Báo chí đừng làm hỏng tiếng Việt!

Bảo Dân| 11/11/2016 15:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng đều có kiểu cách dùng từ ngữ tuy khác nhau về phong cách nhưng giống nhau ở chỗ tùy tiện, cẩu thả trong cách dùng từ ngữ, thiếu cân nhắc nhằm giật gân, câu khách.

Lần đầu tiên, trong một cuộc hội thảo khoa học về "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Ngôn ngữ học, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã lạnh lùng phân tích “tội”  của báo đài làm phương hại đến sự trong sáng của tiếng Việt. Kể cũng đúng thôi, sách thì có mấy người đọc? Dân trên 90 triệu, sách in có ngàn bản trong khi người nghe đài, xem đài, đọc báo là cả chục triệu người sẽ là nạn nhân của viết sai, nói sai, đọc sai.

Thảo luận tại hội thảo, không chỉ các nhà nghiên cứu mà chính các nhà báo đã chỉ ra những lệch chuẩn trong sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trên báo đài,  đồng thời cũng đề xuất về sự cần thiết và cấp bách phải xây dựng Luật ngôn ngữ để bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Báo chí bằng tiếng Việt Nam ra đời từ năm 1865 đến nay đã hơn 150 năm và báo chí cách mạng Việt Nam cũng hơn 80 năm, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một đạo luật riêng để điều chỉnh việc sử dụng chữ nghĩa trên báo chí là quá muộn.

Nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí được dư luận quan tâm, lo lắng vì lệch chuẩn. Trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng đều có kiểu cách dùng từ ngữ tuy khác nhau về phong cách nhưng giống nhau ở chỗ tùy tiện, cẩu thả trong cách dùng từ ngữ, ví von, so sánh, chơi chữ, bịa chữ… thiếu cân nhắc, sai nội dung nhằm giật gân câu khách. Báo chí luôn hô hào cổ súy đổi mới nhưng trong ngôn ngữ báo chí lại thiếu sự đổi mới hoặc đổi mới thái quá trong thể hiện văn phong báo chí.

Đáng chú ý là việc lạm dụng tiếng nước ngoài đồng thời với việc tùy tiện trong phiên âm, chuyển ngữ hay để nguyên dạng, dịch nghĩa. Với các phương tiện nghe -nhìn tâm lý chuộng ngoại, sính ngôn ngữ lạ khá phổ biến. Người nghe không hiểu trên đài họ sử dụng ngôn ngữ nào bởi tiếng gì cũng bị ép thành tiếng Anh. Cách nói cách đọc của phát thanh viên, cách nói của MC thiếu chuẩn mực cần thiết. Không ít cơ quan truyền thông không chịu  cầu thị, không tiếp thu phê bình, về sử dụng tiếng Việt hiện đại trong báo chí.

Theo một khảo sát của các chuyên gia ngôn ngữ, trong khoảng 130 bài báo các loại được tập hợp theo sự đa dạng về nội dung, thể loại thì có tới 61 bài có lỗi chính tả ngữ pháp, chiếm gần 50%. Trong đó có 4 lỗi thuộc phạm vi văn bản (đặt tiêu đề chưa phù hợp nội dung, lỗi phân đoạn, lỗi dùng phép liên kết câu…) và 93 lỗi thuộc phạm vi câu chữ, tổng cộng là 97 lỗi. Như vậy, lỗi dùng tiếng Việt trên báo đã phổ biến đến mức báo động về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đúng là báo động thật!

Nhà sử học, nhà báo Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội Khóa 14 cho rằng nhu cầu về một bộ luật ngôn ngữ của nước ta được đề cập từ lâu rồi. Có vấn đề đang đặt ra là ta gần như không kiểm soát được ngôn ngữ hiện đại. Cho nên nhu cầu về Luật Ngôn ngữ rất cần thiết. Theo vị ĐBQH này thì Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cần vào cuộc  đưa ra  chương trình làm luật.

Nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đồng tình với việc phải làm Luật Ngôn ngữ. Trên thế giới, nhiều nước đã có luật ngôn ngữ kể cả những quốc gia có đặc trưng lịch sử không đơn giản như Mỹ, Ấn Độ .

Hy vọng thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tính đến việc xây dựng Luật Ngôn ngữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí đừng làm hỏng tiếng Việt!