Đời sống

Bảo vệ người lao động: Cần được thực thi toàn diện và thực chất

Xuân Thao 01/05/2023 06:30

Bảo vệ người lao động là bảo vệ quyền được làm việc, được trả công tương xứng với sức mà người lao động đã bỏ ra theo quy định. Vấn đề này đã được “luật hóa”, là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất của các Bộ Luật lao động, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những bất cập.

cong-nhan-1-.jpg
Ảnh minh họa.

Vi phạm đối với người lao động diễn ra phức tạp

Trên thực tế, những hiện tượng lạm quyền của người sử dụng lao động mà hệ lụy là dẫn tới những thiệt thòi cho người lao động vẫn xảy ra. Thực trạng này có nguyên nhân, ở một góc độ nào đó trong tâm lý, người sử dụng lao động luôn cho mình cái quyền kiểu “ban phát” cho người lao động. Và ở chiều ngược lại, người lao động luôn cho mình ở vị trị yếu thế hơn, có sự phụ thuộc và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động….

Thời gian gần đây cùng với những khó khăn chung của xã hội, lạm phát làm giá cả leo thang, nhất là trong bối cảnh hậu dịch COVID-19, giá xăng dầu tăng đã kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu tăng cao. Điều này đã làm cho cuộc sống người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công nhân, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp vốn đã rất khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình khó khăn chung của toàn xã hội đã thực hiện các hành vi sai trái cả về pháp luật lẫn đạo lý đối với người lao động. Nhiều hành vi trái pháp luật chưa được cơ quan chức năng quan tâm xử lý, nhất là tổ chức công đoàn các cấp chưa giành sự quan tâm thỏa đáng, xuyên suốt nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.

Cá biệt, tình trạng các doanh nghiệp tự ý cắt, giảm các chế độ, chính sách liên quan đối với người lao động một cách trái quy định hoặc bất hợp lý như buộc lao động nữ cam kết không mang thai khi làm việc cho doanh nghiệp hoặc buộc phải tăng ca, làm thêm giờ trái quy định... nếu không sẽ bị giảm lương, giảm thưởng. Thậm chí, một số doanh nghiệp viện những cớ không hợp lý hoặc lợi dụng tình hình khó khăn chung của xã hội mà sa thải người lao động một cách tùy tiện, trái pháp luật nhưng không đảm bảo đầy đủ quyền, lợi chính đáng, hợp pháp cho họ. Điều này không những ảnh hưởng tiêu cực, rất nghiêm trọng đối với cuộc sống, quyền lợi của người lao động mà gây ra hệ lụy tiêu cực rất lớn cho xã hội.

Những tồn tại và bất cập đó đã được trù liệu và từng bước được điều chỉnh trong pháp luật về lao động. Từ đó, tạo ra và điều chỉnh quan hệ lao động sao cho được bình đẳng hơn, mà theo đó, có những quy định để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, cũng góp phần hạn chế sự lạm quyền của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về lao động, nhưng các cơ quan chức năng hoặc tổ chức công đoàn chưa có biện pháp thiết thực, hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích, chính đáng cho người lao động. Thông thường hiện nay nhiều trường hợp người lao động bị các doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi, thì họ phải tự đứng ra bảo vệ mình hoặc phải cam chịu thiệt thòi, ấm ức.

Bảo vệ người lao động bằng luật pháp

Bảo vệ người lao động được pháp luật quy định vừa mang tính nguyên tắc chung, vừa thể hiện cụ thể trên một số lĩnh vực. Nó bao hàm không chỉ trong việc bảo vệ sức lao động, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, mà còn thể hiện trên nhiều phương diện như việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, tính mạng, danh dự, nhân phẩm...

Trước hết và trên hết là quy định về giải quyết và bảo vệ việc làm cho họ. Thất nghiệp, ít việc dẫn đến không có thu nhập hoặc thu nhập thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến chính người lao động, gia đình họ và là cội nguồn của nhiều tệ nạn xã hội. Chính vì vậy mà pháp luật bảo về quyền việc làm cho họ:“ Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử” (Điều 5 BLLĐ) và“ Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm ”(Điều 9 BLLĐ).

cong-nhan1-1068x712.jpg
Ảnh minh họa.

Bảo vệ việc làm cho người lao động còn được pháp luật quy định khi tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp chỉ được thực hiện khi phù hợp với các quy định của pháp luật lao động.

Tiếp đến, vấn đề có ý nghĩa tối quan trọng đối với người lao động là tiền lương. Trên thực tế vì nhiều lí do mà tiền lương của người lao động thường bấp bênh, không tương xứng với công sức mà họ bỏ ra để làm việc. Pháp luật lao động đã có những quy định, qua đó bảo vệ tiền lương của người lao động “Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau” (Điều 90 BLLĐ).

Pháp luật lao động cũng có quy định trường hợp không thể trả lương đúng thời hạn…(Điều 96 BLLĐ). Cùng với đó, để bảo vệ người lao động, pháp luật cũng quy định mức bồi thường, trả lương, trả trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong những trường hợp làm việc do rủi do khách quan hoặc do lỗi của người sử dụng lao động như bị ngừng việc, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải điều trị hoặc bị chấm dứt hợp đồng hay sa thải trái pháp luật…người lao động đều được người sử dụng lao động trả lương.

Pháp luật về lao động cũng quy định các biện pháp bảo vệ người lao động trong lĩnh vực việc làm, tiền lương. Cụ thể là: Thông qua cơ chế đại diện (tham gia vào tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn- những tổ chức có quyền được tham gia vào việc thương lượng ký thỏa ước lao động tập thể); thông qua cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về việc làm, tiền lương; thông qua cơ chế bồi thường thiệt hại;thông qua cơ chế xử phạt…

Pháp luật về lao động cũng quy định về việc bảo vệ tính mạng, các quyền nhân thân gắn với lĩnh vực lao động của người lao động.

Theo đó, vấn đề bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động trong quá trình lao động được đặc biệt chú trọng. Pháp luật lao động cũng quy định cụ thể trách nhiệm cho từng cấp, ngành, nhằm mục đích là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động. Các đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ chế độ khám sức khỏe, trợ cấp độc hại cho người lao động. Việc sử dụng lao động phải đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, không vượt quá mức luật quy định. Người sử dụng lao động phải rút ngắn thời gian làm việc cho các lao động là người tàn tật, vị thành niên, phụ nữ mang thai hoặc làm những công việc nặng nhọc, độc hại.

Bên cạnh đó, người lao động còn được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và nghiêm cấm người sử dụng lao động xúc phạm họ. Việc phân biệt đối xử, trù dập thậm chí là trả thù người lao động vì bất cứ lý do nào đều vi phạm pháp luật. Pháp luật lao động cũng quy định những biện pháp bảo vệ quyền nhân thân của người lao động gồm: Biện pháp pháp lý, biện pháp xã hội và biện pháp kinh tế.

Pháp luật lao động hiện hành về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Cụ thể, khi ký kết hợp đồng lao động hoặc trong quá trình phỏng vấn người lao động phải cung cấp các thông tin về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, quá trình lao động và cả quá trình học tập nộp kèm theo. Ngoài ra tùy theo yêu cầu của người sử dụng lao động thì người lao động còn phải nộp kèm theo các văn bằng chứng chỉ. Do đó việc bảo vệ bí mật cá nhân và bí mật gia đình là điều quan trọng. Điều 17 BLLĐ2019 quy định cụ thể về hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.

Như vậy, hành lang pháp lý đã đầy đủ và điều người lao động quan tâm là việc thực thi có hiệu quả trong thực tế.                            

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ người lao động: Cần được thực thi toàn diện và thực chất