Những vấn đề cần làm rõ tại Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam

Đỗ Việt| 28/06/2018 08:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chế độ chi trả lương cho Kiểm soát viên không lưu chưa thỏa đáng; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam không tham dự cuộc họp bình giảng về sự cố hạ cánh nhầm tại Cam Ranh là những vẫn đề đang được dư luận quan tâm, mong muốn được làm rõ.

4 tháng xảy ra nhiều sự cố hàng không nghiêm trọng

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, liên tiếp nhiều sự cố hàng không xảy ra trên cả máy bay lẫn dưới đất uy hiếp an ninh, an toàn hàng không khiến cho không ít người hoang mang lo lắng. Điều bất thường, mặc dù công tác đảm bảo an ninh, an toàn không không luôn được ưu tiên chú trọng hàng đầu, nhưng các sự cố vẫn diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật.

Vào tháng 1/2018, nữ hành khách P.T.T.T (SN 1982, ở TP. Hải Dương) bị Cục HKVN ra quyết định cấm bay có thời hạn 6 tháng, hiệu lực từ ngày 16/9/2017 đến hết ngày 15/3/2018. Thế nhưng, hành khách này vẫn làm thủ tục tại sân bay Nội Bài và lọt qua cửa an ninh để lên máy bay sang Nga. Theo quy định, để lên được máy bay, hành khách phải qua nhiều bước kiểm tra nghiêm ngặt gồm check- in; làm thủ tục xuất cảnh, kiểm tra an ninh… thế nhưng lỗ hổng an ninh vẫn xảy ra.

Ngày 3/3, tại sân bay Vinh, một thanh niên tâm thần đã “vượt rào” qua mặt nhiều chốt an ninh sân bay Vinh đột nhập lên tận máy bay của hãng Vietnam Airlines.

Những vấn đề cần làm rõ tại Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam

Trụ sở Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam

Đầu tháng 4/2018, lực lượng chức năng tại sân bay Cát Bi phát hiện một con chó thả rông ngay khu vực mương thoát nước khu bay, đầu đường cất hạ cánh. Sự việc may mắn chưa gây tổn thất và hệ quả gì cho các hãng bay cũng như uy hiếp an toàn bay.

Ngày 11/4, máy bay của Vietjet Air đi từ Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh bị hỏng hai động cơ cùng một lúc khi vừa mới cất cánh ra khỏi đường băng và chỉ mới lên độ cao hơn 1.200m. May mắn, Cơ trưởng đã quyết định quay trở lại sân bay Đà Nẵng, bảo đảm an toàn cho 213 hành khách.

Những vấn đề cần làm rõ tại Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam

Mặc dù có công văn chỉ đạo dự cuộc họp bình giảng về sự cố hạ cánh nhầm tại Cảng Cam Ranh nhưng Ban lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam vẫn vắng mặt

Nghiêm trọng nhất, vào ngày 29/4, máy bay của Vietnam Airlines số hiệu VN7344, loại máy bay A321, chặng TP. Hồ Chí Minh - Cam Ranh đã hạ cánh xuống đường CHC số 2 chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh khiến nhiều hành khách thót tim. Sau đó, Vietnam Airlines đã phải lên tiếng xin lỗi hành khách vì sự cố này dù khẳng định cả cơ trưởng người Mỹ lẫn cơ phó người Việt đều “đạt chuẩn”.

…và những chuyện “ không vui”

Sự cố hạ cánh nhầm tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được Cục hàng không Việt Nam đánh giá là mất an toàn hàng không. Bên cạnh đó, các chuyên gia hàng không cho biết việc máy bay tiếp đất trên đường băng chưa được khai thác là trạng thái hàng không vô cùng nghiêm trọng và có thể xảy ra hậu quả khôn lường.

Một ngày sau khi xảy ra sự cố, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi văn bản chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không trong nước tăng cường kiểm tra công tác không lưu cũng như các tổ lái để hoạt động bay được an toàn tuyệt đối.

Ngày 30/5, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức Hội nghị bình giảng về sự cố chuyến bay VN7344 hạ cánh nhầm do Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng chủ trì. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam lại không có ai tham dự, từ Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, tới các lãnh đạo khác…

Làm việc với phóng viên, ông Đoàn Hữu Gia – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam thừa nhận không có lãnh đạo nào của đơn vị tham dự cuộc họp bình giảng về sự cố hạ cánh nhầm tại Cảng Cam Ranh.

Theo nguồn tin của phóng viên, trước khi tổ chức cuộc họp bình giảng về sự cố chuyến bay VN7344 hạ cánh nhầm tại Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh, vào ngày 24/5/2018, Cục hàng không Việt Nam có công văn số 2003/CHK/TCATB gửi các đơn vị trong đó có Tổng công ty quản lý bay để tham dự, nhưng ông  Đoàn Hữu Gia, Tổng Giám đốc với vai trò là người trực tiếp phụ trách công tác an toàn lại vắng mặt với lý do bận họp thường vụ Hội đồng thành viên.

Được biết, Cục hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu Tổng Công ty quản lý bay phải có báo cáo giải trình nhưng đến nay vẫn chưa có cá nhân nào bị xử lý(?).

Mới đây, Báo Công lý tiếp tục nhận được phản ánh của một số nhân viên kiểm soát viên không lưu, hiện công tác tại Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, phán ánh về những tồn tại đang diễn ra tại đơn vị này. Những người này cho rằng lực lượng kiểm soát viên không lưu là những người hàng ngày trực tiếp làm nhiệm vụ điều hành bay các chuyến bay trên bầu nhưng mức thu nhập lại không thỏa đáng. Theo đó, lương của một kiểm soát viên không lưu hơn chục năm kinh nghiệm là khoảng hơn 30 triệu đồng, chỉ ngang với một phó phòng đi làm hành chính ở công ty thành viên.  

Về vấn đề này, ông Đoàn Hữu Gia cho biết, trung bình, mức lương kiểm soát không lưu ở sân bay khoảng 19-20 triệu đồng/tháng, nếu là kíp trưởng thì mức lương có thể cao hơn. Ông Gia khẳng định, lực lượng kiểm soát viên không lưu đang hưởng mức lương cao hơn các lực lượng lao động khác tại Công ty. Kíp trưởng làm đủ ngày công, làm đủ giờ cao lương có thể cao hơn lương Tổng Giám đốc.

Được biết, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa tiến hành thanh tra Tổng Công ty Quản lý bay về pháp luật lao động.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vấn đề cần làm rõ tại Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam