Vụ án buôn lậu "siêu xe": Cựu sỹ quan phòng xuất nhập cảnh kêu oan

An Dương| 23/01/2018 06:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 13/12/2017, ông Cao Xuân Lợi, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT (PC46) đã ký bản Kết luận điều tra (KLĐT) vụ án Nguyễn Quang Vinh và đồng phạm tội “Buôn lậu”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai, lọt người, lọt tội.

Điều tra và kiểm sát “bất đồng quan điểm”

Theo bản KLĐT, ngày 9/6/2009, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 118/2009/TTBTC, quy định Việt kiều định cư nước ngoài khi hồi hương “được phép nhập một xe ô tô cá nhân đang sử dụng”. Lợi dụng thông tư trên, các chủ salon ô tô tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội gồm Nguyễn Thái Sơn, Helena Phạm, Trần Quốc Hiền, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Hoàng Triệu, Hoàng Minh Trung, Jeny đã móc nối với 4 bị can Nguyễn Quang Vinh, Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên và Nguyễn Giang Lam (nguyên sỹ quan Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an TP. Hồ Chí Minh) để “thỏa thuận mua tiêu chuẩn nhập khẩu xe ô tô theo diện Việt kiều hồi hương”.

Từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2012, Nguyễn Quang Vinh và đồng phạm làm thủ tục nhập khẩu xe ô tô cho 64 Việt kiều hồi hương; trong đó có 54 trường hợp được thuê mướn đứng tên nhập khẩu không đúng quy định nên đã phạm vào tội “Buôn lậu”.

Các loại ô tô nhập về đều thuộc là các thương hiệu đắt đỏ như Rolls Royce, Bentley, Porsche và một số “siêu xe” khác. Định giá tài sản 54 xe ô tô và 12 mô tô là 356,2 tỷ đồng. Nếu không được miễn, các loại thuế của số ô tô trên sẽ là 159,8 tỷ đồng.

Tại Cơ quan CSĐT, 3 bị can Nguyễn Quang Vinh, Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên thừa nhận hành vi sai phạm. Riêng bị can Nguyễn Giang Lam kêu oan, khẳng định không vi phạm pháp luật. KLĐT nêu: Tuy bị can kêu oan nhưng có đủ cơ sở kết luận ông Lam trực tiếp thỏa thuận thuê và giới thiệu cho Nguyễn Quang Vinh 36 Việt kiều đứng tên nhập khẩu 36 xe ô tô, 9 xe mô tô. Nguyễn Giang Lam là người yêu cầu Bùi Khắc Hà (cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh cửa khẩu Tân Sơn Nhất) đóng dấu kiểm chứng xuất, nhập cảnh khống để hợp thức hóa hồ sơ nhập lậu số xe trên. Nên từ đó KLĐT quy kết ông Lam phạm tội “Buôn lậu”.

KLĐT thể hiện có sự bất đồng quan điểm giữa Cơ quan CSĐT và VKSND TP. Hồ Chí Minh. Các tài liệu thể hiện Helena Phạm, Nguyễn Thái Sơn, Trần Quốc Hiền là những đối tượng tổ chức mua tiêu chuẩn miễn thuế và đặt mua xe ở Mỹ. Helena Phạm là người thuê vận chuyển xe về Việt Nam. Do đó, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Thái Sơn, Helena Phạm, Trần Quốc Hiền về tội “Buôn lậu”. Tuy nhiên, VKSND TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố do “chưa đủ căn cứ xử lý theo pháp luật hình sự”.

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT vẫn nhận định đối với 3 cá nhân nêu trên “có đủ dấu hiệu cấu thành tội nhưng không được phê chuẩn khởi tố”. Vì vậy sẽ tiếp tục thu thập chứng cứ buộc tội trong các vụ án khác cùng thủ đoạn. Đối với 4 Việt kiều Jenny, Charile Hậu, Đoàn Hiền, Nguyễn Thị Bé Phương cung cấp và vận chuyển xe từ Mỹ về Việt Nam có dấu hiệu đồng phạm nhưng kết quả điều tra đến nay, Cơ quan CSĐT lại không thu được tài liệu, chứng cứ nào khác nên chưa đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội (?).

Vụ án buôn lậu

Vị cựu phóng viên chiến trường kiên trì gửi đơn kêu cứu 

Cần xác định đúng chủ thể tội buôn lậu

Ông Nguyễn Hữu Hạ (SN 1945, cựu phóng viên chiến trường B, cán bộ TTXVN đã nghỉ hưu) liên tục gửi đơn đến các cơ quan bảo vệ pháp luật kêu oan cho con trai là Nguyễn Giang Lam.

Theo đó, ông Nguyễn Hữu Hạ trình bày Lam đã một mực kêu oan ngay từ khi bị khởi tố. KLĐT mới nhất cũng thể hiện nội dung con ông không thừa nhận hành vi phạm tội buôn lậu, bởi lẽ chủ thể buôn lậu vẫn chưa được làm rõ và chưa bị xử lý.

Tại Bản án phúc thẩm số 587, ngày 25/10/2016 của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã xác định: Trong vụ án, cấp sơ thẩm chưa xác định đúng chủ thể phạm tội buôn lậu, chỉ mới xác định được một số bị cáo thực hiện hành vi giúp sức xảy ra tại Việt Nam. Việc tách các đối tượng khác để điều tra sau trong khi chưa xác định được chủ thể chính trong vụ án này là ai đã ảnh hưởng đến việc xác định mức độ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo; việc tách vụ án ra để giải quyết sau là không đúng với tài liệu đã thu thập, chưa có căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự.

Vị cựu phóng viên chiến trường băn khoăn: “Bản án phúc thẩm đã nêu rõ như vậy, thế nhưng bản KLĐT mới vẫn chưa làm rõ, chủ thể buôn lậu chưa bị chạm đến, sao có thể quy kết con tôi đồng phạm? KLĐT lại thể hiện có dấu hiệu gây oan sai bởi việc điều tra vẫn không đầy đủ theo đúng yêu cầu như bản án phúc thẩm đã nhận định”.

Ông Hạ trình bày: “Con tôi là một sĩ quan Công an, là chiến sỹ thi đua của ngành, được phong tặng Huân chương lao động. Gia đình có chú và bác ruột là liệt sỹ, bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với truyền thống đó, con tôi không thực hiện hành vi buôn lậu, điều đó đã được bản án phúc thẩm làm rõ”. Ông Hạ lo âu: Con ông tuy có nhân thân tốt, liên tục kêu oan nhưng lại bị CQĐT tạm giam từ tháng 3/2014 đến nay, còn 2 bị cáo đầu vụ là Vinh và Nguyên bỗng nhiên được “tại ngoại điều tra”. Bởi vậy, cần sớm thay đổi biện pháp ngăn chặn với con ông để chờ phán quyết của Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án buôn lậu "siêu xe": Cựu sỹ quan phòng xuất nhập cảnh kêu oan