Triệu Văn Hiệu nhớ đến câu nói “có những lúc cần rộng lượng thứ tha, cho người cơ hội cũng là nhận lấy cơ hội khác cho mình…” đầy tiếc nuối. Chính Hiệu cũng không ngờ rằng, sau mỗi câu nói, sau mỗi hành động lúc nóng giận ấy của mình lại khiến người khác bỏ mạng, cũng khiến cho bản thân phải lâm cảnh tù tội.

Mỗi lần nhớ đến sự việc xảy ra ngày hôm đó là thêm một lần Triệu Văn Hiệu (SN 1983, thôn Quyết Tiến, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) hối hận. Chỉ vì chủ quan, sai lầm trong cách xử lý Hiệu đã khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ, gia đình bị hại mất đi một người con còn gia đình Hiệu lại vắng mất một trụ cột gia đình.

Đôi lúc Triệu Văn Hiệu muốn “lờ” đi theo kiểu việc đã rồi, có làm có chịu, trả giá là tất yếu để đầu óc không bị căng ra trong lo lắng, nhưng rất khó. Căn bản, Hiệu cảm thấy dằn vặt, luôn tự vấn lương tâm tại sao bản thân không bớt nóng giận đi một chút, không rộng lượng đi một chút, lại cứ cố “truy” đến cùng để làm gì, để được gì. Sau tất cả, thứ Hiệu nhận về chính là kết cục đắng chát.

Triệu Văn Hiệu là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 7 chị em. Cuộc sống chật vật, “trậm trầy trậm trật”, cố gắng lắm Triệu Văn Hiệu cũng chỉ học đến được lớp 3 rồi dừng lại. Với trình độ học vấn thấp, lớn lên Hiệu gặp phải khó khăn trong việc kiếm cho mình một nghề tốt để lận lưng.

“Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, Triệu Văn Hiệu cũng sớm yên bề gia thất và nhanh chóng có 3 đứa con. Cuộc sống chủ yếu dựa vào nương vườn để đắp đổi qua ngày. Vì vậy, khi phát hiện có người trộm đi thứ mà mình đang trông chờ đến ngày thu hoạch Hiệu đã bức xúc để rồi không kiềm chế được mà gây họa.

Đôi lúc Hiệu chỉ ước một cuộc sống nghèo nhưng bình yên mà quá khó. Ví như hoàn cảnh hiện tại của Hiệu, từng một lần lầm lỡ khi có cơ hội sửa sai Hiệu đã cẩn trọng vô cùng.

Hiệu từng nói “đi qua những ngày mưa mới quý vô cùng những ngày nắng”, Hiệu không nghĩ bản thân lại một lần nữa vướng vòng lao lý như thế này. Hiệu càng không nghĩ cuộc đời mình lại nhận lấy một cái kết đắng chát, đắng như chính vị măng tươi mới hái.

Vụ việc đau lòng, cũng vô cùng đáng tiếc của Triệu Văn Hiệu xảy ra vào khoảng 14 giờ ngày 15/6/2022, Triệu Văn Hiệu nhận điện thoại của Nông Văn Nguyên (SN 1979, trú thôn Quyết Tiến, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, là anh trai họ của Hiệu) báo tin có hai đối tượng vào khu vực đồi nhà Hiệu lấy trộm măng. Nguyên đã bắt được một người tên Chu Quốc Huân (SN 2001, trú thôn Quyết Tiến, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) còn một người đã bỏ chạy ra ngoài.

Lập tức Hiệu lấy xe máy đi đến đầu đường mòn lên đồi Nà Cại thôn Khun Chặm, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng để chặn đầu đối tượng bỏ chạy. Được khoảng 20 phút thì thấy Bế Văn Thuyết (SN 1996, trú thôn Tiên Phong, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng) đi từ trên đồi xuống. Hiệu hỏi “Mày đi đâu về” thì Thuyết nói “Tao đi trộm măng về”. Lúc đó Thuyết cầm một con dao nhọn và dọa nếu Hiệu đến gần sẽ đâm.

Cả giận mất khôn

Triệu Văn Hiệu hối hận khi đã vô ý tước mất mạng sống của một người chỉ vì sự nóng nảy có phần “hẹp hòi” của mình.

Ngay sau đó, Thuyết lao về phía Hiệu thì Hiệu nhặt lấy một khúc cây ở cạnh đường đập vào cánh tay phải của Thuyết làm rơi con dao, Thuyết bỏ chạy thì bị ngã xuống bờ ruộng. Hiệu nhặt lấy con dao của Thuyết bị rơi, đứng chặn phía trên đường không cho Thuyết chạy. Sau khi hỏi, Hiệu biết Thuyết vẫn để măng đã trộm ở trong vườn nên Hiệu bắt Thuyết vào lấy ra.

Khoảng 5 phút sau, Thuyết cầm bao măng đi ra và Nguyên cũng đưa Huân đến. Hiệu cùng Nguyên đưa Thuyết và Huân về trước cửa nhà của Chu Văn Thi (anh trai Huân) trói tay lại chờ Công an xã Tân Mỹ đến giải quyết.

Trong lúc chờ Công an xã đến giải quyết Hiệu đã dùng cây đánh Thuyết và Huân. Cùng với câu nói “Măng chúng mày trộm thì chúng mày ăn đi”, Hiệu bắt Thuyết và Huân ăn măng sống. Khi ăn được một khúc măng dài khoảng 5cm Thuyết nhè ra, nôn mửa và không ăn được nữa nên Hiệu cũng không bắt Thuyết ăn nữa.

Khi Công an xã Tân Mỹ đến và đề nghị bàn giao đối tượng cùng tang vật đưa về trụ sở làm rõ thì Thuyết tỏ ra yếu ớt, đứng dậy lại bị ngã và kêu đau.

Tại trụ sở Công an xã, khi chuẩn bị làm việc Thuyết có nhiều biểu hiện không bình thường như nằm lăn lộn trên nền nhà, chảy nhiều nước dãi, sùi bọt mép, chân, tay tái đi, phản ứng chậm với các câu hỏi của cơ quan công an và tử vong ngay sau đó. Qua giám định, xác định nguyên nhân chết của Thuyết do suy hô hấp, suy tuần hoàn do ngộ độc Cyanua - hoạt chất có nguồn gốc từ măng tươi.

Thông tin Thuyết chết vì ăn măng tươi cứ vậy rơi vào tai Hiệu chẳng khác nào sét đánh giữa trời quang. Hiệu không nghĩ cuộc đời lại trớ trêu với anh ta đến như vậy. Dường như những thứ tốt đẹp trong cuộc sống cứ quay lưng từ chối Hiệu hết lần này đến lần khác ngay cả khi anh ta từng ngày gom góp những điều tử tế cũng chẳng thể vì ý tốt mà thành. Vậy là cuối cùng, những gì bi thương nhất đều vì sai lầm này mà rớt trên Hiệu và người thân.

Triệu Văn Hiệu bị TAND huyện Văn Lãng đưa ra xét xử về tội “Vô ý làm chết người”. Tại tòa, Hiệu thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi của mình, đồng thời thiết tha gửi lời xin lỗi chân thành đến gia đình bị hại, cầu mong họ rộng lượng thứ tha. “Bị cáo biết mình sai rồi, cũng vì quá bức xúc nên không làm chủ được bản thân. Bị cáo không nghĩ, cũng không biết việc ăn măng tre còn sống dẫn đến hậu quả chết người. Xin HĐXX xem xét cho bị cáo một mức án nhẹ để sớm trở về…” , Triệu Văn Hiệu nói.

Trong phần luận tội của mình, vị Đại diện VKS nhận định hành vi vô ý làm chết người của Triệu Văn Hiệu có tính chất nghiêm trọng xâm phạm tính mạng, của người khác, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, bị cáo có trình độ học vấn 3/12, có phần hạn chế nhận thức và bức xúc do hành vi vi phạm (hành vi trộm cắp măng) của bị hại dẫn đến bị cáo bức xúc ép buộc bị hại ăn măng sống dẫn đến tử vong.

Sau khi vụ việc xảy ra, bị cáo đã vận động gia đình bồi thường số tiền 122 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Trong vụ án này bị hại cũng có một phần lỗi vì đã thực hiện trộm cắp măng tre của gia đình bị cáo.

18 tháng tù không phải là thời gian dài nhưng bởi Triệu Văn Hiệu từng một lần nếm trải cảnh tù tội nên không tránh khỏi sự bối rối, băn khoăn là điều dễ hiểu.

Căn bản Hiệu không muốn những đứa con của mình lớn lên phải mặc cảm tự ti vì có có một người bố vào tù ra trại, Hiệu không muốn người vợ của mình phải vất vả hơn chỉ vì có một người chồng “vô tích sự” và Hiệu càng không muốn bản thân mình trở thành người đàn ông “thừa thải” trong gia đình.

Triệu Văn Hiệu tự nói với bản thân đây là một “sự cố” nên cần cố gắng hơn nữa, cho dù bản mệnh mỗi người sinh ra có định sẵn tương lai tốt- xấu ra sao thì vì gia đình, vì những người thân của mình Hiệu sẽ cố gắng cải mệnh, sẽ đổi thay và sẽ một lòng hướng thiện.

(Tên bị hại và người liên quan đã được thay đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả giận mất khôn