Kinh tế

Phát triển kinh tế đồi rừng góp phần vào công cuộc giảm nghèo tại huyện biên giới Bảo Lạc

Nguyễn Liên - Quang Huy 05/07/2024 - 22:04

Tận dụng, khai thác hiệu quả lợi thế địa hình đồi núi, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) đã xác định phát triển kinh tế đồi rừng là giải pháp giảm nghèo và hướng tới làm giàu bền vững cho người dân.

Huyện Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng với diện tích tự nhiên hơn 92.000ha, trong đó, hơn 82.000ha là đất lâm nghiệp.

Thời gian qua, để thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế đồi rừng, huyện Bảo Lạc đã chú trọng mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao (trúc sào, hồi, quế...). Cùng với đó, chú trọng phát triển một số loại cây ăn quả đặc sản, đặc hữu của địa phương như lê vàng, mận máu...

cb2.jpg
Toàn huyện Bảo Lạc hiện nay có hơn 2.173ha trúc sào, đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giai đoạn 2021 - 2023, huyện Bảo Lạc đã trồng mới 320ha trúc sào, nâng diện tích trúc sào toàn huyện lên trên 2.173ha với khoảng 1.311ha đang cho khai thác ổn định theo hướng sản xuất. Cho thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng/ha.

Xã Huy Giáp hiện nay là vùng trồng trúc sào lớn nhất huyện Bảo Lạc. Xã có 9 xóm với hơn 740 hộ dân, trong đó, 70% là đồng bào dân tộc Dao. Đến nay, xã đã có trên 1.000ha trúc sào với hơn 700ha cho khai thác.

Chủ tịch UBND xã Huy Giáp, Lương Văn Chiến cho biết: Xác định phát triển kinh tế đồi rừng, đặc biệt cây trúc sào là cây trồng thế mạnh, góp phần giảm nghèo tại địa phương, thời gian qua, xã lồng ghép các nguồn vốn chương trình, dự án trên địa bàn hỗ trợ người dân mua giống mở rộng diện tích trúc sào. Phối hợp với phòng chức năng của huyện mở các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng đất đồi núi, bỏ hoang và chuyển đổi diện tích trồng ngô cho năng suất thấp sang trồng trúc sào. Do đó, diện tích trúc sào của xã hàng năm đều tăng. Nhiều hộ dân tại xã đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

cb1.jpeg
Người dân xóm Khuổi Xá, xã Cốc Pàng thu hoạch lá hồi để chưng cất tinh dầu. (Ảnh: Ngọc Minh)

Bên cạnh cây trúc sào, huyện Bảo Lạc cũng đã quy hoạch và đẩy mạnh phát triển các vùng trồng hồi, quế tại một số xã: Cốc Pàng, Thượng Hà, Hưng Thịnh, Cô Ba, Bảo Toàn...

Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện trồng mới gần 886ha cây hồi, nâng diện tích cây hồi toàn huyện lên 2.600ha. Với việc tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập từ việc chưng cất tinh dầu hồi của người dân địa phương bình quân đạt từ 60 - 120 triệu đồng/ha.

Đối với cây quế, đến cuối năm 2023, huyện Bảo Lạc có khoảng 783ha quế với hơn 250ha đã đến tuổi khai thác.

le_02.jpg
Lê vàng Xuân Trường là loại cây ăn quả nổi tiếng của huyện Bảo Lạc.

Ngoài ra, huyện Bảo Lạc cũng chú trọng phát triển một số loại cây ăn quả đặc sản, đặc hữu của địa phương như lê vàng, mận máu... Đến nay, toàn huyện có 118ha lê vàng, 159ha mận máu.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Để phát triển kinh tế đồi rừng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới, huyện tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả diện tích đất đồi rừng; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế rừng; tiếp tục nhân rộng những mô hình kinh tế đồi rừng có hiệu quả, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích kinh tế đồi, rừng và khuyến khích người dân đưa những giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi giá trị, hỗ trợ đầu tư mô hình sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, thực hiện hiệu quả hỗ trợ từ các chương trình, dự án để phát triển lâm nghiệp góp phần ổn định cuộc sống, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập, tiến tới làm giàu trên đất đồi rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế đồi rừng góp phần vào công cuộc giảm nghèo tại huyện biên giới Bảo Lạc