Những quy định về tiền lương, phụ cấp của nhà giáo nêu trong Dự thảo Luật Nhà giáo được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan soạn thảo cần xác định rõ nguồn lực thực hiện chính sách này.
Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Chính phủ hoàn thiện và dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Đây là dự án Luật được đông đảo cử tri quan tâm, đặc biệt là các nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.
Tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Nhà giáo vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động, tính khả thi của các chính sách mới trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Vấn đề được quan tâm nhất trong dự thảo là chính sách tiền lương, phụ cấp của giáo viên.
Theo Điều 44, tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm quỹ tiền lương như sau:
Lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó còn có nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác...
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với việc xây dựng quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo để cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29.
Song, ông Cường nhìn nhận, việc cải cách tiền lương cho nhà giáo là rất khó khăn, phức tạp, cần nghiên cứu, rà soát để linh hoạt hơn khi triển khai.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam cho rằng, đối với các quy định về chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo, cơ quan soạn thảo cần phải xác định rõ nguồn lực.
Do đó, đại biểu cho rằng, cần phải đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động và tính khả thi của chính sách này. Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu và có ý kiến đối với nội dung này xem có đảm bảo để thực hiện trong thực tiễn hay không.
“Dự thảo Luật đang quy định lương của nhà giáo đang được xếp cao nhất trong trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, sắp xếp lại nguồn lương cho nhà giáo sẽ tác động đến nguồn lực tài chính”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam nhấn mạnh.
Do đó, đại biểu cho rằng, cần phải đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động và tính khả thi của chính sách này. Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu và có ý kiến đối với nội dung này xem có đảm bảo để thực hiện trong thực tiễn hay không.
Ngoài ra, liên quan đến quy định về Điều khoản chuyển tiếp: “Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới”,,, Cơ quan soạn thảo cũng cần xem xét để đảm bảo thống nhất với quy định về cải cách tiền lương thời gian qua.
Nêu ý kiến về nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba bày tỏ ủng hộ việc xếp lương nhà giáo ưu tiên ở mức cao nhất, tuy nhiên cần phải đánh giá kỹ nguồn lực thực hiện.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 27-NQ/TW đã yêu cầu bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề, nhưng dự thảo Luật vẫn quy định chính sách phụ cấp, hỗ trợ. “Không biết quy định như vậy có đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW hay không, Cơ quan soạn thảo cần phải tiếp tục rà soát”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba nói.
Bên cạnh đó, đối với quy định miễn giảm học phí cho con của nhà giáo đang trong thời gian công tác tại Điều 45, các đại biểu cho rằng, mặc dù đây là chính sách mới, có ý nghĩa động viên nhà giáo, nhưng cũng cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm khả thi khi Luật có hiệu lực.
TS. Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ, Luật Nhà giáo được ngành Giáo dục và đội ngũ nhà giáo mong đợi từ rất lâu. Bà cho rằng, dự án Luật Nhà giáo khi ra đời nếu đảm bảo được chất lượng tốt, tính khả thi sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục nước ta lên tầm cao mới.
Bà mong muốn pháp luật về nhà giáo khi được xây dựng thành một đạo luật riêng sẽ mang tính nhân văn cao hơn, với những chính sách, chế độ xứng đáng để các nhà giáo yên tâm cống hiến, sống với nghề và gắn bó với sự nghiệp trồng người; tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy được tối đa sở trường, năng lực của mình trong giai đoạn tới.