Địa phương nhận xe siêu sang, quyết liệt lập lại trật tự vỉa hè, Chính phủ nói gì?

Trọng Bằng| 02/03/2017 07:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hai sự việc thu hút dư luận những ngày qua là TP.HCM ra quân quyết liệt tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ; doanh nghiệp tặng xe ô tô đắt tiền cho Cà Mau, Đà Nẵng đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu quan điểm tại họp báo CP chiều 1/3.

Liên quan sự việc nhiều doanh nghiệp tặng xe sang trị giá hàng tỷ đồng cho các địa phương, có nên cấm địa phương nhận các món quà có giá trị lớn từ doanh nghiệp hay không, quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?  Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ: Vừa qua thông tin báo chí có phản ánh vấn đề tỉnh Cà Mau có nhận 2 xe Lexus, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng nhận 1 xe của DN tặng. Quyết định số 64 đối với việc tặng và nhận quà của cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước quy định rất rõ. Sau khi báo chí đăng về vấn đề hai địa phương nhận quà thì có nhiều quan điểm, đánh giá khác nhau. 

Về việc này Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra, làm rõ, nếu có vi phạm vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.

"Đây có thể nói là chỉ đạo rất trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ sau khi báo chí phản ánh. Sau khi có kết quả của các cơ quan chức năng thì sẽ thông báo với các cơ quan báo chí tại phiên họp báo thường kỳ tiếp theo. Tinh thần là rất minh bạch, rõ ràng", Người phát ngôn Chính phủ khẳng định.

Địa phương nhận xe siêu sang, quyết liệt lập lại trật tự vỉa hè, Chính phủ nói gì?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời PV tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1/3

Đối với những động thái quyết liệt của lãnh đạo quận 1, TP.HCM trong việc lập lại trật tự vỉa hè còn có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc làm của lãnh đạo quận 1 chưa đúng trình tự của pháp luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết:

"Vấn đề liên quan đến việc gần đây quận 1, T.PHCM tổ chức giải tỏa việc lấn lòng, lề đường thành phố, tại phiên họp Chính phủ diễn ra ngày 1/3, Thủ tướng Chính phủ cũng lên tiếng hoan nghênh và đánh giá rất cao chỉ đạo của thành phố. Cũng ngay trong sáng 1/3, Chủ tịch UBND TP.HCM trực tiếp chủ trì mời 24 quận, huyện của thành phố họp và chỉ đạo đồng loạt ra quân về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm cũng có công điện gửi Công an các tỉnh, thành phố tích cực cùng với địa phương hỗ trợ ra quân, quy định các cơ quan Công an địa phương không để lấn chiếm lòng, lề đường, không để bán hàng tại trụ sở các cơ quan tiếp dân, trụ sở các cơ quan công an.

Người dân mong muốn có hành lang, vỉa hè trả lại cho người đi bộ theo đúng nghĩa là vỉa hè. Vỉa hè này chúng ta hiểu là thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước. Việc lấn lòng, lề đường, lấn vỉa hè để bán hàng rong, để kinh doanh các dịch vụ tạo những sơ hở và không cẩn thận sẽ có lợi ích nhóm trong đó. Giải tỏa việc lấn chiếm này rất cần thiết. Việc này không phải bây giờ mới làm mà chúng ta làm nhiều năm, ngay cả TP.HCM làm quyết liệt từ năm 2011, nhưng làm xong, các lực lượng chức năng rút thì lại tái lấn chiếm. Các cơ quan báo chí hỏi vấn đề liên quan đến luật xử phạt vi phạm hành chính như thế nào thì việc này đã được các cấp chính quyền các địa phương thường xuyên ra quân, tuyên truyền, giải tỏa nhưng không thành chứ không phải bây giờ mới làm, không phải bây giờ mới áp dụng xử lý vi phạm hành chính. Vậy nếu chúng ta vẫn cứ đưa ra việc là phải lập biên bản, phải xử phạt hành chính, phải thông báo đến người cưỡng chế… thì rất đúng nhưng với tinh thần, yêu cầu cấp thiết của người dân, mong mỏi của người dân và sự tích cực của thành phố, trung tâm tài chính kinh tế của đất nước, đề nghị chúng ta ủng hộ quan điểm của thành phố.

Đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, các đồng chí lãnh đạo của quận xuống trực tiếp từng tuyến đường, cùng với các lực lượng chức năng, tôi cho đây là động thái rất tích cực có lẽ từ trước đến nay không có. Đây là việc cần làm, đây là sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cả lãnh đạo cấp ủy quận, cả lãnh đạo Thành phố. Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đều quyết liệt tập trung giải quyết vấn đề này. Nếu trong phạm vi tuyến đường, tuyến phố, địa giới hành chính anh không làm được anh sẽ phải kiểm điểm trước lãnh đạo thành phố".

"Tôi cho đây là động thái hết sức quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong đó có sự tham gia tích cực của lực lượng chức năng cùng vào cuộc và công tác vận động tuyên truyền người dân. Không phải bây giờ mới làm mà làm thường xuyên, làm lâu rồi nhưng nếu chúng ta không có động thái mạnh, không có biện pháp cứng rắn thì vấn đề tái lấn chiếm là việc thường xuyên. Và sau khi có việc làm tích cực của TP.HCM, tôi được biết Long An cũng đang quyết liệt vấn đề này, các thành phố, các địa phương cũng ra quân để lấy lại những gì đẹp nhất, lòng lề đường không bị lấn chiếm, không bị tái lấn chiếm, giữ vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm trật tự đô thị. Đây là việc làm mà các cơ quan báo chí cần ủng hộ các địa phương trong, đó có TP.HCM", Người phát ngôn Chính phủ nhìn nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Địa phương nhận xe siêu sang, quyết liệt lập lại trật tự vỉa hè, Chính phủ nói gì?