Đời sống

Cách làm mới từ mô hình ‘Dân vận khéo’ ở Quảng Bình

Minh Phương 05/11/2023 - 08:02

Mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đang từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc, biên giới và miền núi với những cách làm hay và sáng tạo.

z4844630684543_c7686a97638f10ec372e043b6b6fe2e9.jpg
Bà con bản Dốc Mây, xã Trường Sơn vui mừng vì có nước sạch để dùng

Mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Quảng Ninh

Thời gian qua, để góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào Bru-Vân Kiều trong việc thay đổi phương thức chăn nuôi, canh tác, phát triển sản xuất, giúp bà con giảm nghèo bền vững; xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn biên giới... Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch số 72-KH/HU, ngày 17/2/2023 về việc thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, giúp 19 bản thuộc 02 xã biên giới, miền núi Trường Sơn và Trường Xuân với nhiều cách làm, mô hình có sức lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực.

trao-tang-xe.jpg
Xã Vĩnh Ninh trao tặng bản Bến Đường, xã Trường Sơn 07 xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và xây trạm truyền thanh cho bản

“Để thực hiện mô hình “Dân vận khéo” này, cấp ủy, chính quyền 13 xã, thị trấn và một số phòng, ban, đơn vị trên địa bàn có chung nhiệm vụ là giúp đồng bào Bru-Vân Kiều thay đổi nhận thức, tư duy, cách nghĩ, cách làm… Cụ thể, khi được giao nhiệm vụ phải tính toán xây dựng kế hoạch giúp đỡ thế nào, huy động nguồn lực và thời gian thực hiện. Kết quả đạt được phải bằng định lượng, sản phẩm phải sờ được, đếm được, không chung chung”, ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh nêu mục đích thực hiện.

2(1).jpg
Xã Võ Ninh chọn cách hỗ trợ bản Trung Sơn, xã Trường Sơn 30 lợn giống sinh sản cho 15 hộ chăn nuôi phát triển kinh tế

Đặc biệt, các địa phương phải xác định rõ nhu cầu của bà con cần giúp đỡ, hỗ trợ gì để lên kế hoạch thực hiện. Sau khi đã xác định được nhu cầu nơi cần giúp đỡ, tùy theo điều kiện của địa phương mình để huy động nguồn lực hỗ trợ. Định kỳ, hàng tháng, quý, phải báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua Ban Dân vận để có hướng chỉ đạo trong thời gian tiếp theo.

z4844653674062_5654aa6796d280cbf2bd71dc49d5c437.jpg
Xã Tân Ninh tặng quà cho bản Sắt, xã Trường Sơn

Xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Từ cách làm trên, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của nhiều địa phương trên địa bàn. Với xã Vạn Ninh là ví dụ điển hình. Sau chuyến khảo sát và làm việc với đại diện bản Thượng Sơn của xã Trường Sơn, bằng nhiều cách làm hay và thiết thực, xã đã đón 15 hộ Bru-Vân Kiều về học tập tại xã các mô hình phát triển kinh tế. Tiếp đó là xây mới 10 nhà vệ sinh cho 10 hộ, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho 06 hộ thực hiện mô hình nuôi gà để phát triển kinh tế, tổng số tiền sau 2 đợt hỗ trợ lên đến 104 triệu đồng.

z4844656924346_b364d613dd3707757d756ab6fb4704d2.jpg
Mỗi địa phương, đơn vị một cách làm, nhưng mục tiêu hướng đến vẫn là giúp đồng bào Bru-Vân Kiều thay đổi nhận thức để có cuộc sống tốt hơn

Mỗi nơi một mô hình và cách làm, nhưng mục tiêu hướng đến vẫn là giúp đồng bào Bru-Vân Kiều thay đổi nhận thức để có cuộc sống tốt hơn. Theo đó, thị trấn Quán Hàu chọn cách đầu tư cho bản Cây Sú xã Trường Sơn hệ thống máy bơm nước, giúp bà con có nguồn nước sinh hoạt và sản xuất ổn định. Không chỉ giúp về vật chất, thị trấn còn tặng 10 phần quà cho hộ nghèo, hỗ trợ mua đồng hồ treo nhà văn hóa và tài trợ giải bóng đá cho bà con dân bản vui chơi giải trí, tổng số tiền chi hỗ trợ cho bản Cây Sú được hạch toán 100 triệu đồng.

z4844662679045_a056587822f123f5d5a28f254b8ed1c0.jpg
Đại diện xã Lương Ninh tặng quà cho bà con bản Đá Chát xã Trường Sơn

Với xã Võ Ninh chọn mô hình hỗ trợ bản Trung Sơn, xã Trường Sơn 30 lợn giống sinh sản cho 15 hộ chăn nuôi; xã Lương Ninh ngoài tiền hỗ trợ, tặng quà cho bà con bản Đá Chát xã Trường Sơn, còn mua 25kg mật ong, giúp tiêu thụ đầu ra hàng hóa bà con làm được.

z4844667842394_78937a99b25092d0e3478d84a2197b50.jpg
Phòng KT-HT và UBMTTQ huyện tặng quà và bàn giao các mô hình sinh kế cho bà con bản Hôi Rấy, xã Trường Sơn

Hay như Ban chỉ huy Quân sự huyện, sau khi khảo sát thực tế tại bản Hang Chuồn, xã Trường Xuân, đã chọn cách làm mới toàn bộ hệ thống khánh tiết nhà văn hóa, xây dựng sân bóng chuyền; hỗ trợ vệ sinh đường liên bản, nhà văn hóa, nhà cộng đồng; Ngoài ra còn hỗ trợ xây nhà nghĩa tình đồng đội tại bản Nà Lâm, tổng số tiền hỗ trợ 2 lần thực hiện được tính hết 70 triệu đồng.

Còn tại bản Dốc Mây, là bản biên giới xa nhất của xã Trường Sơn, ở đây giao thông đi lại hết sức khó khăn, là nơi định cư của 24 hộ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, quanh năm chủ yếu dựa vào nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ, đời sống rất khó khăn. Đặc biệt ở đây nguồn nước sinh hoạt của bà con không có, do địa hình đồi núi cao, triền dốc…

z4844679932126_b4c26dfc82baffbfece77e0955e4799e.jpg
Xã Hiền Ninh trao tặng 59 suất quà cùng nhiều vật dụng cho bản Chân Trôộng, xã Trường Sơn với tổng số tiền 90 triệu đồng

Được Huyện ủy phân công giúp đỡ, Ban QLDA ĐTXD&PTQĐ huyện đã nhanh chóng thành lập đoàn đi khảo sát, trên cơ sở nhu cầu cấp thiết của bà con, Ban đã bắt tay vào thiết kế, xây dựng công trình cấp nước sạch giúp bà con bản Dốc Mây có nước sạch để dùng, tổng kinh phí đầu tư 250 triệu đồng. Đây là công trình tiêu biểu nhất trong số hạng mục được mô hình “Dân vận khéo” hỗ trợ cho bà con đồng bào đợt này.

Đó là 5 trong tổng số hàng chục mô hình “Dân vận khéo” đang được các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã triển khai thực hiện hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa, không dùng ngân sách, tổng số tiền hỗ trợ lên đến gần 1 tỷ 500 triệu đồng.

z4844679937115_7b77e166a01aa34391cd8d3ee2b53b1f.jpg
Xã Hiền Ninh trao tặng trụ cột và cụm loa truyền cho bản Chân Trôộng, xã Trường Sơn

Gắn kết tình cảm miền xuôi với miền ngược

Để phong trào xây dựng mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia và phát triển sâu rộng trên địa bàn. Huyện Quảng Ninh cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ công chức làm công tác dân vận, nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ. Cụ thể, 6 tháng tổng kết một lần để đúc rút kinh nghiệm, giúp lần sau làm tốt hơn.

z4844692921901_e839c8b99ba91da338c510f89373b962.jpg
Công an huyện và Hội LHPN huyện tặng nhiều phần quà cho bà con bản Cây Cà, xã Trường Sơn và 01 nhà tình nghĩa, tổng kinh phí hỗ trợ 110 triệu đồng

Đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều nhằm xóa bỏ các hủ tục lạc hậu… Xây dựng và nhân rộng các mô hình cộng đồng tự quản trong đồng gắn với các phong trào “Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo vệ rừng, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới.

Chú trọng bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên, hội viên và quần chúng là người Bru-Vân Kiều để giới thiệu cấp ủy kết nạp vào Đảng, xây dựng nguồn cán bộ kế cận của xã, của bản, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

z4844686665681_72aac5bb810d09edc8a8133ae5633c76.jpg
Xã Hải Ninh giúp bản Khe Ngang, xã Trường Xuân 20 con lợn giống và nhiều vật dụng trang trí phòng khánh tiết nhà văn hóa bản

“Điều quan trọng nhất của mô hình “Dân vận khéo” theo Kế hoạch số 72 này là được người dân đón nhận vui vẻ, tự nguyện đóng góp, thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm của đồng bào người Kinh với đồng bào Bru-Vân Kiều. Hơn hết là kế hoạch đã khơi dậy sự tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của Nhân dân trong kiến thiết, xây dựng phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn”, ông Hoàng Xuân Thiết, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Quảng Ninh cho biết.

z4844696988432_51ffd6fa33b45eb7109e9d3c6669fd93.jpg
Cả người cho và người nhận đều vui vẻ

Nhiều công trình phúc lợi xã hội được làm mới

Nhờ sự chung sức, chung lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn, 19 bản của 02 xã Trường Sơn, Trường Xuân đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình hạ tầng quy mô nhỏ, công trình cung cấp nước sạch, điện sinh hoạt…. Cùng với đó, bà con cũng được tiếp cận các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, để lựa chọn con giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp, nên đời sống kinh tế cũng khá hơn. Đồng thời hàng hóa của bà con làm ra cũng được mô hình tìm thị trường tiêu thụ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tình đoàn kết miền ngược với miền xuôi.

5.jpg
Giúp bà con đồng bào phát triển sản xuất, hướng đến giảm nghèo bền vững

Điều quan trọng ở mô hình “Dân vận khéo” tại huyện Quảng Ninh là đã thu hút được đông đảo cán bộ và người dân tham gia trên cơ sở tự nguyện, có sự đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để nhân rộng mô hình hoặc cách làm, đưa phong trào thi đua phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Trong thực hiện, Nhân dân được tham gia vào hầu hết công việc và cách làm. Nhờ thế đồng bào Bru-Vân Kiều dần hiểu được mục đích, yêu cầu nên đã thay đổi nhận thức trong sản xuất và cũng như dần xóa bỏ các hủ tục cũ lạc hậu, không còn tình trạng trông chờ ỷ lại như trước đây.

Giúp đồng bào dân tộc thay đổi tư duy nhận thức

Quá trình triển khai thực hiện mô hình, có đơn vị giúp các bản bằng vật chất, có đơn vị chọn phương pháp tuyên truyền giúp bà con thay đổi tư duy, nhận thức; mỗi cơ quan đơn vị mỗi cách làm với mục tiêu tạo cú hích lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.

z4844696982780_14d7e88d7ffa7eb6710960567fb6c685.jpg
Đại diện Công an huyện và Hội LHPN huyện trao đổi với đại diện bản Cây Cà, xã Trường Sơn chọn mô hình hỗ trợ

“Trong kế hoạch, Huyện ủy Quảng Ninh đã giao nhiệm vụ và phân công rõ trách nhiệm, mỗi người mỗi công việc, cán bộ ngành, nghề nào, tham mưu mô hình, lĩnh vực về ngành, nghề đó. Để tạo sự thi đua giữa các địa phương, đơn vị, mô hình cũng được lập nhóm Group để theo dõi, điều hành tiến độ công việc. Theo đó, mỗi khi các đơn vị, địa phương hỗ trợ được phần việc gì, phải có báo cáo phần việc mình giúp đỡ ra sao, tình cảm bà con tiếp nhận thế nào, cái gì được, cái gì chưa được để đúc rút kinh nghiệm cho lần sau”, ông Tuấn nói.

z4844696988422_b50b849d9092ad7b805a7450a8f97e97.jpg
Cách làm mới từ mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Quảng Ninh cần nhân rộng

Ông Phan Xuân Khánh, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết: “Mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Quảng Ninh đã cụ thể hóa Nghị quyết số 06- NQ/TU ngày 15/12/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp Uỷ, Đảng với mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Là cách làm căn cứ từ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, đáp ứng được nhu cầu người dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân với nội dung cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là nâng cao nhận thức, ý thức… cho đồng bào trong việc phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo cần nhân rộng trong thời gian tới”.

“Để cụ thể Kế hoạch thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giúp các bản 02 xã Trường Xuân và Trường Sơn, Huyện ủy Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị với nhiều thành phần tham gia do Thường trực Huyện ủy chủ trì, nhằm gợi mở cách làm với nhiều câu hỏi đặt ra, đặc biệt là khi thực hiện không được dùng ngân sách xã này để hỗ trợ cho xã khác. Ví dụ như cán bộ mảng văn hóa khi lên với đồng bào thì tham mưu giúp cái gì, anh nông nghiệp hay môi trường phải suy nghĩ sắp tới giúp cái gì, điều quan trọng nhất là mình phải tạo cú hích, chỉ cách làm ăn, giúp đồng bào thay đổi tư duy nhận thức trong thời gian tới”, ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy huyện Quảng Ninh kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách làm mới từ mô hình ‘Dân vận khéo’ ở Quảng Bình