho ngư dân cũng như giúp người dân khắc phục thiên tai và có hoàn cảnh khó khăn,qua đó ngày càng càng tô thắm nghĩa tình quân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chắc tay súng nơi đầu sóng