Vụ tố cáo bị lừa gần 16 tỷ đồng tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước xảy ra đã nhiều năm nhưng đến nay “độ nóng” của nó vẫn còn nguyên. Người mất tài sản vẫn tiếp tục hành trình khiếu nại, tố cáo và vụ việc này chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết?
Theo đơn của bà Đỗ Thị Khế (sinh năm 1946, trú tại ấp Hưng Yên, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), thông qua quen biết từ trước với bà Lan (có chồng là ông Huỳnh Văn Tiến, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước), từ đó mà quen bà Thắm (con đẻ của bà Lan và ông Tiến).
Khi đó, theo bà Khế, bà Thắm tự giới thiệu làm Phó phòng tín dụng chuyên thẩm định hồ sơ cho vay khách hàng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Phước. Trong thời gian này, bà Thắm đang làm hồ sơ đáo hạn cho vay lại 6 hợp đồng vay tại Ngân hàng, với số tiền lên tới 15,78 tỷ đồng.
Do tin tưởng trong gia đình bà Thắm có nhiều người có chức vụ trong ngành Công an, nên bà Khế đã giao cho bà Thắm số tiền 15,949 tỷ đồng. Việc giao nhận tiền này, bà Thắm có viết 6 giấy vay tiền, ghi cùng một ngày 1/11/2014, không ghi lãi suất. Để có số tiền này, bà Khế đã phải huy động vay mượn từ nhiều người, với lý do để đáo hạn ngân hàng và hẹn sau 4 ngày sẽ hoàn trả.
Sau rất nhiều lần bà Khế đến đòi tiền thì gia đình bà Thắm đã trả được 1.450.000.000đ. Số còn lại, đến nay bà Thắm không trả bà Khế.
Vụ việc được đưa đến cơ quan pháp luật. Ngày 19/10/2016, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho rằng, đây là tranh chấp dân sự nên cơ quan này không có thẩm quyền giải quyết. Ngày 1/11/2016, cơ quan này đã hướng dẫn bà Khế gửi đơn đến TAND để được giải quyết theo quy định pháp luật.
Không đồng tình với cách giải quyết như trên, ngày 22/11/2016, VKSND tỉnh Bình Phước đã có văn bản số 395/VKS-P1 về việc thụ lý lại đơn tố giác. Cơ quan này cho rằng, đây là đơn tố giác có dấu hiệu của tội phạm, thuộc thẩm quyền giải quyết của PC44 Công an tỉnh Bình Phước.
Ngày 1/11/2016, VKSND tỉnh Bình Phước có phiếu chuyển đơn số 89/PC-VKS-P1, nhưng PC44 không tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu. Cùng ngày, PC44 hướng dẫn người tố cáo gửi đơn đến TAND tỉnh Bình Phước giải quyết theo thẩm quyền. Xác định PC44 không thực hiện đúng quy định theo Thông tư 06/TTLT nên VKSND tỉnh Bình Phước đề nghị đơn vị này nhận lại đơn tố giác của người đại diện theo ủy quyền cho bà Khế.
Đơn tố cáo của bà Khế
Gần một năm sau, ngày 20/9/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước ban hành Thông báo kết quả giải quyết số 1213/TB-PC44 về việc tố giác Huỳnh Thị Hồng Thắm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo PC44 thì: Do quen biết từ trước, đến năm 2014, bà Thắm có vay tiền của bà Khế để đáo hạn ngân hàng cho khách hàng của bà Thắm, hai bên thỏa thuận lãi suất là 0,25%/ngày. Đến ngày 1/11/2014, hai bên tính lãi suất đối với các khoản vay và tiền lãi rồi ghi lại 6 giấy nợ cho các khoản vay, tổng cộng số tiền là 15,78 tỷ đồng. Bà Thắm và gia đình đã trả lại cho bà Khế được 1,45 tỷ đồng. Như vậy, việc vay tiền giữa bà Thắm với bà Khế diễn ra nhiều lần, có tính lãi suất với nhau. Số tiền nợ còn lại giữa bà Thắm và bà Khế chưa thống nhất được với nhau, nên chưa có cơ sở xác định chính xác trong số tiền mà bà Thắm còn nợ bà Khế thì có bao nhiêu là tiền lãi, bao nhiêu là tiền gốc và đã thanh toán với nhau như thế nào. Do vậy, PC44 xác định đây là tranh chấp dân sự, sự việc không có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Vụ việc này cũng được VKSND tỉnh Bình Phước thống nhất không khởi tố vụ án hình sự.
Với quan điểm tương tự, ngày 13/11/2017, VKSND tỉnh Bình Phước có Quyết định giải quyết khiếu nại số 83/QĐ-VKS.KN.P12. Theo đó, cơ quan này quyết định không chấp nhận yêu cầu khiếu nại của bà Đỗ Thị Khế, giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan CSĐT.
Như vậy, cùng một sự việc, ban đầu VKS tỉnh Bình Phước cho rằng có dấu hiệu tội phạm nhưng sau đó lại xác định rằng chỉ là tranh chấp dân sự. Sự “bất nhất” này, theo bà Khế là một điều rất khó hiểu. Điều đáng nói, theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay bà Thắm bị ngân hàng cho nghỉ việc và không còn tài sản. Bao giờ bà Khế lấy lại được tiền cho vay và bà Thắm sử dụng số tiền đã vay vào việc gì thì chưa có câu trả lời.