Ga Hà Nội (Ga Hàng Cỏ trước kia) là chứng nhân cho những trang sử của dân tộc. Suốt chiều dài xây dựng và phát triển đất nước, ga Hà Nội đã chứng kiến biết bao chuyến tàu rời ga đưa những người lính theo tiếng gọi của miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những nỗi niềm, những giọt nước mắt và cả hy vọng mong chờ gửi theo đoàn tàu của người đi xa lẫn kẻ ở lại. Sân ga ấy cũng là nơi gieo mầm cho sự thay đổi tốt đẹp và lớn mạnh hơn của cả đất nước.
Ga Hà Nội (Ga Hàng Cỏ trước kia) là chứng nhân cho những trang sử của dân tộc. Suốt chiều dài xây dựng và phát triển đất nước, ga Hà Nội đã chứng kiến biết bao chuyến tàu rời ga đưa những người lính theo tiếng gọi của miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những nỗi niềm, những giọt nước mắt và cả hy vọng mong chờ gửi theo đoàn tàu của người đi xa lẫn kẻ ở lại. Sân ga ấy cũng là nơi gieo mầm cho sự thay đổi tốt đẹp và lớn mạnh hơn của cả đất nước.
Ga Hà Nội tên cũ là Ga Hàng Cỏ, là một nhà ga xe lửa lớn của Việt Nam nằm trên các quận Hoàn Kiếm và Đống Đa, Hà Nội.
Từ đây, hành khách có thể làm thủ tục mua vé tàu hỏa đi các tuyến trong nước. Phía đường Lê Duẩn là khu A chuyên phục vụ các chuyến tàu Thống Nhất đi các tỉnh thành phía Nam. Phía đường Trần Quý Cáp là khu B chuyên phục vụ các chuyến tàu đi các tỉnh thành phía Bắc. Ga Hà Nội tọa lạc tại số 120, phố Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhìn ra cuối phố Trần Hưng Đạo.
Ga Hàng Cỏ ban đầu nằm trong diện tích 216.000 m2 tức hơn 21 ha, trong đó diện tích xây dựng là 105.000 m² nhà cửa, còn lại là sân ga, đường sắt. Ga Hà Nội ngày nay đã có những thay đổi cả về diện tích và các nhánh và hiện là ga đường sắt lớn nhất tại Việt Nam.
Hàng Cỏ là tên một ngõ nhỏ nằm trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Xưa kia, nơi này là chợ cỏ. Cỏ từ các nơi được gánh gồng về chất thành đụn.
Có lẽ từ ấy, cái tên ga Hàng Cỏ ra đời. Hàng Cỏ, cách gọi vừa chân phương dân dã, vừa mộc mạc thân thương như một cách định danh hồn cốt dân tộc, mà không phải một tên gọi tiếng Pháp nào cả.
Năm 1902, ga Hàng Cỏ được khánh thành và đưa vào khai thác cùng với cầu Long Biên, là nhà ga xuất phát của đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn thuở ban đầu, rồi đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (1903), đường sắt Hà Nội - Lào Cai (1905) và đến năm 1936 là đường sắt xuyên Việt (nay là đường sắt Bắc Nam).
Năm 1925-1926, đây là nơi đưa đón các thanh niên yêu nước đi dự các lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở tại Quảng Châu - Trung Quốc.
Từ cuối năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội đã có cơ sở trong nhiều xí nghiệp, nhà máy trong đó có Ga Hàng Cỏ.
Năm 1929, vào dịp kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 – 7/11/1929), cơ quan giao thông của Đảng bộ bí mật chuyển hàng ngàn tờ báo, hàng vạn truyền đơn từ Hà Nội đi các tỉnh, thành trên miền Bắc. Cờ đỏ Búa liềm được treo ở nhiều nơi thuộc nội ngoại thành trong đó có Ga Hàng Cỏ.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5/1930, cờ đỏ Búa liềm được treo ở cổng tòa Đốc lý, Ga Hàng Cỏ, vườn Bách Thảo…
Tháng 6/1940, Chi bộ hoả xa Hà Nội được thành lập, đã vận động tuyên truyền cách mạng trên nhiều tuyến đường sắt, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Từ cuối năm 1945 đầu năm 1946, thực hiện việc chi viện cho quân dân Nam bộ kháng chiến, Ga Hàng Cỏ được chọn là nơi làm lễ xuất quân, tiễn các đơn vị bộ đội “Nam tiến” vào tham gia chiến đấu ở nhiều mặt trận khác nhau.
Tiếp đó, từ Ga Hàng Cỏ, ngày đêm các đoàn tàu hối hả đón đưa các đơn vị “Nam tiến”, mang trên mình những lá cờ đỏ sao vàng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những biểu ngữ, khẩu hiệu “Ủng hộ Nam bộ kháng chiến”, “Việt Nam độc lập”, “Đả đảo thực dân Pháp”, “Nam bộ là đất của Việt Nam”…
Theo “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, ngày 21/10/1946, vào hồi 15h15’, Ga Hàng Cỏ diễn ra một sự kiện lớn, đó là lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về sau mấy tháng đi thương lượng về nền độc lập của Việt Nam. Lễ đón được tổ chức rất lớn, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vị trong phái đoàn Việt Nam, còn có các vị như Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp… xuống tận Hải Phòng đón và cùng về Hà Nội với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong sân ga, gần như toàn bộ Chính phủ và đại biểu các ngành, các giới, tướng Pháp Morliere và quân đội danh dự của Pháp có mặt. Ngoài sân ga và dọc đường từ ga về Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ số 2 Lê Thạch) là hàng trăm ngàn người nóng lòng được gặp lại vị Chủ tịch thân yêu của mình. Sau này, ngày 21/10 hằng năm đã trở thành Ngày hội truyền thống của ngành Đường sắt Việt Nam và cũng là ngày truyền thống của Ga Hà Nội.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Nhân dân: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” - mở đầu giai đoạn Toàn quốc kháng chiến. Ngày 20/12/1946, chỉ một đêm sau khi tiếng súng Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, tại nhà Ga này đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa tự vệ khu Ga và giặc Pháp. Sáng hôm đó, một cánh quân địch từ trong thành kéo ra, qua cửa Nam, định tiến đánh Ga Hàng Cỏ, nhưng chúng đã bị những toa xe lửa được lật đổ làm chướng ngại vật cản đường.
Đội tự vệ Ga và tự vệ phố Hàng Lọng xuất kích, đánh tạt sườn địch, tiêu diệt 15 tên giặc Pháp, phá hủy 01 xe tăng, hai ô tô vận tải.
Đêm 28/12/1946, bộ đội Tiểu đoàn 523 và tự vệ Ga đã tập kích khu vực nhà Ga, đánh phá nhà dầu “Sen” (Sell) ở Khâm Thiên lần thứ 3 trong vòng một tuần lễ. Đạn pháo 75 ly của ta đã bắn trúng các vị trí địch, làm hỏng một số xe quân sự của chúng.
Đồng chí Vũ Giáp và đồng chí Quang tự vệ ga đã dũng cảm tiếp cận diệt 01 xe địch rồi dùng khẩu đại liên trên xe khống chế quân Pháp, tạo điều kiện cho đồng đội xung phong vào nhà Ga. Ta làm chủ tình hình Ga Hàng Cỏ suốt đêm, thu nhiều súng đạn của chúng rồi rút ra an toàn.
Đêm 15/01/1947, Tiểu đoàn 523, 56 và Tiểu đoàn 212 thuộc Trung đoàn Thủ Đô được lệnh cùng tự vệ Hà Nội, trong đó có tự vệ Hỏa - xa mở cuộc tập kích mạnh vào khu vực Ô Chợ Dừa, Ga Hàng Cỏ, diệt nhiều sinh lực địch.
Trong 60 ngày đêm bám trụ đánh địch giữa lòng Hà Nội, tự vệ Hỏa - xa khu Ga Hàng Cỏ thời kỳ ấy đã góp phần đáng kể vào chiến công chung của quân và dân Thủ đô.
Nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra ở Ga Hàng Cỏ và các xí nghiệp: Nhà máy Điện, Nhà máy Nước, Nhà máy Rượu, Kho Dù, Sở Bình Lương, Sở Lục lộ... và đã giành được thắng lợi, buộc địch phải giải quyết những yêu sách của công nhân viên chức về tiền lương tối thiểu, tăng lương theo giá sinh hoạt, tăng phụ cấp gia đình, chống dãn thợ, đuổi thợ. Công nhân Ga Hàng Cỏ đã tổ chức nhiều đợt đấu tranh không vận chuyển vũ khí đạn dược, quân lính của Pháp đi đàn áp Nhân dân ta ở các nơi.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) và thắng lợi tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (7/1954), Hà Nội bước sang cuộc chiến đấu mới: chống địch phá hoại, di chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu…
Cuộc đấu tranh nổ ra từ Nhà máy Điện mở rộng sang Nhà máy Nước, Bưu điện rồi Ga Hàng Cỏ, Ga Gia Lâm, Sở Lục lộ, Công ty Vệ sinh...
Công nhân đã đấu tranh với nhiều hình thức hết sức phong phú, từ bãi công không thi hành lệnh chủ , làm đơn ký kiến nghị phản đối, kéo lên chất vấn, yêu sách… đến hình thức đấu tranh toàn diện, nghỉ việc tại chỗ, vừa dùng lý lẽ đấu tranh với địch, vừa giữ không cho địch tháo máy móc, thiết bị…
Công nhân Ga Hàng Cỏ cùng với công nhân Hỏa - xa Hà Nội đã kiên quyết đấu tranh không lập tàu, tháo và cất giấu những bộ phận quan trọng của đầu máy, làm thất bại âm mưu di chuyển máy móc thiết bị vào Nam của địch, nên đã giữ lại được tất cả 12 đầu máy và toàn bộ các toa xe.
Sáng 09/10/1954, một số đơn vị bộ đội của ta từ đường Đê La Thành chia làm hai mũi tiến vào tiếp quản các khu vực: Quần Ngựa, Ga Hàng Cỏ, Bạch Mai, Đồn Thủy… Đúng 16 giờ ngày 09/10/1954, những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên sang phía Gia Lâm, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Trong ngày 10/10/1954, quân ta tiếp quản toàn bộ khu vực Ga Hàng Cỏ. Ga được tiếp quản nguyên vẹn, lập tức tổ chức đoàn đón đoàn tàu chở cán bộ, bộ đội từ Văn Điển vào Ga một cách an toàn. 15 giờ cùng ngày, lễ chào cờ mừng chiến thắng do Uỷ ban Quân chính tổ chức đã kết thúc 1 chặng đường lịch sử đầy hy sinh gian khổ nhưng rất vẻ vang oanh liệt của quân và dân Hà Nội, trong đó ga Hàng Cỏ tự hào đóng góp một phần xứng đáng vào chiến công thắng lợi chung của Thủ đô.
Chiều 10/10/1954, từ ga Hàng Cỏ, tàu hỏa của ta đã chạy sang Gia Lâm sau 2 giờ quân Pháp rút khỏi vùng này.
Sau Cách mạng tháng Tám, Ga Hàng Cỏ có lẽ là một trong những nơi nhộn nhịp bậc nhất Hà Nội một thời. Đó là thời kỳ Nam Bộ kháng chiến, nhà ga và cả khu vực này trở thành nơi tập hợp rất đông những đoàn quân Nam tiến cùng gia đình, bạn bè tiễn đưa.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Ga Hàng Cỏ mang đầy vết đạn bom, từ Ga Hàng Cỏ xuống tới Ga Văn Điển, nhiều đoạn đường ray bị bóc, sau đó được phục hồi dần từ tháng 3/1947.
Hiệp định Genève về việc đình chiến ở Việt Nam được ký kết ngày 21/07/1954. Những điều khoản chính của Hiệp định này quy định việc phân chia Việt Nam thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến, quân đội Pháp và quân đội kháng chiến rút về vùng lãnh thổ đã được phân định. Và theo điều 14d, việc di cư dân sự được diễn ra dưới sự cho phép và giúp đỡ của nhà chức trách. Suốt thời hạn 300 ngày của Hiệp định, Ga Hàng Cỏ là nơi tập trung nhiều sự kiện nhất liên quan đến Hiệp định Genève.
Sau khi chúng ta tiếp quản, Ga Hà Nội lại chứng kiến một cuộc đấu tranh không kém phần căng thẳng, đó là làn sóng di cư vào Nam. Theo quy định của Hiệp định Genève, nếu người dân miền Bắc nào có nguyện vọng di cư vào Nam thì Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không ngăn cản. Phía chính quyền Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm đã ra sức vận động người dân miền Bắc di cư vào Nam.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, Ga Hàng Cỏ trở thành mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ cùng với các cơ sở lân cận như Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên… Nhiều đoạn đường sắt bị cắt, bản thân Ga Hàng Cỏ ngày 21/12/1972 đã bị một quả bom lớn ném trúng, ngôi nhà đại sảnh, nơi treo chiếc đồng hồ lớn của nhà ga bị đánh sập hoàn toàn. Chỉ ít giờ sau khi máy bay địch đánh phá, hoạt động của ga đã trở lại bình thường.
Từ đây, tàu hỏa và các xe tải đều phải chạy vào ban đêm. Sảnh được xây lại sau đó theo kiểu mới khác với tổng thể kiểu cũ được xây trước kia. Một năm sau, để giảm tải vận chuyển, tàu hàng sẽ dừng ở ga Giáp Bát và bốc dỡ hàng tại đây.
Bằng quyết tâm bám trụ vị trí làm việc, bất chấp nguy hiểm, hy sinh, trong suốt những năm kháng chiến, Ga Hàng Cỏ đã tổ chức đón, tiễn và lập hàng nghìn đoàn tàu chở hơn 20 triệu lượt hành khách, xếp dỡ hơn 10 triệu tấn hàng hóa, trong đó chủ yếu là bộ đội và vũ khí, khí tài quân sự cho tiền tuyến, góp phần vào chiến công chung của quân dân Thủ đô Hà Nội và quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Sau ngày thống nhất năm 1975, Ga Hàng Cỏ được đổi tên thành Ga Hà Nội và xây dựng lại nhà đại sảnh theo kiến trúc mới. Cùng với việc xây dựng Ga Giáp Bát để vận chuyển hàng hóa, Ga Hà Nội trở thành ga vận chuyển hành khách lớn nhất cả nước.
Vào ngày 31/12/1976, sau nhiều năm mong đợi, chuyến xe lửa đầu tiên nối liền Hà Nội - TP.HCM đã chuyển bánh. Cùng lúc, một đoàn xe lửa từ sân Ga Sài Gòn chuyển bánh chạy ra Hà Nội. Ba ngày sau đó, sân Ga Hà Nội lại tưng bừng đón đoàn xe lửa chở bà con cô bác từ TP.HCM và miền Nam, miền Trung ra Thủ đô viếng Bác Hồ. Đường sắt thống nhất là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết và ý chí thống nhất của dân tộc.
Con đường chạy qua ga Hàng Cỏ trước đây là đường Nam Bộ, đến năm 1987, Nhà nước quyết định đổi tên thành đường Lê Duẩn. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng là một nhân viên đường sắt làm việc tại Ga Hàng Cỏ vào những năm 1927-1928. Đó cũng là lúc ông đang giữ cương vị cán bộ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ.
Năm 1989, nhà ga được đầu tư, cải tạo, nâng cấp để phục vụ hành khách.
Vắt mình qua nhiều thập kỷ, Ga Hàng Cỏ lặng lẽ tiễn kẻ đi xa, đón người trở về, tấp nập, nhộn nhịp bao chuyến hàng. Từ khi tiếng còi tàu đầu tiên rền vang vào năm 1902, cuộc sống người dân Thủ đô đã thay đổi rất nhiều.
Hiện nay, Ga Hà Nội được đầu tư đồng bộ, với hệ thống phòng đợi tàu, phòng đợi khách liên vận quốc tế khang trang cùng các trang thiết bị mới như bảng chỉ dẫn điện tử, hệ thống Internet không dây phục vụ hành khách đi tàu hay hệ thống quản lý đặt chỗ bán vé tự động...
Người đến tham quan Ga Hà Nội không chỉ là để ngắm kiến trúc Pháp cổ kính, mà còn là để đắm mình trong một không gian đầy hoài niệm. Tiếng xình xịch khi tàu vào ga, tiếng rao lảnh lót của những người bán hàng rong đều đẹp đến kỳ lạ. Ngoài ra, đây còn là background check – in kha thu hút dành cho giới trẻ trong thời gian gần đây.
Nội dung: Tuấn Dũng - Tuyết Nhung.
Hình ảnh: Tuấn Dũng, TCT ĐSVN.
Đồ họa: Tuấn Dũng.