Kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam/dioxin: Tiếng nói của khoa học, lương tâm và sự thật

Nam Phương| 10/08/2016 06:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, mỗi quốc gia, từng tổ chức, cá nhân “bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm, sự thật”, giành lại công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam (dioxin).

Hậu quả nặng nề của chất độc da cam

Trong 2 ngày, từ 8-9/8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về chất độc hóa học da cam/dioxin nhân Kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam/dioxin với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và hàng chục các nhà khoa học quốc tế, Việt Nam; đại sứ, trưởng đại diện các cơ quan quốc tế tại Việt Nam...

Tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả nặng nề nhất. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống miền Nam Việt Nam; làm cho môi trường, sinh thái bị hủy hoại nặng nề; khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, gần 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hàng trăm nghìn người đã chết; những nạn nhân còn sống đang phải vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo; di chứng chất độc da cam đã truyền qua thế hệ con, cháu, chắt.

Theo ước tính, mỗi người Việt Nam trung bình phải mang gần 3 lít chất độc da cam trên người, “gánh” lượng bom đạn gấp gần 10 lần trọng lượng cơ thể. Đặc biệt chất độc da cam di truyền qua nhiều thế hệ ở Việt Nam với hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba; 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ tư.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Lực - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái. Theo điều tra của Ủy ban 10-80 và một số nghiên cứu của nước ngoài, môi trường trên toàn miền Nam Việt Nam bị ô nhiễm nặng; các hệ sinh thái bị tàn phá, đảo lộn; hệ thống rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn của 28 sông chính bị phá hủy nặng nề, làm suy giảm nghiêm trọng khả năng giữ nước chống lụt; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gặm nhấm và cỏ dại phát triển.  

Tại các căn cứ trước kia quân đội Mỹ dùng làm kho chứa, pha trộn, tiêu hủy chất khai quang, nồng độ dioxin còn gấp hàng nghìn lần nồng độ cho phép. Công ty tư vấn môi trường Hetfield (Canada), tháng 9/2009, đưa ra 28 điểm nóng, trong đó có 3 điểm nặng nhất được khảo sát có số liệu tương đối đầy đủ là sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát. Các điểm còn tồn lưu cao lượng dioxin luôn là nguy cơ gây phơi nhiễm cho cư dân lân cận.

Kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam/dioxin: Tiếng nói của khoa học, lương tâm và sự thật

Toàn cảnh hội thảo

Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Viện Hàn lâm khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) đã công bố danh mục 14 bệnh, Bộ Y tế Việt Nam công bố danh mục 17 bệnh tật, dị dạng, dị tật do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin và danh mục này vẫn để mở. Đặc biệt, số nạn nhân là con, cháu và chắt người bị nhiễm trong chiến tranh ở Việt Nam có thể lên đến hàng triệu người.

 Bộ Y tế Việt Nam chuẩn bị công bố danh mục trên 200 nhóm bệnh tật, dị dạng, dị tật bẩm sinh do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, với các căn bệnh: Liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, thoát vị não, tật không có tủy sống, teo vận động mạch phổi...

 Giành lại công lý cho nạn nhân chất độc da cam

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ câu chuyện về một gia đình nạn nhân chất độc gia cam: “Những người tôi được đến thăm chỉ là một số ít trong hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam. Chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Tôi đã trực tiếp đến thăm một gia đình có cả 3 thế hệ là nạn nhân của chất độc da cam, còn có gia đình di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4”.  Phó Thủ tướng khẳng định, chiến tranh đã qua nhiều năm nhưng Việt Nam vẫn chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, chất độc da cam.

Tại hội thảo, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã công bố và trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học, tiếp tục đi sâu làm rõ hậu quả nặng nề của chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người; đánh giá và đề xuất các biện pháp khắc phục; thống nhất sử dụng số liệu và kêu gọi cộng đồng tiếp tục quan tâm giúp đỡ nạn nhân cả về vật chất và tinh thần, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tiếp tục lên án và ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học, cũng như các loại vũ khí hủy diệt khác.

Tại Hội thảo, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cho biết, với tư cách là Chủ tịch của Hiệp hội Yuai Nhật Bản và Viện Cộng đồng Đông Á, ông luôn cố gắng giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam.  Trong hai năm qua, ông đã thu xếp và trao tặng 50 xe lăn với hy vọng giúp những trẻ em là nạn nhân độc da cam.

Theo cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, việc sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản, cùng với các phương tiện khác để hỗ trợ tích cực cho việc tẩy độc dioxin tại Việt Nam sẽ là một phương tiện nhân văn tuyệt vời để có sự hợp tác có ý nghĩa giữa hai nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam luôn nhất quán và dành sự quan tâm đến các nạn nhân chiến tranh nói chung và nạn nhân da cam nói riêng. Với điều kiện còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, có nhiều chính sách cũng như huy động nguồn lực xã hội góp phần giúp các nạn nhân da cam. Hàng năm dành khoảng 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam, hỗ trợ những vùng khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc này.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng những hỗ trợ như vậy vẫn là vô cùng nhỏ và quan trọng hơn hết là việc giành lại công lý cho nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là những người Việt Nam.

Phó Thủ tướng kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, mỗi quốc gia, từng tổ chức, cá nhân “bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm, sự thật” nhằm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai không còn chiến tranh, trong đó có những cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học. Và để tất cả những nạn nhân chiến tranh, đặc biệt những nạn nhân da cam được hỗ trợ, được trả lại công bằng.                 

Bên lề hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama.

Phó Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ, nhân dân Nhật Bản, cá nhân ông Yukio Hatoyama đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và trao đổi cụ thể về một số hoạt động liên quan đến công tác khắc phục hậu quả, trợ giúp nạn nhân da cam/dioxin của Việt Nam.

Phó Thủ tướng mong muốn ông Yukio Hatoyama tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác giữa hai nước Việt Nam, Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hoạt động trợ giúp các nạn nhân chiến tranh nói chung, nạn nhân da cam nói riêng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam/dioxin: Tiếng nói của khoa học, lương tâm và sự thật