Phóng sự - Ghi chép

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Nam Hoàng 12/05/2023 07:01

Trong những nghề liên quan đến rừng, có lẽ tìm trầm và đào vàng là hai nghề vất vả, nhọc nhằn và nhiều rủi ro nhất. Dẫu phải đối mặt với trăm ngàn hiểm nguy rình rập từ rừng thiêng nước độc, song có không ít người vẫn ngày đêm lặng lẽ vác ba lô ngược núi. Thế nhưng, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”...

Hiểm nguy rình rập

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, người dân ở một số tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào đã bắt đầu biết đến nghề đi tìm trầm. Cũng trong ngần ấy năm, người dân nơi gió Lào, cát trắng này nhiều lần phải chứng kiến những cái chết của phu trầm vì rừng thiêng nước độc, phải chứng kiến biết bao cảnh “lá xanh rụng trước lá vàng”. Thế nhưng, sự nghiệt ngã đó vẫn không ngăn được nhiều người tiếp tục nuôi ảo mộng nhờ trầm, thế hệ này đi trước, thế hệ sau nối gót theo sau.

anh-bai-an-cua-rung-rung-rung-nuoc-mat-3.jpg
Lực lượng chức năng các địa phương tăng cường kiểm tra, tháo dỡ lán trại tại những khu vực khai thác vàng trái phép.

Trong số những phu trầm, cũng có một vài người trúng tiền tỷ, xây nhà cao cửa rộng, sắm xe sắm cộ, nhưng cũng không ít người tay trắng, phải mang thương tật suốt đời hoặc bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, để lại những người vợ góa chồng và đàn con thơ dại. Chuyện được, mất của phu trầm, chẳng khác gì “đánh bạc” với thiên nhiên.

Anh Hồ Văn Ngang, một cựu phu trầm mới “giã từ vũ khí”, quê ở A Ngo, Đakrông, tỉnh Quảng Trị kể: “Thông thường thì phu trầm đi theo từng nhóm, mỗi nhóm từ 3 – 4 người trở lên. Dân trong nghề gọi là xâu. Nhóm sẽ phân chia nhau đổ vào các cánh rừng dựng lán trại, thay phiên nhau tìm trầm, nấu ăn. Trung bình mỗi ngày phu phải lội bộ 20 – 30km để tìm trầm, cuối ngày thì về lại lán. Chuyện đi lạc thỉnh thoảng vẫn diễn ra. Khi đó chúng tôi phải tìm lèn đá hoặc trèo lên cây cao ngủ qua đêm chờ sáng mới về”.

Cũng theo anh Ngang, lương thực của các nhóm thường đủ dùng trong một đến hai tháng, may mắn trúng được ít nhiều trầm thì họ ra khỏi rừng gọi điện cho chủ trầm để được chở xuống đồng bằng bán rồi tiếp tục đóng gùi quay vào rừng. Còn nếu như cả tháng không được cái gì, thì các phu trầm phải “hãm” gạo lại, tìm thêm rau rừng mà ăn, đập vỏ cây tre nứa lấy nước uống, gắng cầm cự hi vọng kiếm thêm chút đỉnh bù lại tiền đóng gùi.

anh-bai-an-cua-rung-rung-rung-nuoc-mat-1.jpg
Anh Hồ Văn Ngang: “Nghề trầm sểnh chân là sểnh mạng”.

Nhiều xâu trước khi đi còn chuẩn bị thêm “ngải” – một loại dược thảo gần giống sâm giúp phu trầm cầm cự được giữa rừng sâu, nếu không may bị lạc đường hoặc gặp thiên tai không về kịp.

“Mỗi khi tới địa điểm tìm trầm, các phu trầm được chủ trầm bố trí cho chỗ ăn uống, nghỉ ngơi lấy sức từ 2 – 3 ngày. Lúc này dân trầm được các chủ trầm cho ứng tiền để đóng gùi, chuẩn bị gạo, thức ăn, chăn màn, dao rựa, dụng cụ xoi trầm, hương hoa để cúng thần rừng. Khi phu trầm trúng thì bán lại cho họ, trừ nợ”, anh Ngang chia sẻ.

Cứ thế, vì miếng cơm manh áo đã dẫn bước những người đàn ông xa xứ. Dù biết trước rủi ro và những đau thương mất mát khôn tả, nhưng họ vẫn lên đường, hệ lụy từ việc vắng bóng đàn ông, vắng bóng trụ cột gia đình cũng bắt nguồn từ đó. Nhưng cám dỗ ước vọng đổi đời từ những mảnh trầm, dường như đã ngấm sâu vào tiềm thức của những sơn dân nơi rừng thẳm.

Anh Ngang bảo: “Trong những mối hiểm nguy mà phu trầm phải đối mặt không chỉ là lạc sang rừng các nước láng giềng rồi bị cảnh sát bắt, mà là gặp tộc người hung dữ - chúng tôi thường gọi là Mẹo. Những người Mẹo này hễ gặp phu trầm là giết, cho nên nếu gặp Mẹo thì dù có mang trên người rất nhiều trầm trị giá tiền tỉ cũng phải bỏ của chạy lấy người. Rất nhiều xâu trầm bị Mẹo giết chết hết”.

“Đối với phu trầm, những món lợi khiến họ quên mọi hiểm nguy rình rập. Nhưng, ốm đau bệnh tật, gian truân khổ ải chốn rừng sâu chỉ là rất nhỏ so với đại họa từ những cuộc thanh trừng, cướp bóc và tàn sát đẫm máu. Trong suốt những năm lang bạt, điều khiến tôi lo sợ nhất không phải đến từ thiên nhiên hay thú dữ, mà chính là con người. Lo bị cướp, bị trấn lột, bị đánh đập, thậm chí là bị giết...”, anh Ngang tâm sự.

Vụ 5 phu trầm ở Quảng Trạch, Quảng Bình bị giết dã man trong lúc đi tìm trầm vào cuối tháng 3/2013 là minh chứng cho sự tàn khốc của nghề “săn lộc rừng” mà những phu trầm như anh Ngang đã và đang phải đối mặt. Vụ án đó không chỉ làm chấn động “nghề trầm” mà còn gây căm phẫn đối với người dân trên cả nước.

“Kể từ sau vụ 5 phu trầm ở Quảng Trạch, Quảng Bình bị giết, tôi đã quyết bỏ nghề trầm, về làm thuê cho một xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Thu nhập tuy không cao, nhưng an toàn. Thôi thì vợ chồng rau cháo nuôi nhau, có gì ăn nấy, chứ tính mạng con người là quan trọng nhất”, anh Ngang tâm sự.

Nhọc nhằn, hiểm nguy chực chờ là thế, nên ngày càng có nhiều phu trầm biết buông bỏ như anh Ngang, quay về tìm hướng mưu sinh mới. Dường như những bài học về mất mát, đau thương đã làm chùn bước chân của những phu trầm.

Khi đi trai tráng, khi về bủng beo

Cũng kiếp phận phu phen lấm láp, cũng “kiếm ăn” từ rừng, nhưng mức độ hiểm nguy mà phu vàng phải đối mặt nó còn lớn hơn gấp bội so với phu trầm. Bởi ngoài những hiểm nguy đến từ rừng thiêng nước độc hay sơn lam chướng khí, họ còn phải đối mặt với nguy cơ sụt lún, thậm chí sậm hầm, sập bưởng, tính mạng lúc nào cũng như “mành chỉ treo chuông”.

Theo một số “cựu phu vàng” cho biết thì hầu hết các hầm khai thác vàng trái phép đều được gia cố, chống đỡ hết sức sơ sài, tạm bợ, luôn phải đối mặt với nguy cơ sụt lún. Thông thường thì các hầm vàng được đào giữa lưng chừng một vách núi, hoặc sườn đồi nào đó với cửa hầm hình bán nguyệt, được khoét sâu như địa đạo. Đường hầm thường cao 1,5m, rộng 80cm. Phía trên và hai bên được đóng cọc thưng gỗ để tránh đất đá sụt lún bịt kín đường hầm.

Càng vào sâu phía trong, hầm càng được đào rẽ ra nhiều nhánh, tùy theo vỉa. Khoét lên, khoét xuống, khoét ngang, khoét dọc đủ cả, có nhánh chỉ vừa một người chui, bên trên được chống hờ bằng vài chiếc cọc gỗ to bằng nắm chân với dăm tấm ván để ngăn sụt lún.

Mặc dù công việc khai thác có khi được thực hiện dưới lòng đất, sâu đến 30-40m, nhưng phần lớn phu vàng đều không hề có phương tiện bảo hộ, ống khí hầm. Thông thường, phu vàng phải làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm nhất như nổ mìn, khoan đá, khuân đá ra khỏi hầm, đập đá, xay đá, còn đãi - khâu nhẹ nhàng nhất thì do chủ hầm trực tiếp làm. Chủ hầm, hay còn gọi là cai, làm vậy một phần để tránh nguy hiểm đến tính mạng của mình, phần để ngăn chặn, kiểm soát chuyện “quân” của mình tẩu tán, ăn cắp vàng khi đãi được.

Đã có những trường hợp phu chỉ vì trót tham giấu đi vài phân vàng, bị cai bắt được đánh cho tàn phế đến suốt đời. Trong đám “cai vàng” ở Phước Thành (Phước Sơn, Quảng Nam), nổi tiếng nhất là H. “trố” quê ở Thanh Hóa. Giai thoại về H. thì nhiều, nhưng ghê rợn nhất vẫn là những ngón đòn H. dùng để trừng trị đám phu phen dám ăn chặn vàng của gã.

Người ta kể rằng, H. đã từng bắt hai phu vàng tự mài dao, rồi đặt sẵn ngón tay lên khúc gỗ để gã chặt vì tội dám giấu vàng. Sau lần đó, cả đám phu của H. chỉ biết làm, chứ không bao giờ dám tơ hào một chút nào. Đào đãi được bao nhiêu, họ đều phải cống nộp cho bằng hết.

Không chỉ phải làm việc trong môi trường, điều kiện hết sức nguy hiểm, mà các phu vàng còn phải đối mặt với “nạn binh đao” đến từ các trận hỗn chiến, truy sát, tranh giành lãnh địa của các chủ bãi vàng. Đồng thời, khi đã trót dấn thân vào nghiệp phu phen, phần lớn những phu vàng đều bị những ông chủ của mình vắt kiệt sức chả khác gì lao động khổ sai. Thế nên hầu như tất cả các phu vàng đều rơi vào cảnh “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”.

Bùi Thanh Tuấn (SN 1988, ở Vĩnh Đồng, Kim Bôi, Hòa Bình), một cựu phu vàng Phước Sơn đã “giải nghệ”, giờ làm nghề mộc, kể rằng: Thông thường mỗi phu vàng phải làm việc từ 12 - 13 tiếng/ngày, nắng làm nhiều, mưa làm ít. Mỗi chủ cai cũng thường chia đám phu vàng thành hai ca, mỗi ca vài người đến vài chục người. Ca ngày từ 5 giờ 30-18 giờ, ca đêm từ 18 giờ - 6 giờ sáng hôm sau. Ở giờ nghỉ giữa mỗi ca ông chủ không cho tắt máy xay mà bắt nhóm khác ra thay để nhóm còn lại vào ăn cơm, xong ra làm tiếp.

“Ngày đó, các bãi khác được nghỉ trưa, nhưng bọn em chẳng lúc nào được nghỉ. Hễ nhóm kia đến giờ nghỉ giải lao để ăn cơm là chủ cai lại bắt bọn em ra xúc đất, đổ đất và đứng máy đến khi ca ấy ăn xong thì thôi”, Tuấn kể.

anh-bai-an-cua-rung-rung-rung-nuoc-mat-2.jpg
“Cựu phu vàng” Bùi Thanh Tuấn: “Đến giờ em vẫn ám ảnh những ngày chui rúc ở các bãi vàng”.

Cũng theo lời của Tuấn, ngày cũng như đêm, chủ cai thường cắt cử người bám sát theo dõi tiến độ làm việc rất gắt gao. Chỉ cần phu nào chểnh mảng, họ lập tức bị ăn đòn. Đến thời gian để nghỉ tay uống miếng nước đối với các phu vàng cũng rất khó khăn.

Khoảng thời gian làm việc mà bất cứ phu vàng nào cũng sợ đó là ban đêm. Bởi, mỗi khi đêm đến, chủ cai chỉ kéo ra một bóng đèn bé xíu thắp sáng một khoảng giữa khu rừng tối om để các phu vàng làm việc, chỉ cần sơ sểnh một chút là tai nạn có thể xảy ra...

Để ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép cùng những hiểm họa khôn lường có thể xảy ra, trong suốt thời gian vừa qua, lực lượng chức năng của những địa phương nổi tiếng về nạn “vàng tặc” như Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã tổ chức nhiều đợt ra quân nhằm truy quét, đẩy đuổi hàng ngàn đối tượng ra khỏi rừng.

Trước khi xuống núi, những phu vàng này đã lần lượt ký vào bản cam kết không tái phạm. Hy vọng rằng, họ sẽ nhớ đến lời nguyền “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” để mà biết run sợ, vĩnh viễn từ giã những bãi vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”