Từ xa xưa, đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng đã phát triển các nghề thủ công truyền thống. Ngày nay, những làng nghề rèn, làm hương, thêu thổ cẩm, nghề nhuộm vải chàm, nghề đan lát, nghề làm giấy bản, nghề dệt thổ cẩm, nghề làm miến, nghề làm đường phèn… vẫn được nhân dân lưu giữ.
Bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, vùng, miền, địa phương khác nhau. Khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn, thương hiệu của địa phương và quốc gia thông qua phát triển sản phẩm của các làng nghề, đặc biệt là sản phẩm của làng nghề truyền thống.
Để tận dụng tối đa cơ hội và không bị tụt hậu, bản thân các làng nghề phải làm một cuộc “cách mạng” toàn diện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì rào cản lớn nhất của các sản phẩm làng nghề tại Cao Bằng chính là đầu ra, kênh tiêu thụ và kênh phân phối đến tay người tiêu dùng.
Bà Hoàng Thị Nguyên – hộ gia đình làm hương cổ ở thôn Phja Thắp cho biết: “Làng nghề hương truyền thống ở Phja Thắp đang đối mặt với khó khăn lớn nhất là chưa tìm được thị trường tiêu thụ, cũng chưa có cơ quan tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm bao tiêu sản phẩm truyền thống của làng nghề. Do đó, các sản phẩm của làng nghề chủ yếu vẫn chỉ được người dân đi bán tại các phiên chợ huyện.”
Làng nghề hương Phja Thắp đang phải đối mặt 3 vấn đề lớn liên quan tới nguồn lực là: Nguồn lực để phát triển sản phẩm; nguồn lực để phát triển kênh kinh doanh; nguồn lực cho tiếp thị và bán hàng. Muốn làng nghề có thu nhập cao cần có những đơn hàng lớn, nhưng hiện nay, việc chuyển đổi số ở làng nghề hương Phja Thắp còn gặp nhiều bất cập. Đa số các thành viên của làng nghề chưa biết cách quảng bá sản phẩm. Việc phát triển các kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử hay trên các trang mạng xã hội gần như chưa có vì người dân chưa biết cách làm, mà cũng chưa được hướng dẫn làm.
Để đổi mới phát triển làng nghề phù hợp xu thế hiện nay, tỉnh Cao Bằng có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tại các làng nghề. Ông Nông Thanh Mẫn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết: “Tỉnh đang chú trọng xây dựng quy hoạch tổng thể các làng nghề nhằm định hướng phát triển phù hợp cho mỗi làng nghề, trong đó có ưu tiên phát triển sản xuất các nghề thủ công gắn với phục vụ du lịch.
Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo tay nghề, nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm gắn với thị hiếu người tiêu dùng; xây dựng các chính sách kết nối thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm truyền thống tới người tiêu dùng, xây dựng các kênh giới thiệu sản phẩm của các tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã theo hội chợ, kênh truyền thông xã hội”.
Cùng với đó, Chi cục Phát triển nông thôn Cao Bằng đang xây dựng các kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề thống. Trong đó có việc hỗ trợ mua máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc, giảm thiểu sức lao động và tăng thu nhập cho người dân ở các làng nghề…
Khôi phục làng nghề gắn với phát triển du lịch
Hiện nay tỉnh Cao Bằng có 21 làng nghề truyền thống chủ yếu sản xuất các sản phẩm: miến dong, hương, giấy dó, cơ khí nhỏ (nghề rèn đúc), đường phên, đan lát, dệt thổ cẩm, bánh nướng, ngói máng và chạm khắc bạc.
Đến nay có 5 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, gồm: Làng nghề làm hương thảo mộc, xóm Nà Kéo, xã Trường Hà (Hà Quảng); Làng nghề làm đường phên, xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa); Làng nghề làm hương Phja Thắp, Làng nghề làm rèn Phúc Sen, Làng nghề làm giấy bản Quốc Dân, xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Đã có hơn 90 sản phẩm của các cơ sở ngành nghề nông thôn được chứng nhận sản phẩm OCOP, khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương.
Tháng 9/2022, UBND huyện Quảng Hòa tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Làng nghề rèn Phúc Sen, Làng nghề hương Phja Thắp, Làng nghề giấy bản Quốc Dân. Điểm chung của cả 3 làng nghề là nằm ở vị trí giao thông tương đối thuận lợi. Do đó, UBND xã đã phối hợp với UBND huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, tổ chức nhiều chuyến khảo sát thực tế, nhằm nghiên cứu đầu tư các hạng mục để các làng nghề đủ sức đón nhiều khách du lịch khi tham gia tour du lịch khám phá Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng.
Xã Phúc Sen (Quảng Hòa) là nơi có nhiều làng nghề truyền thống gắn với bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng An, gồm: nghề rèn, làm hương và làm giấy bản. Trong đó, làng rèn Phúc Sen khẳng định được vị thế của làng nghề thủ công truyền thống với các sản phẩm phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Để khẳng định thương hiệu và gìn giữ, phát huy kinh tế làng nghề, làng nghề ở Phúc Sen ngày càng mở rộng và phát triển. nghề rèn thu hút và tạo việc làm cho gần 300 lao động nông thôn với 140 lò, sản xuất theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã. Hàng năm trung bình mang lại thu nhập cho địa phương hơn 18 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làng rèn Phúc Sen mà nghề hương Phja Thắp cũng là một làng nghề có tiếng ở huyện Quảng Hòa. Với bề dày lịch sử hàng trăm năm, nghề làm hương ở Phja Thắp đến nay vẫn được duy trì và phát triển.
Chị Long Thị Diệu Thi, người dân ở Phja Thắp vui vẻ cho biết: “Mỗi tuần gia đình kiếm được 1-1,2 triệu đồng từ các phiên chợ. Những tháng Tết, tháng 3 và tháng 7, gia đình chị kiếm được hơn 10 triệu đồng, những ngày này hương không có để bán lẻ mà chỉ có bán buôn cho những khách hàng đặt trước”.
Ông Lương Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Sen chia sẻ: “Triển khai Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 3/3/2001 về “ba nhiều” là vận động người dân trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề. Kể từ đó, Phúc Sen bắt đầu vươn mình, đổi mới, không chỉ thoát nghèo mà ngày càng khấm khá hơn”.
Từ năm 2019 - 2021, xã có trên 50.000 lượt người đến trải nghiệm du lịch cộng đồng; 4 sản phẩm đạt thương hiệu OCOP. Ngoài ra, sản phẩm “Homestay Mr. Kim” của gia đình chị Hoàng Thị Cúc đạt “2 sao” cấp huyện về du lịch cộng đồng. Trên cơ sở xây dựng Phúc Sen trở thành trung tâm văn hóa dân tộc Nùng An của tỉnh, Đảng ủy xã tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cung đường trekking trên lưng ngựa, lấy Lũng Sâu làm điểm kết nối chuỗi 4 điểm du lịch cộng đồng trải nghiệm.
Phương châm “một hộ làm ba nhiều” góp phần tạo việc làm tại chỗ với thu nhập ổn định cho lực lượng lao động chính của xã. Điều đáng nói là Làng nghề Phúc Sen không có lao động dôi dư, nhàn rỗi. “Ba cùng” (cùng lượng - cùng chất - cùng làm). Điều này đã tạo nên sản lượng cao, chất lượng tốt, tiêu thụ tốt.
Bà Hoàng Thị Phương chủ cơ sở làng nghề và homestay chia sẻ: "Điều độc đáo nhất khi du khách đến với làng nghề ở Phúc Sen là nếp văn hóa người Nùng với ngôi nhà sàn, trang phục, ẩm thực, tự tay trải nghiệm làng nghề…. Và chúng tôi đã làm du lịch một cách ngẫu nhiên như thế thôi, có gì làm nấy, hướng dẫn du khách đến đó”.
Làng nghề cổ làm thay đổi “diện mạo” cuộc sống của người dân
Ông Hoàng Huy Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Hòa cho biết: “Huyện Quảng Hòa là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh. Hiện nay, trừ 4 làng nghề đã được công nhận vẫn đang được duy trì và phát triển, các làng nghề, ngành nghề nông thôn khác đều trong tình trạng phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, có nghề đang có nguy cơ mai một hoặc mai một hoàn toàn.
Vì vậy, việc cần làm hiện nay là bảo vệ và phát triển làng nghề, công nghiệp nông thôn. Sự phát triển bền vững của làng nghề phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự hỗ trợ về chính sách, nhất là về quy hoạch ngành nghề và mặt bằng, cơ sở hạ tầng, công nghệ quản trị và bảo vệ môi trường; vốn và phát triển thương hiệu, ổn định sản xuất; kết hợp với quy hoạch tổng thể xây dựng nông thôn mới và chiến lược...”.
Ông Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định: “Để phát triển làng nghề, tỉnh đang chú trọng xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tư vấn công tác bảo tồn văn hóa, kiến trúc truyền thống tại các điểm du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường sinh kế cho người dân địa phương.
Việc phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng đang là hướng đi của tỉnh hiện nay. Cùng với đó, tỉnh đang xây dựng các chính sách kết nối thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm truyền thống tới người tiêu dùng, xây dựng các kênh giới thiệu sản phẩm của các tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã theo hội chợ, kênh truyền thông xã hội.
Hằng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề thông qua việc hỗ trợ mua máy móc, thiết bị, các hệ thống, dây chuyền sản xuất góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc, giảm thiểu sức lao động của người dân và tăng thu nhập…
Sắp tới, tỉnh sẽ đầu tư hơn 74 tỷ đồng cho việc bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn. Mục tiêu đến hết năm 2025, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 2 làng nghề truyền thống, đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn 5 làng nghề truyền thống; củng cố và nâng cấp ít nhất 5 làng nghề đã được công nhận.
Công nhận ít nhất 5 làng nghề mới (đến năm 2025), 15 làng nghề mới (đến năm 2030), củng cố và nâng cấp ít nhất 10 cơ sở (đến năm 2025) và 20 cơ sở (đến năm 2030) ngành nghề nông thôn sẽ được công nhận sản phẩm OCOP”, ông Huy cho hay.
Khai thác và phát huy các làng nghề truyền thống như một chiến lược phát triển bền vững gắn với cộng đồng dân cư địa phương. Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách của nhà nước, rất cần sự nỗ lực từ phía các làng nghề, các nghệ nhân trong việc thay đổi tư duy, nắm bắt nhu cầu thị trường để từ đó giữ gìn và phát triển thương hiệu các sản phẩm của làng nghề, giúp các làng nghề phát triển bền vững trường tồn với thời gian, bảo vệ “bảo vật” của bản làng cho mai sau.