Sức mạnh đoàn kết và sự hỗ trợ từ Nghiệp đoàn nghề cá đã trở thành bệ phóng vững chắc cho ngư dân trên hành trình vươn khơi bám biển. Không chỉ là nơi kết nối, hướng dẫn pháp luật và hỗ trợ kỹ thuật, Nghiệp đoàn nghề cá còn là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong những lúc gian khó, giúp ngư dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu nghề, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Câu chuyện của ngư dân Nguyễn Văn Liên, ở xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vẫn là minh chứng rõ ràng cho tinh thần tương trợ của Nghiệp đoàn nghề cá.
Ông Liên vẫn còn nhớ như in cảnh chiếc tàu xa bờ công suất 540CV của gia đình mình bị mắc cạn chỉ sau 8 tháng hạ thủy. Tưởng chừng như bao nhiêu công sức, tiền của đổ vào con tàu ấy đã bị biển cả nhấn chìm. Nhưng, nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ Nghiệp đoàn nghề cá, gia đình ông đã tránh khỏi cảnh trắng tay.
Ngay khi nhận được tin, hơn 50 thành viên của Nghiệp đoàn đã nhanh chóng tập hợp, huy động hai chiếc tàu cứu hộ để trục vớt. Bất chấp trời mưa và gió lạnh, các thành viên đã cùng nhau phân công công việc: người buộc dây kéo tàu, người lặn xuống biển để đặt ống hút nước. Chỉ trong vòng một ngày, con tàu đã được đưa lên bờ an toàn.
Ngư dân Nguyễn Văn Liên chia sẻ: "Nhờ sự giúp đỡ tận tình của anh em trong Nghiệp đoàn, tàu của gia đình tôi đã được cứu vớt thành công. Mặc dù hôm đó mưa lớn và gió rét, nhưng anh em không quản ngày đêm, cứu con tàu khỏi nguy cơ chìm đắm".
Một trong những dấu ấn lớn nhất mà Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích để lại là việc chuyển đổi nghề cho ngư dân. Nếu như trước đây, ngư dân chủ yếu sử dụng các tàu nhỏ với công suất thấp để khai thác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển và không đem lại năng suất cao, thì nay, nhờ sự hỗ trợ từ Nghiệp đoàn, hàng trăm hộ gia đình đã chuyển đổi sang tàu có công suất lớn hơn.
Năm 2014, khi Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích ra đời, xã chỉ có 65 tàu xa bờ, còn lại phần lớn là tàu nhỏ. Nhờ sự tuyên truyền và hướng dẫn từ Nghiệp đoàn, số lượng tàu xa bờ đã tăng lên 152 chiếc, xã Diễn Bích trở thành địa phương có số lượng tàu xa bờ nhiều nhất huyện Diễn Châu.
Ông Nguyễn Văn Liên – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích, chia sẻ: "Từ khi có Nghiệp đoàn, hoạt động đánh bắt trên biển đã trật tự hơn. Các quy định về Luật Thủy sản được thực hiện nghiêm túc. Khi tai nạn xảy ra, các thành viên hỗ trợ nhau cứu hộ, cứu nạn, chia sẻ luồng cá và cùng nhau đạt sản lượng cao hơn”.
Từ khi có Nghiệp đoàn, hoạt động đánh bắt trên biển đã trật tự hơn. Các quy định về Luật Thủy sản được thực hiện nghiêm túc. Khi tai nạn xảy ra, các thành viên hỗ trợ nhau cứu hộ, cứu nạn, chia sẻ luồng cá và cùng nhau đạt sản lượng cao hơn”.
Ông Nguyễn Văn Liên – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá
Không chỉ ở Diễn Bích, Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân. Thành lập năm 2022 với 112 đoàn viên, đến nay, Nghiệp đoàn đã thu hút và kết nạp gần 300 đoàn viên, hơn gấp đôi so với lúc mới thành lập. Nghiệp đoàn đã kết nối gần 2.000 lao động trên biển, tạo ra sự đoàn kết giữa các ngư dân trong những chuyến ra khơi.
Ngư dân Vũ Sơn Hải, một thành viên của Nghiệp đoàn Diễn Ngọc chia sẻ rằng, từ khi tham gia, anh cảm thấy vững tâm hơn rất nhiều. "Mình có hai tàu hơn 1.000CV, trước đây khi làm ăn riêng lẻ thì gặp không ít khó khăn, nhưng từ khi tham gia Nghiệp đoàn, anh em giúp đỡ, nhắc nhở nhau bảo vệ chủ quyền, không đánh bắt trái tuyến. Mỗi khi gặp sự cố trên biển, Nghiệp đoàn luôn sẵn sàng hỗ trợ," anh Hải nói.
Với sự ra đời của Nghiệp đoàn nghề cá, mối quan hệ giữa ngư dân và chính quyền, các cơ quan chức năng đã được củng cố mạnh mẽ hơn. Không chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, Nghiệp đoàn còn giúp bảo vệ quyền lợi của các đoàn viên, tổ chức các cuộc họp trao đổi kinh nghiệm và phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến nghề cá.
Ông Vũ Duy Từ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu, nhấn mạnh: "Nghiệp đoàn nghề cá không chỉ là nơi kết nối các ngư dân, mà còn giúp xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa chủ tàu và người lao động. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các xã đủ điều kiện thành lập Nghiệp đoàn, bởi khi có nhiều đoàn viên thì Nghiệp đoàn mới thực sự mạnh"...
Trong suốt thời gian qua, các Nghiệp đoàn nghề cá Diễn Bích và Diễn Ngọc đã cứu hộ thành công 25 tàu mắc cạn, xây dựng quỹ hỗ trợ ngư dân khó khăn với số tiền hàng trăm triệu đồng, đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn cứu hộ cứu nạn. Với những bước tiến lớn trong việc phát triển Nghiệp đoàn nghề cá, Diễn Châu đang ngày càng khẳng định vai trò là một trong những huyện tiên phong trong việc bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ ngư dân vươn khơi.
Điều đặc biệt hơn, Nghiệp đoàn nghề cá không chỉ là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân Diễn Châu vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế, mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết và lòng kiên trì vươn khơi, bám biển.
Nhờ có Nghiệp đoàn, ngư dân không còn đơn độc trên hành trình chinh phục biển cả, họ được trang bị kiến thức, kỹ năng và sự hỗ trợ cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển đảo và duy trì nguồn sinh kế bền vững.
Sự gắn bó giữa Nghiệp đoàn và ngư dân đã tạo nên sức mạnh cộng đồng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương và khẳng định vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ những giá trị thiêng liêng của quê hương nơi biển cả.
LOẠT BÀI: SỨC MẠNH TỪ BIỂN
Bài 1: Đảng viên ngư dân, cột mốc giữa biển khơi, vững chắc chủ quyền tổ quốc
Thực hiện: Nhóm phóng viên