Phóng sự - Ghi chép

Ánh sáng điện lưới phủ khắp bản nghèo xứ Thanh

Thanh Phương 01/09/2023 06:19

Thanh Hóa là một trong những địa phương có diện tích đồi núi lớn nhất cả nước, do tập tục của đồng bào dân tộc thường ở trên các khu vực núi cao nên việc phát triển hạ tầng trong đó có điện lưới gặp muôn vàn khó khăn. Với sự quyết tâm cao, cách làm bài bản, tất cả các bản nghèo đã được tiếp cận với điện lưới để mang ánh sáng văn minh tới đời sống.

Gian nan kéo điện về các bản xa xôi, hẻo lánh

Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với 1.579 thôn, bản thuộc 175 xã, thị trấn (sau sáp nhập); 790/867 thôn đặc biệt khó khăn; có 6 huyện thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Toàn khu vực hiện có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú, với tổng số dân khoảng 927 nghìn người, trong đó có hơn 670 nghìn người dân tộc thiểu số.

ancomkodien.jpg
Cuộc sống khó khăn, người dân sống trong cảnh đèn, nến ở vùng biên xứ Thanh

Nhiều năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng luôn được tỉnh Thanh Hóa chú trọng, nhất là các khu vực khó khăn ở vùng miền tây. Tuy nhiên địa bàn quá rộng, người dân ở tách biệt ở qua nhiều sông, suối, đồi núi cheo leo dẫn tới việc làm đường, kéo điện lưới, xây dựng trạm xá, trường học…gặp nhiều trở ngại.

hocsinhkodien.jpg
Học sinh phải học trong ánh sáng mờ mờ

Xác định mở đường, có điện lưới để khai phá những vùng đất khó, để người dân có cơ hội tiếp cận với ánh sáng văn minh, tự lực vươn lên, nhiều nguồn lực đã được huy động để đầu tư. Chỉ khi nào tư tưởng, ý thức người dân thay đổi thì công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh vùng biên mới thật sự bền vững. Từng bước, điện lưới đã được kéo tới các bản xa xôi, hẻo lánh, khó khăn nhất.

Bừng sáng Sài Khao

Niềm vui vỡ ào với bà con người dân tộc bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát khi điện lưới được đưa về bản vào dịp Quốc khánh 2/9.

Sài Khao vốn nổi tiếng khi là địa danh “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Tuyến đường để kết nối sang nước bạn Lào. Bao năm phải sống leo lét dưới ánh đèn mờ mờ, giờ đây ánh sáng của văn minh đã khiến bà con thấy vui sướng.

dongdiensk.jpg
Điện lưới tới bản Sài Khao

Công trình cấp điện cho các bản Sài Khao 1, Sài Khao 2 được triển khai thi công từ tháng 1/2023, với quy mô 6,2 km đường dây 35kV, 2 trạm biến áp có công suất 50kVA - 35/0,4kV và 5,1 km đường dây hạ áp cùng với hệ thống công tơ, dây sau công tơ đến 109 hộ dân trên địa bàn bản Sài Khao.

Trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công đã gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết phức tạp, địa hình miền núi hiểm trở, khu vực thi công thuộc vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn trong vận chuyển vật tư, vật liệu vào khu vực xây dựng.

traoquask.jpg
Giám đốc Sở Công thương Phạm Bá Oai và Trưởng ban Dân tộc Thanh Hóa chia vui cùng bà con

Tuy nhiên, với quyết tâm mang ánh sáng đến cho người dân bản Sài Khao của huyện Mường Lát, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của nhân dân hiến tặng cây cối, hoa màu, đất đai nơi có đường điện đi qua, với sự quyết tâm, cố gắng của nhà thầu, đến nay, dự án đã hoàn thành, đạt tiến độ đề ra, sớm đóng điện phục vụ nhân dân đón Tết Độc lập 2/9/2023.

Ông Vàng A Lềnh, Phó bản Sài Khao phấn khởi cho biết: “Người dân bản chúng tôi bao nhiêu năm không có điện, nay được đóng điện lưới quốc gia rất vui mừng và phấn khởi. Khi có điện bà con trong bản sẽ phát triển kinh tế thuận lợi hơn, đời sống càng được nâng lên. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã mang điện về cho dân bản”.

cotdienchalan.jpg
Bản người Mông Cha Lan được kéo điện lưới

Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai đã chia sẻ niềm vui với bà con Sài Khao. Đồng thời cũng đề nghị Công ty Điện lực Thanh Hóa chỉ đạo Điện lực Mường Lát, hướng dẫn bà con nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Đề nghị Chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện tuyên truyền bà con đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp, có biện pháp ngăn ngừa không để xảy ra sự cố, tai nạn về điện.

doisongml.jpg
Có điện lưới, cuộc sống người dân sẽ từng bước được thay đổi

Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương, vì lợi ích chung của Nhà nước và lợi ích lâu dài của quê hương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, bảo vệ tài sản của ngành điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Phủ điện lưới khắp các bản trong tháng 9/2023

Xác định điện lưới có vai trò rất quan trọng trong đời sống, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trên địa bàn khu vực vùng biên, từ năm 2014 cơ quan chức năng đã rà soát còn 80 bản thuộc địa bàn 9 huyện (Mường Lát, Quan Sơn, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân, Lang Chánh).

khokhanhs(1).jpg
Thế hệ trẻ em vùng phên dậu xứ Thanh sẽ được tiếp cận với nguồn ánh sáng của văn minh

Những bản này hầu hết đều giáp biên, khu vực đồi núi cao, 100% đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy mà tỉnh Thanh Hóa đã lên kế hoạch phân kỳ đầu tư. Theo đó, các bản khó dần được bố trí các nguồn vốn để đưa điện lưới cho bà con thụ hưởng.

Chỉ riêng năm 2023, dự án triển khai đầu tư cấp điện cho 14 thôn, bản chưa có điện còn lại trên địa bàn các huyện Mường Lát, Thường Xuân. Trong đó, huyện Mường Lát được đầu tư cấp điện cho 13 thôn, bản.

canbodienluc.jpg
Cán bộ điện lực hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm

Hiện nay, các công trình đã thi công đạt 100% khối lượng theo thiết kế được duyệt; có 4 thôn, bản đã đóng điện; còn 10 thôn, bản đang được Sở Công Thương Thanh Hóa phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa nghiệm thu kỹ thuật, dự kiến đóng điện phục vụ nhân dân trong tháng 9/2023.

Như vậy, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành trước 2 năm nhiệm vụ 100% thôn, bản trên địa bàn đã có điện lưới quốc gia theo Quyết định số 624-QĐ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 14/12/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về ban hành chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.

Có điện lưới, đời sống người dân sẽ được nâng lên khi các phương tiện, cơ giới, máy móc thiết bị và cả việc tiếp cận với các nguồn thông tin thuận lợi (ti vi, điện thoại…), những tập tục cổ hủ, lạc hậu sẽ bị đẩy lùi. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng được nâng cấp, mỗi nóc nhà, người dân sẽ là một cột mốc đáng tin cậy nơi phên dậu xứ Thanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ánh sáng điện lưới phủ khắp bản nghèo xứ Thanh