Bộ luật TTHS 2015: Thể hiện rõ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp

Phương Nam| 04/08/2016 11:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân là tư tưởng xuyên suốt trong Hiến pháp năm 2013. Thấu suốt tinh thần của Hiến pháp, BLTTHS năm 2015 đã cụ thể hóa thành những quy định, yêu cầu cụ thể đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm

Để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự, BLTTHS năm 2015 đưa vấn đề tranh tụng trong xét xử thành một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng, giữ vai trò chi phối và định hướng cho toàn bộ hoạt động và hành vi tố tụng của tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án hình sự, phù hợp với chức năng tố tụng của các chủ thể. Nguyên tắc này khẳng định quyền bình đẳng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu đồ vật, yêu cầu và tranh luận trước Tòa án; quy định rõ mọi chứng cứ tình tiết của vụ án đều phải được trình bày, tranh luận làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án được ban hành phải căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng và những chứng cứ đã được kiểm tra đánh giá tại phiên tòa… Trên cơ sở bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, BLTTHS năm 2015 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa nguyên tắc này, bảo đảm nguyên tắc này được thực hiện trong thực tế.

Bộ luật TTHS 2015: Thể hiện rõ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp

Ảnh: Một phiên tòa hình sự

BLTTHS 2015 quy định đầy đủ các cơ chế để người bị buộc tội thực hiện tốt quyền Hiến định “tự bào chữa” và “nhờ người khác bào chữa”. Bộ luật có những thay đổi quan trọng về quyền bào chữa, như mở rộng diện chủ thể được hưởng quyền bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; mở rộng chủ thể bào chữa; bỏ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa chuyển sang thủ tục đăng ký bào chữa. Theo đó người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp cũng được tự mình bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Có một chủ thể người bào chữa mới đó là “người đại diện của người bị buộc tội”. Bộ luật này cũng đã quy định rõ ràng văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng. Thêm vào đó là việc mở rộng các quyền của người bào chữa, các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa. Có thể nói BLTTHS 2015 đã thể hiện rõ hơn về quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Bổ sung những quy định đảm bảo quyền con người

BLTTHS 2015 quy định mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự phải được quy định trong BLTTHS. Quy định từng biện pháp cưỡng chế tố tụng phải bị điều chỉnh chặt chẽ bởi 5 yếu tố: Căn cứ; thẩm quyền; trình tự; thủ tục; thời hạn.

Bộ luật bổ sung các quyền và cơ chế bảo đảm quyền của những người tham gia tố tụng một cách chặt chẽ, khả thi, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là cơ chế để bảo đảm cho người bị buộc tội nắm được các chứng cứ buộc tội nhằm thực hiện tốt việc tranh tụng.

Bên cạnh đó, bổ sung và quy định đầy đủ nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội; chừng nào chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội vẫn chưa bị coi là người phạm tội, nghiêm cấm các cơ quan tố tụng đối xử với họ như người phạm tội; trường hợp đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cần thiết mà vẫn không đủ căn cứ để chứng minh tội phạm thì phải kết luận họ không có tội. Bộ luật cũng quy định rút ngắn hợp lý thời hạn tạm giam để bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân; buộc các cơ quan tố tụng phải tính toán kỹ thời điểm bắt giam, đồng thời tổ chức lực lượng để khẩn trương kết thúc vụ án.

Bộ luật đã bổ sung và quy định cụ thể các thiết chế bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại để họ an tâm hợp tác với các cơ quan tố tụng phát hiện tội phạm. Sửa đổi, bổ sung các thủ tục tố tụng nhằm bảo đảm nguyên tắc “vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên”, phù hợp với chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Đảng, Nhà nước ta và các chuẩn mực quốc tế; việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên chỉ tiến hành trong trường hợp cần thiết, với mục đích chủ yếu là giáo dục, giúp đỡ các em sớm nhận ra sai lầm để tích cực sửa chữa, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, trở thành công dân có ích cho đất nước.

BLTTHS năm 2015 bổ sung các quy định nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời quy định nghiêm khắc các chế  tài áp dụng nếu cơ quan tố tụng vi phạm quy định của luật.  Trong BLTTHS năm 2015 có một số điểm mới mang tính nhân đạo như giảm số lượng điều luật không áp dụng hình phạt tử hình. Cụ thể là không áp dụng hình phạt tử hình đối với người trên 75 tuổi nếu đối tượng đó phạm tội vào điều luật quy định phải tử hình, trường hợp bị kết án tử hình nhưng khi thi hành án đã ngoài 75 tuổi thì cũng không phải áp dụng hình phạt tử hình; những người phạm tội tham ô, nhận hối lộ sau khi bị kết án tử hình nếu tự nguyện nộp ít nhất ¾ tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không phải áp dụng hình phạt tử hình…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật TTHS 2015: Thể hiện rõ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp