Đời sống

Bài 3: Đi lên từ tro tàn chiến tranh

Lê Hiếu 08/05/2025 - 06:56

Nửa thế kỷ - một khoảng thời gian đủ để những cánh rừng thay lá, đủ để một thế hệ lớn lên và chứng kiến sự chuyển mình của mảnh đất đỏ bazan.

logo-.png
tit-ky-3.png
tit-3.png

Những ngày đầu sau giải phóng, Đắk Lắk như người mẹ vừa trải qua cơn bạo bệnh. Nông nghiệp manh mún, lạc hậu, chủ yếu là tự cung tự cấp, "chọc lỗ tra hạt" theo kinh nghiệm, ruộng nương phần nhiều bị hoang hóa. Hệ thống thủy lợi gần như không có, việc trồng lúa trông cả vào nước trời, bấp bênh theo từng mùa mưa nắng. Cái đói, dịch bệnh thường xuyên rình rập, đeo bám dai dẳng, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Các ngành kinh tế khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải chỉ là những phác thảo mờ nhạt.

dak-lak-sau-giai-phong.png

Bên cạnh đó, Đắk Lắk là tỉnh có địa hình phức tạp, đường biên giới dài, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, các thế lực thù địch đặc biệt là FULRO ra sức lôi kéo các phần tử chống đối cánh mạng. Chúng tìm cách dụ dỗ, lôi kéo, kích động gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cản trở sự nghiệp kiến thiết chủ nghĩa xã hội.

bien-phong-tuan-tra.png

Chính quyền cách mạng vừa được thành lập còn non yếu, đội ngũ cán bộ, đặc biệt ở cấp xã, thiếu hụt về số lượng, non yếu về trình độ chuyên môn và chưa có kinh nghiệm đối mặt công việc mới. Dẫn đến việc quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước còn nhiều lúng túng, khiến guồng máy vận hành gặp nhiều khó khăn.

ld-khao-sat-1975.png

Về mặt xã hội, dù đại bộ phận đồng bào hân hoan đón chào cách mạng, nhưng những năm tháng dài bị địch kìm kẹp, tuyên truyền xuyên tạc đã để lại những vết hằn tâm lý. Không ít người dân, đặc biệt là những gia đình có người thân từng tham gia chế độ cũ hay đồng bào theo tôn giáo, mang nặng tâm lý hoang mang, sợ bị phân biệt đối xử. Ở các khu đồn, dinh điền cũ, người dân mất đi nguồn sinh kế, lo lắng về tương lai. Tình trạng tự động hồi cư, di chuyển tự phát càng làm cho bức tranh xã hội thêm phần phức tạp.

Lời kể của những người con Tây Nguyên là minh chứng sống động nhất cho hành trình gian khó ấy. Ông Y Jack Arul, con trai của già làng Ama H’rin - người “khai sinh” ra buôn Akõ Dhông (buôn văn hóa tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), kể: “Đúng là hồi đó rừng núi còn hoang sơ, cà phê cũng nhiều, bà con mình sống nương tựa vào đất, vào rừng là chính. Nhưng mà nói cực thì cũng cực trăm bề. Làm lụng quần quật ngoài nương ngoài rẫy từ khi mặt trời chưa tỏ tới lúc tối mịt, nhiều khi cái bụng đói meo. Đất thì có đó, nhưng cuốc thì mẻ, dao thì cùn, làm gì có máy móc như bây giờ, chủ yếu là sức người thôi. Trồng được cây lúa, cây bắp xuống rồi cũng phải ngóng lên ông trời, năm nào mưa thuận gió hòa thì còn có cái ăn, gặp năm hạn hán hay sâu rầy thì coi như cả nhà nhịn đói"...

y-thang.png

Qua ký ức của ông Y Thăng Buôn Yă, người làm trưởng buôn Akõ Dhông gần hai chục mùa rẫy thì hoài niệm: Cái năm tám hai (1982) mình về với buôn này, cuộc sống khó khăn lắm, cả buôn trông vào cây cà phê thôi, mà giá cà phê hồi đó thì rẻ lắm, bữa lên bữa xuống như người say rượu, bụng dạ người trồng cứ thấp thỏm không yên.

“Mà khổ nữa là cái đường, nó cứ 'đỏ lòm' một màu miết vậy thôi. Ngày nắng, xe chạy hay gió thổi là bụi nó bay lên mù trời, đặc quánh như sương giăng trước mặt vậy. Còn ngày mưa hả, thì thôi rồi! Đất đỏ nó nhão ra, trơn hơn đổ mỡ, dính lấy cái chân, đi một bước muốn thụt lại hai bước. Ai vô ra thăm buôn mình, hay chở hạt cà phê đi bán đúng là cực dữ lắm, phải có cái bụng kiên gan, cái chân cứng như lim (gỗ lim – PV) mới đi nổi cái đường đó đó”, ông Y Thăng hồi tưởng lại.

sapo-bai-2-.png

Trước bộn bề gian khó ấy, “tinh thần Tây Nguyên” một lần nữa được đánh thức. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng bộ tỉnh, Đắk Lắk đã từng bước hóa giải khó khăn, ổn định tình hình và dần dần xây dựng Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp.

dang-bo-chinh-quyen-va-nhan-dan.png

Ngồi nhớ lại những ngày đầu mới giải phóng xong, ông Y Luyện Niê Kdăm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, người cả đời gắn chặt với đất Đắk Lắk, lại thấy bồi hồi, ông nói: “Hồi đó, Buôn Ma Thuột mình nó bộn bề đủ thứ chuyện, trăm việc đổ lên đầu. Vừa phải lo cái ăn, cái ở cho bà con mình, rồi còn phải lo dẹp mấy đứa FULRO nó quấy phá nữa chớ. Tui hồi đó còn được giao làm Trưởng ban Truy quét FULRO mà”.

Ông Y luyện nói tiếp: “Khó là khó vậy đó, nhưng mà anh em trong Ban cán sự Đảng với Ủy ban Quân quản đâu có chịu ngồi yên nhìn bà con mình khổ. Họp liền, bàn tới bàn lui, rồi quyết phải làm ngay mấy việc cốt yếu. Trước hết là thành lập mấy cái Ty (Sở bây giờ đó) như Nông lâm nghiệp, Tài chính, Y tế, Giáo dục... Ban đầu mỗi Ty chỉ có vài ba anh em cán bộ thôi, ít lắm, nhưng phải có để lo việc chung, để coi sóc cái xứ mình đã chớ".

y-luyen-sau-giai-phong.png

Theo lời ông Y Luyện kể lại, đồng bào mình quen làm rẫy, chưa biết làm ruộng nên đói lắm, Ủy ban Quân quản phải xin cấp trên mở kho lúa gạo chia cho từng nhà, cứu đói cái đã. Nhưng việc cứu đói cho bà con không thể kéo dài mãi được, nên phải tính đến con đường làm ăn lâu dài. Vì vậy, Đảng có chính sách chia đất cho đồng bào mình canh tác, hộ ít thì 2-3 sào, nhà nhiều thì 1ha rồi vận động bà con làm kinh tế, khai hoang thêm đất đai, xây dựng cánh đồng, làm mương dẫn nước…sau 2-3 năm là giải quyết được cái đói.

Ông Y Luyện cũng nhấn mạnh rằng, chính nhờ tinh thần đoàn kết đó, cùng với sự chỉ đạo gần gũi, sát sao của cấp trên, mà tỉnh Đắk Lắk từ một vùng đất gặp nhiều bất ổn sau chiến tranh, đã từng bước, từng bước vực dậy được. Rồi cũng từ đó tỉnh nhà mới phát triển được về mọi mặt, từ kinh tế, đến các mặt đời sống – xã hội khác (mà ông gọi là "việc làng việc nước") được như ngày nay.

doi-song-nguoi-dan-xua-va-nay.png

Sau 50 năm, Đắk Lắk được mọi người biết đến là “thủ phủ” cà-phê Việt Nam. Minh chứng rõ nhất, năm 2024, quy mô nền kinh tế của Đắk Lắk đạt 141.326 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt con số 1.650 triệu USD, dẫn đầu khu vực Tây Nguyên.

dak-lak-50-nam-nhin-lai.jpg

Nếu như năm 1978, tổng sản phẩm xã hội của tỉnh chỉ vỏn vẹn 198 triệu đồng, thì ngày nay, kinh tế Đắk Lắk đã có những bước tiến dài, khẳng định vị thế trụ cột trong khu vực Tây Nguyên. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 (theo giá so sánh 2010) đạt 63.356 tỷ đồng, với mức tăng trưởng ấn tượng 5,08%, đứng thứ hai toàn khu vực.

nga-6-xua-va-nay.png

Ngành công nghiệp - xây dựng cũng chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp được xây dựng, tạo thêm việc làm và đóng góp vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đặc biệt, ngành dịch vụ đã bứt phá ngoạn mục, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất. Du lịch dựa trên bản sắc văn hóa độc đáo và vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ đang dần khởi sắc. Các ngành thông tin truyền thông, tài chính, giáo dục, y tế... đều có những bước phát triển vượt bậc.

doi-song-buon-lang-den-cac-khu-do-thi-ngay-cang-duoc-nang-len.png
Đời sống buôn làng đến các các khu đô thị giúp Đắk Lắk ngày càng thay da đổi thịt.

Thành quả 50 năm là niềm tự hào, là kết tinh của những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Tỉnh ủy, HĐND, UBND qua các thời kỳ và quan trọng hơn cả là sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng các dân tộc anh em.

Từ gian khổ, Đắk Lắk đã vươn mình mạnh mẽ, khoác lên mình tấm áo mới của sự phát triển và ấm no. Tiếng cồng chiêng của ngày hội không chỉ vang lên trong lễ mừng lúa mới, mà còn vang vọng trong niềm tự hào về một Đắk Lắk chuyển mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Đi lên từ tro tàn chiến tranh