60 năm qua, cán bộ và Nhân dân Làng 19-5 luôn vững niềm tin son sắt theo Đảng, sống xứng đáng với tên làng do các bậc tiền nhân đã chọn ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu.
Làng vinh dự mang tên ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu
Những ngày tháng 5 ở Quảng Bình nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về thôn 19-5 (thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) khi người dân nơi đây đã hoàn tất công việc cuối cùng để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập làng 19-5 (1964-2024), cũng là dịp cả nước kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Quảng Đông: Những năm đầu thập niên 60, xã Cảnh Dương đất hẹp, người đông, cuộc sống của nhiều gia đình khó khăn do thiếu đất sản xuất để phát triển kinh tế. Trước tình cảnh đó, Đảng bộ xã Cảnh Dương đã quyết định cho thành lập 2 đội thanh niên xung kích đi khai hoang vùng đất mới.
Giữa vùng đất mới hoang vắng không bóng người, hai đội xung kích dựng lán trại rồi khai hoang, phục hóa trên 40ha đất để trồng khoai, sắn, mía, ngô, các sản phẩm thu hoạch được đem về nhập cho Tổng xã.
Đến năm 1963, theo chủ trương di dân lập vùng kinh tế mới, Đảng bộ xã Cảnh Dương vận động 7 hộ với khoảng 35 nhân khẩu, do đảng viên Phạm Đình Kế tiên phong phụ trách đi lập làng mới. Một năm sau, Nhân dân xã Quảng Tùng cũng tự nguyện gia nhập thành 20 hộ. Thể theo nguyện vọng của Nhân dân thời điểm đó, làng mới chính thức được đặt tên Làng 19-5. Đến tháng 10/1966, do chia tách địa giới hành chính, làng được sáp nhập về xã Quảng Đông.
Ông Lê Huy Hoàng (69 tuổi) nguyên Chủ nhiệm HTX 19-5, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông, cho biết: “Ông là người biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Đông giai đoạn 1930-2000. Tuy nhiên, hiện không có tài liệu lịch sử nào ghi lại ai là người đề xướng đặt tên Làng 19-5, nhưng tôi chắc chắn tên làng là ý nguyện của cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Cảnh Dương thời điểm đó”.
Bám đất, giữ làng, một lòng theo Đảng
Năm 1964, khi Mỹ chính thức dùng không quân, hải quân đánh phá các mục tiêu quân sự và kinh tế mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Thời điểm này, từng tốp máy bay Mỹ đánh phá dọc ven biển rất các liệt, dân Làng 19-5 lúc này cuộc sống bị đảo lộn, sản xuất bị đình trệ, cực kì khó khăn. Tuy nhiên, người dân vẫn quyết bám đất, giữ làng, một lòng theo Đảng.
Đến năm 1970, Làng 19-5 đã có trên 60 hộ dân với 270 nhân khẩu. Đây cũng là thời kỳ HTX đã chuyển qua sản xuất vôi hóa phục vụ cho nông nghiệp và HTX chuyển qua chế độ bao cấp. Toàn bộ lao động được cấp gạo hàng tháng theo chế độ quy định của nhà nước.
Sau hiệp định Paris năm 1973, Mỹ ký hiệp định ngừng bắn miền Bắc, dân số Làng 19-5 càng ngày tăng nhanh. Thể hiện nơi đất lành chim đậu, nhiều người ở khắp nơi lần lượt tìm về sinh sống và xây dựng làng cho đến ngày ngày nay.
Sức sống mới ở ngôi làng mang tên ngày sinh của Bác Hồ
Sau thời kỳ đất nước thống nhất năm 1975, cùng với sự đổi mới và hội nhập của xu thế thời đại, ngày 19/5/1995, làng chính thức được đổi thành Thôn 19-5 cho đến ngày nay. Từ một làng nhỏ ven biển, đất đai khô cằn hoang sơ, nay Thôn 19-5 có trên 327 hộ, gần 1.040 nhân khẩu với cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống của người dân thay đổi từng ngày.
Ông Nguyễn Thanh Đông, Trưởng Thôn 19-5, cho biết: Phát huy thế mạnh của địa phương, bà con Nhân dân trong thôn đã mở rộng phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, trong đó chú trọng phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, xuất khẩu lao động và các ngành nghề nông thôn. Đến nay, toàn thôn đã có trên 100 mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Ngoài ra, nhiều hộ trong thôn cũng đầu tư nuôi ốc hương, cá bớp, cá mú… trên vịnh Hòn La, mang lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
“Minh chứng rõ nhất là từ tháng 5/2023 đến nay, tổng thu nhập trên các lĩnh vực kinh tế của thôn đạt trên 52 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 58 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân của huyện gần 13 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 4.3%, các phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu luôn được Nhân dân tích cực hưởng ứng, riêng quỹ đóng góp dịp lễ kỷ niệm 60 năm thành lập làng đã hơn 100 triệu đồng”, ông Đông nói.
Hướng đến thôn NTM kiểu mẫu
“Được sinh ra và lớn lên ở ngôi làng mang tên ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, qua những câu chuyện cảm động về Người, các thế hệ người dân Thôn 19-5 luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng quê hương, giàu đẹp văn minh. Theo đó, giai đoạn 2023-2024, chúng tôi đã huy động hơn 3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung hoàn thiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu để sớm được cấp trên công nhận trong quý III/2024 theo lộ trình đã đề ra”, ông Nguyễn Thanh Đông, Trưởng Thôn 19-5 kỳ vọng.
Những năm gần đây, ngoài khai thác và nuôi trồng hải sản, người dân cũng tận dụng lợi thế nằm trong Khu kinh tế Hòn La nên đã mạnh dạn đầu tư buôn bán, làm dịch vụ. Cùng với đó, nhiều người cũng tìm hướng đi mới từ xuất khẩu lao động, mỗi năm gửi về một nguồn ngoại tệ không nhỏ. Nhờ thế, nhiều hộ trong Thôn 19-5 đã có nhà cao tầng khang trang, đời sống người dân sung túc hẳn lên.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông thông tin thêm: Trong cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, Nhân dân Thôn 19-5 luôn là một trong những thôn gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, xã hội, hiện xã đang chọn Thôn 19-5 làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu để nhân rộng trong toàn xã.
Ông Đậu Văn Kế (72 tuổi), 1 trong 7 hộ đầu tiên ra thành lập làng nói: Đến bây giờ cuộc sống của người dân trong thôn đã thay đổi vượt bậc, nhưng điều đặc biệt nhất cứ đến ngày sinh nhật Bác Hồ, người dân trong Thôn 19-5 lại rộn ràng cùng nhau tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để tạo không khí đoàn kết, vui vẻ, và những câu chuyện lịch sử, về truyền thống được thế hệ trước kể cho thế hệ sau nghe cứ vang vọng mãi tên Làng 19-5 mà cha ông đã chọn.
“60 năm qua, cán bộ và Nhân dân Thôn 19-5 luôn tự hào được mang tên ngày sinh của Bác, không ai bảo ai, chúng tôi tự nhủ với con cháu phải sống xứng đáng với tên làng, với Bác Hồ kính yêu, đặc biệt là Nhân dân luôn vững niềm tin son sắt một lòng theo Đảng”, ông Đậu Văn Kế, Chủ tịch Hội NCT xã Quảng Đông say sưa kể về làng và không giấu nổi tự hào.