Đời sống

Khám phá khu rừng sến lớn nhất Đông Nam Á

Nguyễn Sự 06/05/2023 - 12:59

Với diện tích rộng gần 520 ha, nằm trải dài trên địa bàn 3 xã Hà Tân, Hà Đông và Hà Lĩnh của huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa), rừng sến Tam Quy được xem là khu bảo tồn loài sến mật duy nhất ở Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.

Trong một ngày đầu tháng 5/2023, PV Báo Công lý có dịp theo chân các cán bộ, nhân viên Trạm Bảo vệ rừng sến Tam Quy. Len lỏi trong rừng cây rậm rạp, dây leo chằng chịt, đoạn đường mấp mô, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của khu bảo tồn loài sến có diện tích lớn nhất Đông Nam Á với những cây sến tuổi đời trên 100 năm, thân to, tán lá xum xuê vươn mình giữa đại ngàn.

rung_sen_tam_quy.jpg
Rừng sến Tam Quy được xem là khu bảo tồn loài sến mật duy nhất ở Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.

Trên đường đi vào vùng lõi, ông Nguyễn Văn Chương, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng sến Tam Quy giới thiệu cho chúng tôi về đặc trưng của Khu bảo tồn. Trước đây, khu rừng chỉ rộng khoảng 350ha, nhưng đến nay, nhờ công tác bảo vệ và hạt sến phát tán nên khu rừng đã mở rộng lên gần 520ha. Đây là khu bảo tồn loài sến mật duy nhất ở nước ta.

Sến mật ở Tam Quy mọc tập trung và gần như thuần loài, điều này khiến nó trở thành cánh rừng hiếm gặp. Cây sến mật lớn nhất ở Tam Quy có tuổi đời trên 100 năm, đường kính khoảng 70cm, một người lớn ôm không xuể. Gỗ sến được xếp trong nhóm tứ thiết: đinh, lim, sến, táu.

rung_sen_tam_quy_anh1(1).jpg
Cây sến mật lớn nhất ở Tam Quy có tuổi đời trên 100 năm, với những tán lá xum xuê vươn mình giữa đại ngàn.

Ngoài sến, cánh rừng già này còn là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài thực vật khác như lim, dẻ, mây, tre, trúc, vàu,… Đây cũng là nơi trú ngụ, sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã như các loài chim, dơi, sóc, cày cáo, trăn, rắn, lợn, khỉ,…

Hàng năm, nơi đây đã đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan, du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. Du khách không chỉ được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của khu rừng, tận hưởng không khí trong lành, hòa mình vào thiên nhiên, mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của người dân địa phương.

rung_sen_tam_quy_anh2.jpg
Một cây sến bị chèn ép, trở nên còi cọc.

Những năm trở lại đây, cây lim xanh phát triển khá mạnh, khiến rừng sến mật đang phải cạnh tranh tự nhiên với nhiều loài khác để sinh trưởng, phát triển. Do chiều cao của lim khoảng 13m, của sến là 9m, sến ở tầng thấp và hoàn toàn chịu ảnh hưởng tán của lim, trong khi đặc tính sinh thái của loài sến trưởng thành là ưa sáng, không chịu bóng.

rung_sen_tam_quy_anh3.jpg
Các cán bộ, nhân viên Trạm bảo vệ rừng sến Tam Quy vẫn luôn bám rừng, thầm lặng cống hiến, cần mẫn ngày đêm giữ rừng.

Vừa đi vừa trò chuyện với chúng tôi, khi đến nơi các cây sến bị chèn ép, còi cọc, ông Chương bày tỏ trăn trở: “Hiện nay trong khu bảo tồn đang có một thực trạng diễn thế giữa lim và sến, đó là cây lim đang chèn ép, cạnh tranh không gian dinh dưỡng với cây sến. Thêm vào đó là các cây dây leo bám chằng chịt, bao trùm cả cây sến cũng đang đe dọa đến sự sống của giống cây quý hiếm này. Vì thế, việc bảo tồn và phát triển rừng sến Tam Quy đang trở thành khó khăn và thách thức đối với cơ quan chức năng nơi đây”.

Do là rừng đặc dụng, giống cây quý có tên trong sách đỏ Việt Nam nên người dân ra vào rừng Tam Quy phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, nghiêm cấm chặt phá, đốt lửa... Lực lượng kiểm lâm lập nhiều biển báo, cắm chốt ở các điểm có đường dân sinh ngang qua.

rung_sen_tam_quy_anh4.jpg
Người dân ra vào rừng Tam Quy phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, nghiêm cấm chặt phá, đốt lửa,...

Bên cạnh đó, Trạm bảo vệ rừng sến Tam Quy cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể, người dân trong công tác tuyên truyền, tuần tra bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, gian nan trong công tác bảo vệ rừng, nhưng các cán bộ, nhân viên Trạm bảo vệ rừng sến Tam Quy vẫn luôn bám rừng, thầm lặng cống hiến, cần mẫn ngày đêm gìn giữ sự bình yên cho “lá phổi xanh” của đại ngàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá khu rừng sến lớn nhất Đông Nam Á