Trong suốt hai cuộc kháng chiến, với vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, biên giới luôn là “điểm ngắm” của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động các phần tử xấu tham gia vào hoạt động thổ phỉ, gây bạo loạn để chống phá cách mạng. Song chúng đã thất bại thảm hại trước tinh thần cảnh giác, đoàn kết và ý chí quật cường của quân và dân ta.
Trải qua bao cơn biến động, tình người của các dân tộc đã dệt trên đất biên cương hôm nay bạt ngàn màu xanh no ấm và bình yên.
Cam go “tiễu phỉ, trừ gian”
Kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với cả nước, nhân dân biên giới theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ ra sức bảo vệ quê hương, bảo vệ thành quả cách mạng. Đặc biệt, thắng lợi của cuộc vận động cải cách dân chủ và hợp tác hóa ở miền núi năm 1958 đã tạo nên một chuyển biến lớn trong đời sống chính trị - xã hội của đồng bào. Đó là cuộc đấu tranh giai cấp sâu sắc nhằm làm thay đổi bộ mặt của miền núi, mở đường đưa miền núi từng bước tiến lên, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh trật tự.
Tuy nhiên, bọn phản động phong kiến, thổ ty, lang đạo cát cứ dưới sự hậu thuẫn của Pháp đã lợi dụng sự kì thị, thành kiến dân tộc để lừa phỉnh, kích động quần chúng nhân dân gây bạo loạn, bỏ bản làng vào rừng hoạt động thổ phỉ, chống phá cách mạng. Chúng lựa chọn các khu vực biên giới trọng điểm như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Ninh, Sơn La... để tiến hành thực hiện các âm mưu xưng vua, nổi phỉ.
Đồng thời, chúng điên cuồng tìm cách câu móc với các cụm phỉ và bọn đế quốc phản động để chống phá, vô hiệu hóa chính quyền cấp xã và manh động tấn công đánh chiếm các huyện lỵ, uy hiếp chính quyền cơ sở khiến quần chúng nhân dân vô cùng hoang mang lo sợ, gây mất an ninh chính trị trên một địa bàn rộng.
Có thể nói, trong giai đoạn này, cuộc đấu tranh chống phỉ và bạo loạn phản cách mạng, chống lại âm mưu lợi dụng tôn giáo, dân tộc là vấn đề hết sức phức tạp, dai dẳng và quyết liệt. Ngay lập tức các Tổ công tác được thành lập và tỏa xuống các địa bàn trọng điểm, bám bản, bám dân, nắm bắt tư tưởng của bà con để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Vào những năm 59, 60 của thế kỷ trước, tình hình khu vực biên giới Hà Giang trở nên rất phức tạp. Bọn phản cách mạng đã tập hợp cấu kết với nhau gây ra bạo loạn ở hai huyện biên giới Đồng Văn và Hoàng Su Phì. Sau một thời gian ẩn mình, giấu mặt, các toán phỉ đã công khai nổ súng chống lại cách mạng, nổi dậy chiếm giữ Cổng Trời, bắn chết nhiều cán bộ của ta. Bọn chúng cưỡng ép nhân dân vào các trại tập trung, bắt bà con cắt máu ăn thề sẽ theo chúng gây bạo loạn.
Không lời nào có thể nói hết được những khó khăn, gian khổ và hiểm nguy của những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang Hà Giang ngày ấy. Các anh đã phải đu mình trên những vách đá tai mèo dựng đứng, vượt mưa tuyết, bẫy đá và hỏa lực của địch để từng bước lần sâu vào trận địa, lần lượt đánh tan ba cụm phỉ lớn của địch.
Sau khi những tên cầm đầu bị bắt và tiêu diệt, các đường dây phản động bị phá rã. Những tên cầm đầu bị đưa ra xét xử trước quần chúng nhân dân. Tình hình các huyện Đồng Văn, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và vùng Bát Đại Sơn dần ổn định.
Cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ thị trấn Đồng Văn suốt 12 ngày đêm của Tiểu đội Công an nhân dân vũ trang do Thượng sĩ Mai Xuân Hùng chỉ huy; trận tập kích giải phóng Cổng trời của các chiến sĩ Đại đội 2 - Trung đoàn 246 hay đêm giao thừa trên trận địa Má Sồ của các chiến sĩ Tiểu đoàn 12 - Đại đội 10 tỉnh đội Hà Giang... sẽ mãi là bản hùng ca trên cao nguyên đá.
Sức mạnh của lòng nhân ái
Theo tài liệu lịch sử, từ năm 1955 đến năm 1961, Mỹ - Ngụy đã tung gần 200 tên tay sai từ các căn cứ của chúng trên đất Lào vào biên giới nước ta. Đồng thời lôi kéo trên 1.000 thanh niên các dân tộc di cư sang Lào để huấn luyện, đào tạo thành đội quân tay sai cho chúng.
Cũng trong giai đoạn này, cuộc nội chiến ở Lào diễn ra ngày một ác liệt, cán bộ và nhân dân Lào yêu nước bị bọn phản động phái hữu sát hại và truy đuổi phải tạm lánh qua nước ta để tránh sự khủng bố của địch. Bọn phản động lưu vong Thái – Mông rắp tâm phối hợp với bọn phái hữu Lào âm mưu chiếm đóng toàn bộ Tây Bắc và miền Tây Nghệ An.
Tình thế ấy buộc chúng ta không thể nhân nhượng. Cùng với các lực lượng vũ trang chủ lực và quân dân dân Lào, Công an vũ trang các tỉnh giáp Lào đã đánh bại những cuộc càn quét của địch, mở rộng vùng giải phóng kéo dài từ Thượng Lào tới Trung Lào.
Đối với bọn tàn phỉ, nhiều chuyên án được triển khai theo phương thức mới là chủ động “đánh địch trong lòng địch”, tập kích vào các ổ phỉ, biệt kích và các trung tâm gián điệp trên đất Lào như căn cứ Pa Thơm, Nà Lầm, Cà Đưa, Kha Mun, Nậm Cắn, Sầm Nưa, Na Ngoi, Nậm Vẹo, Thà Khẹt... Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã cơ bản trấn áp được các cụm phỉ trên đất Lào, đồng thời đón bắt nhiều tên gián điệp từ Lào mò về hòng cài cắm trên biên giới.
Còn ở Tây Nguyên, ngay sau giải phóng (30/4/1975), đồng bào các dân tộc ở đây đã ra sức xây dựng, tái thiết lại quê hương. Nhưng niềm vui chưa bén rễ, thì bọn tàn quân Ngụy đã câu kết với các thế lực thù địch bên ngoài nổi lên chống phá cách mạng, phá hoại cuộc sống yên bình. Các buôn làng bị đánh phá, người già, trẻ em bị giết hại, thanh niên bị bắt vào rừng rồi đưa sang Campuchia để huấn luyện trở thành lực lượng chống phá lâu dài. Rồi những luận điệu xuyên tạc trắng trợn để chia rẽ người Kinh với người Thượng được tung ra khiến các buôn làng chìm trong hoang mang, sợ hãi.
Đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam là lấy “nhân nghĩa để thắng hung tàn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng nói: “Trong mấy mươi triệu con người cũng có người thế này, thế khác nhưng thế này, thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy phải khoan hồng, đại độ và đối với đồng bào lầm đường, lạc lối ta phải lấy tình nhân ái mà cảm hóa họ”. Thời điểm ấy, Trung ương Đảng cũng đã ra Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh: Vấn đề chính trị phải được giải quyết một cách cơ bản và lâu dài, việc truy quét các thế lực thù địch phải gắn liền với nhiệm vụ thực hiện chính sách của Đảng đối với dân tộc, tôn giáo.
Từ chủ trương đúng đắn ấy, các lực lượng quân đội, công an cùng các ngành chức năng đã vào cuộc. Bằng sức mạnh vật chất kết hợp với sức mạnh của lòng nhân ái, những người lính đứng chân trên đất bazan đỏ nắng, đỏ gió đã đem tấm lòng, cử chỉ, việc làm của mình để đến với từng bếp lửa, từng ché rượu, để lời lành như nước suối mát lan toả, có sức kêu gọi con em Tây Nguyên trở về từ rừng sâu. Ngay cả những tên cầm đầu, có vai trò yếu nhân trong tổ chức Fulro sau khi trở về cũng phải bật thốt lên rằng: “Ở rừng khổ quá, không ở đâu bằng đất quê mình...”.
Vững bền cột mốc lòng dân
Là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tiễu trừ thổ phỉ, những người lính Công an nhân dân vũ trang hiểu rất rõ tư tưởng của vị Cha già dân tộc. Từ quan điểm nhất quán ấy, bằng sức mạnh vật chất kết hợp với sức mạnh của lòng nhân ái, những người lính đứng chân trên đất biên thùy đã đem tấm lòng, cử chỉ, việc làm của mình đến với từng bếp lửa, từng bầu rượu..., để lời lành như nước suối mát lan toả dần, có sức kêu gọi những người dân bị phỉ dụ dỗ, khống chế trở về với bản làng, với chính quyền cách mạng.
Cùng với đó, các anh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác và chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, tập trung lực lượng phá tan âm mưu gây bạo loạn ở Quang Chiểu (Thanh Hóa), ở Hồ Thầu, Giào San, Phong Thổ (Lai Châu), Ý Tý (Lào Cai), Thanh Ý (Quảng Ninh), Kỳ Sơn (Nghệ An)..., kêu gọi hàng nghìn tên phỉ ra đầu thú trở về sinh sống với gia đình. Những tên đầu sỏ ngoan cố đều bị tiêu diệt hoặc bị bắt rồi đưa ra xét xử.
Pù Nhi, một bản nhỏ của đồng bào Mông chênh vênh trên sườn núi cao miền Tây Thanh Hóa là nơi Mỹ và bọn tay sai rắp tâm kích động bà con nổi lên một cuộc bạo loạn xưng vua, khiến các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang phải mở nhiều đợt truy lùng phỉ ráo riết.
Để mang lại bình yên cho mỗi bản làng, những cán bộ vận động quần chúng đã vượt núi, băng rừng đi tìm người dân về lại bản xưa, cùng nhau gây dựng cuộc sống mới. Từ những bản làng hoang vắng bóng người, chưa đầy một năm sau, Pù Nhi “ấm bản, no mường” với những thửa ruộng cho bông lúa mẩy, có kênh thủy lợi dẫn nước, cho điện thắp sáng, có chính quyền xã và chi bộ Đảng.
Tương tự như Pù Nhi, nơi đầu nguồn sông Mã hay Mường Nhé, Mường Tè - vùng đất ngã ba biên giới cuối trời Tây Bắc, những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang cũng lập nên chiến công vang dội. Trần Văn Thọ, Nguyễn Đình Thử... cùng biết bao đồng đội đã đem sức trẻ và lòng nhiệt tình cách mạng để khơi lên ngọn lửa niềm tin trong lòng đồng bào các dân tộc Hà Nhì, Thái, Mông, Khơ Mú...
Quá khứ bắc cầu tới tương lai, suốt nhiều thập kỉ qua, bài học tiễu trừ thổ phỉ bằng thu phục nhân tâm đã và sẽ luôn còn nguyên giá trị. Tuy đứng trước một kỉ nguyên mới đầy cơ hội và thách thức, song chúng ta tin rằng, với những chiến công mà các thế hệ cha anh đã gây dựng bao năm qua và những chiến công trên biên giới hôm nay sẽ nối tiếp nhau, đan kết vào nhau, tạo thành một dòng chảy liên tục, giữ cho biên cương luôn vẹn tròn một dải, từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau.