Chiều 8/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công. Đồng thời, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trình bày tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương (NSTW) giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ trình UBTVQH báo cáo Quốc hội.
Cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022. Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 là 33.157,137 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, chi tiết theo ngành, lĩnh vực.
Về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư và cơ sở lựa chọn phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo. Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là dự án có tính chất đặc thù, vừa sử dụng vốn NSTW, vừa sử dụng vốn tự có của EVN.
Không để xảy ra việc trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí
Cụ thể, về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn, tờ trình của Chính phủ đề xuất Quốc hội phân bổ hơn 2.500 tỉ đồng trong tổng số vốn hơn 37.000 tỉ đồng cho EVN để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã quyết nghị bố trí vốn cho EVN để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho Côn Đảo. Thủ tướng Chính phủ sau đó đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư hơn 4.950 tỉ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương hơn 2.526 tỉ đồng và vốn tự có của EVN hơn 2.423 tỉ đồng.
Quy mô đầu tư xây dựng mới đường dây 110kV, 1 mạch, từ ngăn xuất tuyến 110kV tại trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu - tỉnh Sóc Trăng đến trạm biến áp 110/22kV Côn Đảo.
Mở rộng 1 ngăn lộ đường dây 110kV tại trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Xây dựng mới trạm biến áp 110/22kV Côn Đảo bằng công nghệ GIS, quy mô 2x63 MVA (giai đoạn này lắp 1 máy 63 MVA).
Theo ông Phương, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia, cần xem xét, báo cáo Quốc hội để cho cơ chế giao kế hoạch vốn NSTW của Dự án cho EVN.
Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành, có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm, không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí. Việc bàn giao tài sản sau khi dự án hoàn thành thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý tài sản công và các quy định pháp luật có liên quan.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đồng ý việc phân bổ vốn cho EVN để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm và cam kết việc lựa chọn phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia tối ưu nhất đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực đầu tư, giá thành và chi phí hợp lý.
Giao Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành, có trách nhiệm thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và các báo cáo, nội dung liên quan đến dự án theo đúng quy định pháp luật về xây dựng và các pháp luật có liên quan; thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; Việc bàn giao, bổ sung vốn, tài sản sau khi dự án hoàn thành thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quản lý tài sản công, các quy định pháp luật khác có liên quan.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau khi xem xét, thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất trình Quốc hội bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Để đủ điều kiện trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng.
Dự kiến, nội dung này sẽ được trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp bất thường dự kiến khai mạc ngày 15/1.