Có nên suy nghĩ lại cách cộng điểm ưu tiên?

Ngô Chuyên| 03/08/2017 15:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngay sau khi các trường công bố điểm chuẩn, những con số bất ngờ xuất hiện như 30.5 điểm mới vào được ngành Ngôn ngữ Anh, Học Viện An ninh hay 29,25 vẫn trượt ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội khiến cho nhiều thí sinh, phụ huynh khóc ròng, hối tiếc.

Những con số “biết nói”  đặt ra cho ta suy nghĩ về cách cộng điểm ưu tiên như hiện nay. Phải chăng việc cộng điểm hiện nay đang thoáng cửa cho những thí sinh khu vực vùng nông thôn, miền núi và phần nào đó thu hẹp lại cửa vào trường top đối với những khu vực thành phố lớn?

Điển hình, mấy ngày qua, dư luận vẫn không ngớt bàn tàn về câu chuyện của nam sinh Nguyễn Phùng Hưng (Thạch Thất, Hà Nội) đạt 29,25 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 ngành Y Đa khoa – Đại học Y Hà Nội.

Có nên suy nghĩ lại cách cộng điểm ưu tiên?

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT: "Câu chuyện thí sinh đạt 29,25 điểm vẫn trượt ngành Y đa khoa - ĐH Y Hà Nội, trước hết là trường hợp cá biệt rất đáng tiếc". Ảnh Hải Nam.

Được biết, Hưng trượt chỉ vì không có tiêu chí điểm cộng khu vực. Hay trường hợp thí sinh ở TP.HCM, 29,35 điểm nhưng cũng không đỗ nguyện vọng 1 vào ngành Y đa khoa – Đại học Y dược TP. HCM. Nguyên nhân cũng tương tự như Hưng là không được cộng điểm ưu tiên và không đạt được tiêu chí phụ do trường đại học đưa ra.

Trước những trường hợp “cá biệt” bị trượt đại học nguyện vọng 1, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Câu chuyện thí sinh đạt 29,25 điểm vẫn trượt ngành Y đa khoa – Đại học Y Hà Nội, trước hết là trường hợp cá biệt rất đáng tiếc. Đây là thí sinh đạt điểm rất cao để có thể đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng. Em chỉ không may mắn mà thôi”.

“Còn chính sách cộng điểm ưu tiên thì đã được thực hiện nhiều năm nay. Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… thì chính sách ưu tiên là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội”, bà Phụng chia sẻ thêm.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cần có sự điều chỉnh hợp lý đối với việc cộng điểm ưu tiên. Nếu như những năm trước, 25 điểm được xem là một kết quả tươi sáng xuất sắc, thủ khoa đầu vào của rất nhiều trường top. Tuy nhiên, ngưỡng điểm 25 điểm này nhiều thí sinh dở khóc, dở cười.

Có nên suy nghĩ lại cách cộng điểm ưu tiên?

Theo nhà giáo Văn Như Cương, điểm cao do đề chưa có sự tính toán kỹ lưỡng, quá ưu ái cho mục tiêu tốt nghiệp THPT một cách không cần thiết, từ đó tạo bất cập trong mặt bằng điểm.

“Nếu cứ thi kiểu “2 trong 1” như hiện nay, các trường tốp trên vẫn sẽ tiếp tục đưa ra tiêu chí phụ, chính sách cộng điểm ưu tiên sẽ tiếp tục là một lợi thế lớn cho thí sinh vùng nông thôn. Như thế có còn công bằng cho các em thực lực nữa hay không?”, ông Cương nhấn mạnh.

Năm nay, Học viện An ninh nhân dân hiện đang đứng đầu bảng với điểm chuẩn 3 môn không nhân hệ số là 30,5 cho tổ hợp D01, nữ, ngành Ngôn ngữ Anh; Đại học Phòng cháy chữa cháy có điểm chuẩn 30,25 cho tổ hợp A00 với thí sinh nữ miền Bắc.

Học viện Kỹ thuật quân sự lấy 30 điểm cho tổ hợp A00, A01 với thí sinh nữ miền Bắc. Với điểm chuẩn ở mức này, tức là thí sinh nữ đạt điểm tuyệt đối nếu ở khu vực 3 (không được cộng điểm ưu tiên khu vực) sẽ không có cơ hội đỗ vào những ngành này.

Kỷ lục hơn, ngành Đông phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, lấy 28,5 điểm.

Trước đó, khi điểm thi THPT quốc gia 2017 được công bố, nhiều chuyên gia đã dự đoán điểm chuẩn đại học năm 2017 sẽ có xu hướng tăng từ 0,5 - 2 điểm. Nhưng thực tế, mức tăng cao hơn nhiều, có trường tăng đến 6 điểm so với năm trước. Sự khác biệt quá lớn khiến nhiều thí sinh sốc, dù chuẩn bị trước tâm lý, các em  không ngờ với mức 26-27 điểm vẫn có nguy cơ trượt đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên suy nghĩ lại cách cộng điểm ưu tiên?