Công ty Trung Quốc bị Mỹ phạt hơn 1 tỷ USD vì làm ăn với Triều Tiên

Hà Kim| 09/03/2017 08:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính phủ Mỹ ngày 8/3 đã quyết định mức phạt kỷ lục 1 tỉ USD đối với Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc, do vi phạm các điều khoản của Mỹ về hạn chế buôn bán hàng hóa với Iran và Triều Tiên.

Khoản tiền phạt kỷ lục hơn 1 tỷ USD đối với Công ty ZTE của Trung Quốc được xem là thông điệp cứng rắn của Mỹ đối với các công ty của Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên, bất chấp lệnh cấm của Liên hợp quốc. Đây cũng được xem là khoản tiền phạt lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ liên quan đến các vi phạm về cấm vận và kiểm soát xuất khẩu.

ZTE thực ra chỉ là một trong số nhiều công ty của Trung Quốc đã “lọt vào tầm ngắm” của chính quyền Mỹ trong việc lén lút làm ăn với Triều Tiên bất chấp lệnh cấm vận của Liên hợp quốc cũng như các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm cả Mỹ.

Trước đó vào năm 2012, Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra nhằm vào ZTE sau khi hãng tin Reuters công bố báo cáo về việc tập đoàn này đã ký kết nhiều hợp đồng trị giá hàng triệu USD để bán phần cứng và phần mềm do các công ty công nghệ nổi tiếng nhất của Mỹ chế tạo cho nhà mạng viễn thông lớn nhất ở Iran.

Công ty Trung Quốc bị Mỹ phạt hơn 1 tỷ USD vì làm ăn với Triều Tiên

Chính phủ Mỹ ngày 8/3 đã quyết định mức phạt kỷ lục 1 tỉ USD đối với Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng của Mỹ còn phát hiện ZTE còn làm ăn với Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ cũng như Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Giới chức Mỹ xác định được, ZTE đã chuyển 283 lô hàng thiết bị nhạy cảm, gồm bộ định tuyến, bộ vi xử lý và máy chủ đến Triều Tiên, vi phạm các quy định về xuất khẩu của Washington.

Chính vì thế, Chính phủ Mỹ quyết định trừng phạt bằng cách buộc ZTE sẽ phải trả khoản tiền 892 triệu USD, cùng với đó là mức phạt 300 triệu USD được treo trong 7 năm nếu công ty công nghệ cao này của Trung Quốc không tuân thủ quyết định của phía Mỹ.

Được biết, từ khi Triều Tiên lần đầu tiên thử hạt nhân vào năm 2006 và các vụ thử hạt nhân, tên lửa liên tiếp đến nay, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã quyết định áp đặt 6 lệnh trừng phạt nhằm buộc Bình Nhưỡng dừng các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.

Tuy nhiên, tất cả các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc cũng như của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU... đều không hiệu quả trong việc ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Triều Tiên vẫn đang “gồng mình” chống lại các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế, đồng thời cố “luồn lách” để làm ăn với thế giới, đặc biệt là với các đối tác ở quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Và sau rất nhiều lần kêu gọi ở cấp cao về việc Trung Quốc chấp hành các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Bắc Kinh là một thành viên thường trực, Mỹ hồi tháng 12 vừa qua đã cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt các công ty và ngân hàng Trung Quốc làm ăn trái phép với Triều Tiên nếu Bắc Kinh không thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Trước áp lực quốc tế, Trung Quốc tháng 2 vừa qua cũng lần đầu tiên có biện pháp khá mạnh nhằm tuân thủ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc là ngừng nhập than đá từ Triều Tiên trong năm 2017, một biện pháp trừng phạt có thể khiến nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên thất thu khoảng 800 triệu USD/năm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty Trung Quốc bị Mỹ phạt hơn 1 tỷ USD vì làm ăn với Triều Tiên