Đứng chân trên dải đất Nam Tây Nguyên, với chiều dài 500km đường biên giới từ huyện Easúp tỉnh Đắk Lắk đến huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước, đi qua địa bàn 24 xã, trong đó có 11 xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay Binh đoàn 16 hình thành nên những vùng dự án Kinh tế-quốc phòng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động, xây dựng nên những cột mốc sống, giữ vững bình yên “phên dậu” của Tổ quốc.
Điểm tựa vùng biên
Dọc tuyến biên giới vùng dự án của Binh đoàn có hơn 40 dân tộc sinh sống, trong đó phần lớn là đồng bào M’Nông, Châu Mạ, Mường, HMông, S’tiêng, Khmer, Ê Đê... những năm qua, bên cạnh thuận lợi và khó khăn đan xen, cùng với địa bàn phức tạp, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” đẩy mạnh hoạt động chống phá với âm mưu, thủ đoạn ngày càng thâm độc và tinh vi; các tệ nạn buôn lậu, vượt biên, truyền đạo trái phép, khiếu kiện đông người, vượt cấp, tranh chấp đất đai... đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện công tác tham gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn đứng chân.
Nhưng với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, Binh đoàn đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác dân vận, phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, gắn với các cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Mặt khác, Binh đoàn cũng tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, góp phần củng cố, tăng cường “thế trận lòng dân” vững chắc, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa bàn, được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đánh giá cao nhất là trên tuyến biên giới chiến lược trọng yếu Việt Nam- Campuchia.
Từ những dải đất hoang sơ, không một bóng người của hơn 25 năm về trước, nay đã phủ một màu xanh của những đồi cao su, cà phê... bạt ngàn, những ngôi nhà xây kiên cố, vững chãi làm đổi mới tạo nên một dải biên cương bình yên và phát triển. Nhiều năm qua, Binh đoàn đã phối hợp với địa phương bố trí sắp xếp lao động, tạo công ăn việc làm cho cho hơn 5.000 hộ với gần 25.000 nhân khẩu trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 1.787 hộ/3.500 nhân khẩu, thành lập 03 đơn vị hành chính cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Hình thành các cụm, điểm dân cư làm nòng cốt góp phần quan trọng xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, đầu tư, xây dựng nhiều trường mầm non; xây mới và hỗ trợ xây dựng lưới điện; đường giao thông; hồ, đập, trạm bơm; công trình nước sạch... Tham gia cùng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn ngăn chặn các đối tượng vượt biên trái phép sang Campuchia, các hiện tượng vi phạm quy chế biên giới, giải quyết các vụ việc phức tạp, không để xảy ra “điểm nóng”… Mặt khác, Binh đoàn còn đẩy mạnh công tác kết nghĩa giữa đơn vị và địa phương nơi đơn vị đóng quân; kết nghĩa giữa các hộ công nhân người Kinh với các hộ đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số, nhằm góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tuyến biên giới 3 tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk.
Chăm lo những cột mốc sống
Ngay từ những ngày đầu sơ khai, binh đoàn đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, bám sát địa bàn, gắn bó mật thiết với người dân địa phương để giúp bà con định cư, định canh, xây dựng quê hương mới. Với chủ trương phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc vùng biên, giúp dân “an cư lạc nghiệp”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chủ động tìm đến với đồng bào, nhất là đồng bào thuộc diện di cư tự do để vận động bà con về chỗ ở mới. Cùng bộ đội làm nhà, trồng lúa, trồng và bảo vệ rừng. Năm 2002, Trung đoàn 720 đã vận động, đưa 312 hộ người Mông di cư tự do về khu dự án kinh tế quốc phòng Đắc Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông xây dựng cuộc sống mới.
Trung đoàn 717 đưa 11 hộ đồng bào S'Tiêng ở khu đập thủy điện Cần Đơn về khu vực Đội 3; đưa 24 hộ đồng bào S'Tiêng nghèo ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp tỉnh Bình Phước về sinh sống trong những căn nhà tình thương thuộc khu vực Đội 8, tại dốc Lồ Ô của đơn vị. Đến nay, tất cả hộ đồng bào đã có nhà ở ổn định, có vườn rẫy và có việc làm, thu nhập ổn định trở thành những cột mốc sống, giữ vững vùng biên cương trọng yếu của Tổ quốc.
Năm 2014, tại xã Ea Kiết huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vì mâu thuẫn vợ chồng, anh Sùng A Lư đã tự tử, bỏ lại 5 đứa con thơ dại, gồm: Sùng Thị Dinh, Sùng A Giàng, Sùng Thị Dua, Sùng Thị Sùng, Sùng Thị Nu, cháu nhỏ lên 8 còn cháu lớn chưa tròn 14 tuổi. Sau khi nắm được hoàn cảnh của các cháu, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn quyết định nhận nuôi dưỡng và chỉ đạo Trung đoàn 720 xây dựng căn nhà cấp 4, diện tích 110m2 tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), trị giá hơn 400.000đ đồng để đón các cháu về ở. Trung đoàn 720 đã chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho cả 5 cháu yên tâm học tập, sinh hoạt giữa cộng đồng bản làng người Mông tới lúc trưởng thành. Từ sau 18 tuổi, cháu nào có nguyện vọng sẽ được tiếp nhận làm công nhân tại các đơn vị của Binh đoàn.
Trên bản Giang Châu, xã Đắk Ngo, Tuy Đức, Đắk Nông, từ mờ sáng người ta luôn thấy hình ảnh quen thuộc Trung tá Phạm Nam Huân của Trung đoàn 720, Binh đoàn 16, người được giao nhiệm vụ trở thành “bảo mẫu” chăm sóc các cháu vẫn lóc cóc trên chiếc xe máy cũ chở từng bó rau, miếng thịt, thùng mì tôm, chai nước mắm mang đến hướng dẫn 5 cháu mồ côi nấu ăn sáng, sinh hoạt, học tập. Chăm sóc ổn định cuộc sống, lo xong cho 5 cháu, anh mới trở về nhà chăm sóc vợ con thì cũng là lúc bản đã lên đèn.
Cứ thế đã 10 năm trôi qua, cô chị lớn đã đi lấy chồng và làm giáo viên mầm non cho đơn vị, em kế trở thành sinh viên năm nhất khoa toán của Trường Đại học Tây Nguyên, vẫn còn đó 3 cháu tuổi còn ăn, học và vẫn còn đó hình ảnh người lính “bảo mẫu” ngày đêm chăm lo cho 3 đứa “con” của mình. Những tưởng cuộc sống khó khăn sẽ làm lung lay ý chí của người lính, nhưng không, đã ngần ấy năm 5 đứa trẻ mất đi cha mẹ, là ngần ấy năm Trung tá Phạm Nam Huân vừa là người cha, vừa là mẹ chăm sóc các cháu chu đáo, trưởng thành cho “5 con” nuôi, những cột mốc sống tràn đầy năng lượng.
Không chỉ là những hộ đồng bào, cháu nhỏ, mà tất cả nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vùng dự án của Binh đoàn đều được quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ. Từ nhiều phong trào, Binh đoàn đã cụ thể hóa thành những hoạt động thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ trọng yếu vừa đảm đảm bảo công tác an sinh xã hội vừa góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn chiến lược Nam Tây Nguyên- Bình Phước. Những năm qua, công tác chăm lo, hỗ trợ vốn, con giống, vật nuôi, cây trồng và kinh phí “xây dựng đồng đội”, “nhà đại đoàn kết”, “mái ấm công đoàn, nghĩa tình đồng đội”... đã được Binh đoàn thực hiện hiệu quả, thiết thực, giúp bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới từng bước tháo gỡ khó khăn, vươn lên làm giàu.
Đặc biệt, nhiều căn “nhà đại đoàn kết” đã đến được với những gia đình người dân, đồng bào thật sự khó khăn và cấp thiết. Có những gia đình hộ nghèo trên địa bàn hơn nửa đời người sống trong ngôi nhà dột nát, sập xệ… đã được thực hiện hóa ước mơ, có được căn nhà mới khang trang, che nắng, che mưa, ổn định cuộc sống nhờ số tiền kinh phí hỗ trợ xây dựng từ “Qũy Vì người nghèo” của Binh đoàn, Bộ Quốc phòng
Anh Điểu Nuy ở Quảng Trực, Tuy Đức, Đắk Nông cười rạng rỡ, cho biết “gia đình chúng tôi rất vui khi được tin mình được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, cứ tưởng cả đời này chúng tôi sẽ không bao giờ có được căn nhà mới để ở. Giờ được hỗ trợ, gia đình chúng tôi có chỗ che nắng, che mưa ổn định, không lo mưa dột, gió lùa. Tôi cảm ơn bộ đội Binh đoàn 16 và sẽ cố gắng lao động để thoát nghèo...”
Ngoài ra, Binh đoàn còn nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; nuôi dưỡng và hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn thuộc dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, trao tặng dê, trâu, bò giống theo Chương trình Mục tiêu quốc gia cho người lao động và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Hỗ trợ xây dựng Nhà nghĩa tình quân dân nơi biên giới; Xây tặng, sửa chữa trường học; Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và khu di tích lịch sử...cho nhân dân trong và ngoài vùng dự án.
Thường xuyên thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho hàng ngàn lượt người, tặng trang thiết bị y tế cho các địa phương, tổ chức các chương “Tết vì người nghèo”, “Xuân Biên cương - Tết ấm tình quân dân”... Hỗ trợ, trao tặng những phần quà ý nghĩa đến những hộ đồng bào, nhân dân có hoàn cảnh khó khăn... góp phần xây dựng cuộc sống bình yên, kinh tế-xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới.
Thượng tá Trịnh Phạm Hòa, Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn nhấn mạnh: Ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch và hướng dẫn của các cấp về công tác quân sự, quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội; làm tốt công tác sắp xếp, tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng tinh, gọn, mạnh; Binh đoàn 16 sẽ tiếp tục gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh dọc tuyến biên giới, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định dân cư, nâng cao đời sống người lao động trong vùng dự án; góp phần xây dựng "thế trận lòng dân", tạo nên “phên dậu xanh” yên bình, no ấm trên địa bàn biên cương chiến lược.