Văn hóa - Du lịch

8 tỉnh Đông Bắc xúc tiến du lịch tại TP.HCM

Kim Sáng 08/04/2023 - 14:34

Trong quý I năm 2023, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 8 tỉnh Đông Bắc và TP.HCM đạt hơn 13 triệu lượt khách, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng.

Ngày 8/4, Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch 8 tỉnh Đông Bắc: Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh đã diễn ra tại TP.HCM. 

Ông Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND tỉnh Bắk Kạn cho biết, qua thống kê, trong quý I năm 2023, 9 tỉnh/thành phố trong chương trình liên kết thu hút hơn 13 triệu lượt khách tham quan và lưu trú du lịch (trong đó có hơn 700.000 lượt khách quốc tế), thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng.

p1830773.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bắk Kạn Nguyễn Đăng Bình đặt mục tiêu trong tương lai không xa, du lịch 8 tỉnh Đông Bắc sẽ trở thành lựa chọn và là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế

Theo ông Bình, sau 2 năm triển khai, hoạt động liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Đông Bắc với TP.HCM đã từng bước phát huy hiệu quả, các tỉnh Đông Bắc đã mở rộng thêm một lượng lớn thị trường khách đến từ các tỉnh phía Nam và ngược lại, đặc biệt là thị trường khách du lịch đến từ TP.HCM tăng mạnh so với thời gian trước.

“Hội nghị xúc tiến du lịch 8 tỉnh Đông Bắc tại TP.HCM là sự kiện thúc đẩy hoạt động liên kết phát triển các chuỗi tour, tuyến du lịch để giới thiệu, quảng bá miền đất, con người, văn hóa truyền thống và các khu, điểm du lịch tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách của 8 tỉnh vùng Đông Bắc. Tỉnh Bắc Kạn xác định đây là cơ hội lớn, là dịp để 8 tỉnh Đông Bắc bứt phá phát triển du lịch trong năm 2023 và các năm tiếp theo”, ông Bình nói.

Vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung và 8 tỉnh vùng Đông Bắc nói riêng được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh, những cảnh quan thiên nhiên khắc họa sự tráng lệ và hùng vĩ với những đỉnh núi cao, cao nguyên nổi tiếng như: Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tam Đảo (Phú Thọ), Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); nhiều vịnh, thác, hồ huyền thoại như: Vịnh Hạ Long, Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Hồ Na Hang (Tuyên Quang)…

z34707559823448b51fffb2f1650cd78576313be538c2ej-68007c405b93.jpg
Trích đoạn trong Lễ cấp sắc của người Dao Tiền xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn - Ảnh: TTXTDL Bắk Kạn

Nơi đây có di tích lịch sử Đền Hùng và nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây còn được biết đến là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, đó là Chiến khu Việt Bắc, mỗi tấc đất ở Việt Bắc đều gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ với hơn 2.000 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị du lịch đặc biệt quan trọng và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng.

Là địa bàn cư trú của gần 30 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời. Trong quá trình lao động, sản xuất, các dân tộc đều tạo ra các nét văn hóa truyền thống đặc sắc, riêng có được thể hiện thông qua kiến trúc nhà ở, ẩm thực, trang phục, sinh hoạt tín ngưỡng riêng, dân ca, dân vũ… được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đến với 8 tỉnh Đông Bắc, du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng địa phương, thưởng thức các món ăn truyền thống hay hòa mình vào những làn điệu âm nhạc dân gian, những điệu múa đặc trưng của các bản làng dân tộc thiểu số…

den-ha-giang-kham-pha-thien-duong-xam-cao-nguyen-da-dong-van-e1507107794282.jpg
Cao nguyên đá Đồng Văn (Ảnh: Sưu tầm)

Mặt khác, Đông Bắc còn có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú. Các làn điệu dân ca của cộng đồng dân tộc Đông Bắc mang tính sáng tạo, gắn kết cộng đồng, trở thành giá trị văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân.

Những giá trị này được khơi dậy, duy trì từ đời này qua đời khác, trở thành biểu tượng, dòng chảy tinh túy mang đậm chất văn hóa Đông Bắc.

Trong đó, Hát Then - một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật đều toát lên tư tưởng và giá trị nhân văn sâu sắc của đồng bào Tày, Nùng, Thái được tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với thế mạnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, 8 tỉnh Đông Bắc có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, cộng đồng, tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc… qua đó hấp dẫn, thu hút khách trong nước và quốc tế.

ban_gioc_falls.jpg
Thác Bản Giốc (Cao Bằng) - Ảnh: IT

Trong thời gian tới, 8 tỉnh Đông Bắc tập trung phát triển du lịch bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội cho nhân dân, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của chương trình liên kết hợp tác với TP.HCM.

Tại Hội nghị, tỉnh Bắc Kạn – Trưởng nhóm liên kết giai đoạn 2022 – 2023 đã tiến hành việc trao cờ luân lưu cho tỉnh Vĩnh Phúc – Trưởng nhóm liên kết giai đoạn 2023 -2024 và phối hợp với tỉnh Quảng Ninh công bố “Tuyến du lịch kết nối thành phố Cần Thơ đến các tỉnh vùng Đông Bắc qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh)”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
8 tỉnh Đông Bắc xúc tiến du lịch tại TP.HCM