Những ngày vừa qua, người dân Khu 9, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh) bàn tán xôn xao việc một số hộ dân bị buộc phải trả lại tiền đền bù vì nghi ngờ quá trình GPMB Dự án cải tạo, mở rộng mỏ than Cao Sơn (GĐ3) có sự gian dối để trục lợi.
Nguồn gốc đất một đằng, xác định một nẻo?
Theo tìm hiểu của PV, năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Quy hoạch tỷ lệ 1/500 Dự án cải tạo, mở rộng mỏ than Cao Sơn, do Công ty cổ phần than Cao Sơn, thành phố Cẩm Phả làm chủ đầu tư (sau đây viết tắt là Dự án). Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng, với tổng diện tích hơn 900 héc-ta.
Để triển khai Dự án, tháng 6/2015, thành phố Cẩm Phả ra thông báo thu hồi toàn bộ diện tích hơn 900 héc-ta đất trên, trong đó có gần 330 héc-ta của 42 hộ dân bị ảnh hưởng. Công tác thu hồi, đền bù được chia làm 3 giai đoạn, kéo dài từ năm 2015 đến nay.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và nguồn tin PV có được, trong quá trình đền bù đã xảy ra hiện tượng người dân có dấu hiệu “bắt tay” với một số cán bộ địa phương và đơn vị liên quan Dự án cố tình làm sai lệch hồ sơ, thay đổi hiện trạng đất để trục lợi tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).
Theo hồ sơ, trong giai đoạn 3 có 14 hộ được nhận tiền bồi thường, GPMB diện tích đất bị thu hồi là gần 60 héc-ta, với tổng số tiền bồi thường lên tới hơn 59 tỷ đồng. Cá biệt có những hộ nhận trên 24 tỷ đồng (khoảng 1 triệu USD).
Việc kiểm đếm và xác định nguồn gốc đất ở Dự án trên có nhiều hoài nghi, nghi vấn cán bộ phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả cấu kết với các hộ dân để trục lợi bất chính với số tiền ước tính giá trị khoảng 30 tỷ đồng.
Những cánh rừng trồng keo bị đốn hạ chuyển sang trồng nhãn
Ngày 18/7/2019, Báo cáo của Tổ công tác liên ngành của thành phố Cẩm Phả do ông Phạm Hồng Thái, Chánh Thanh tra ký đã chỉ rõ những tồn tại và thiếu sót trong 11 phương án bồi thường, GPMB Dự án cải tạo mỏ than Cao Sơn.
Trong đó, chủ yếu là xác định nguồn gốc đất chưa phù hợp, như: Từ đất trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp thành đất trồng cây lâu năm; Việc kiểm đếm số cây nhãn thực tế khác với trong bản chứng nhận nhà đất, tài sản trên đất có xác nhận của UBND phường Mông Dương xác nhận cây nhãn trồng từ 2013 là chưa đủ cơ sở.
“Biên bản kiểm đếm ghi tên Chủ tịch là một người nhưng ký xác nhận thay mặt UBND phường lại là người khác…”, văn bản có đoạn.
Trong đó phải kể tới trường hợp bà Ngô Thị Thắng, tổ 8, Khu 9, phường Mông Dương với tổng kinh phí bồi thường là 16.476.286.300 đồng (làm tròn gần 16,5 tỷ). Tổ công tác đã chỉ ra: Diện tích đất nằm trong giấy CNQSD đất: Mục đích sử dụng đất ghi trong giấy là “đất trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp”, đối chiếu với các quy định của pháp luật thì việc xác định phương án bồi thường, GPMB đã lập xác định đất trồng cây lâu năm là chưa phù hợp…
Ngày 24/7/2019, UBND thành phố Cẩm Phả có Công văn số 2869 về việc kiểm tra, rà soát toàn bộ phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB Dự án cải tạo, mở rộng mỏ than Cao Sơn tại phường Mông Dương.
Tiếp đó, ngày 25/7/2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hải Khiên đã ký Quyết định Hủy bỏ phương án bồi thường hỗ trợ của 4 hộ trong giai đoạn 3 với lý do: Qua kiểm tra phát hiện thấy chưa thống nhất nội dung giữa kết quả kiểm tra thực tế và số liệu kiểm tra trên hồ sơ, phương án bồi thường, hỗ trợ đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Số tiền phải thu hồi là gần 30 tỷ đồng.
Trước đó ông Nguyễn Hải Khiên là người ký văn bản liên quan việc phê duyệt phương án hỗ trợ, đền bù GPMB.
Từ 6.000 đồng/m2 thành 46.000 đồng/m2
Để làm rõ những thông tin nêu trên, nhóm PV Báo Công lý tìm đến cánh rừng ở Khu 9, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả - nơi có gần 60 héc-ta rừng sản xuất được “hô biến” thành đất trồng cây lâu năm có dấu hiệu trục lợi như đã nêu ở trên.
Theo quan sát của PV, xung quanh khu vực này là những quả đồi được trồng keo, xen lẫn là những quả đồi trọc, thi thoảng có những cây dại cài lẫn vào đó là những cây nhãn khô cằn đang chết dần chết mòn với chiều cao chỉ hơn một mét, đường kính cỡ khoảng vài cm và chưa bén rễ.
Hầu hết những cây nhãn này đều chưa ra lộc, phát tán. Theo ông N, một người dân ở đây cho biết, những cây nhãn này mới được trồng vài năm nay.
“Tôi cũng không hiểu tại sao họ lại trồng ở khu vực này, vì đất ở đây là đất sỏi đá không mầu mỡ, trồng keo cũng không lên được huống chi trồng nhãn. Một thời gian sau, tôi mới nghe biết là họ trồng nhãn với mục đích là để lấy tiền đền bù Dự án mở rộng mỏ than của Công ty Cao Sơn được nhiều hơn”, ông N. nói.
Theo hồ sơ của PV thu thập được, giá đất đền bù của Dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt là 6.000 đồng/m2 (đối với đất trồng rừng) và 46.000 đồng/m2 (đối với đất trồng cây lâu năm). Dấu hiệu trục lợi phát sinh từ đây.
Để làm rõ thông tin trên, PV Báo Công lý có buổi làm việc với ông Vũ Đình Sơn, Phó Giám đốc và ông Nguyễn Phú Cường, cán bộ (đều thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Cẩm Phả) - cũng là những người trực tiếp tham gia kiểm đếm hiện trạng, xử lý hồ sơ từ bước đầu.
Cả hai cán bộ này đều cho biết ngắn gọn rằng: “Chúng tôi căn cứ hiện trạng thực tế tại thời điểm kiểm tra. Đất trồng cây gì thì xác minh như thế... Trong đoàn kiểm đếm có đầy đủ các thành phần”.
Công văn số 2869 của UBND thành phố Cẩm Phả về việc kiểm tra rà soát lại toàn bộ phương án bồi thường của Dự án mở rộng mỏ than Cao Sơn.
Trước thông tin tại sao có nhiều trường hợp hộ dân đã được phê duyệt phương án bồi thường và đã nhận tiền lại bị hủy bỏ quyết định bồi thường hỗ trợ? Có hay không việc cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất “cấu kết” với một số cán bộ, đơn vị khác để trục lợi? Ông Sơn nói: “Không có việc đó. Chỉ là thu hồi để rà soát lại toàn bộ phương án bồi thường. Trung tâm chỉ là thành viên trong Hội đồng bồi thường, không quyết định được”.
Ông Sơn cũng nói thêm rằng, trong việc xác định nguồn gốc đất có nhiều loại đất; nào là đất rừng, đất nông lâm kết hợp, đất có giấy CNQSĐ và loại đất không có giấy nên việc xác minh nguồn gốc rất khó khăn (!?).
Còn ông Nguyễn Thạch Long, Chủ tịch UBND phường Mông Dương nói với PV Báo Công lý: Trong việc bồi thường hỗ trợ dự án này, UBND phường tham gia vào việc xác định nguồn gốc đất. Việc xác minh này có đầy đủ các thành phần, từ cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất, khu dân cư…
“Việc thành phố thu hồi các quyết định bồi thường trên để rà soát lại chứ không phải đúng hay sai mà thu hồi”, ông Long nói thêm.
Có hay không việc một số cán bộ liên quan thực hiện GPMB “bắt tay” cùng một số đơn vị cấu kết, thông đồng với các hộ dân hô biến đất rừng thành đất trồng cây lâu năm để trục lợi từ ngân sách với giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng? Nguồn tiền ở đâu ra, được chi trả thế nào…? Báo Công lý sẽ thông tin đến bạn đọc.