Xúc động hình ảnh những “chiến sỹ” tuyến đầu chống dịch cắt tóc cho nhau

Đức Chung| 29/06/2021 06:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để tiện cho quá trình làm việc, những “chiến sỹ” tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 ở Trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã cắt tóc cho nhau, khi chuẩn bị bước vào cuộc chiến mới.

Vừa qua, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh những chị em phụ nữ ở Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên phải “hy sinh” mái tóc dài của mình để lên đường làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, khiến nhiều người xúc động. 

Hầu hết mọi người đều bày tỏ sự tôn trọng và lời cảm ơn dành cho đội ngũ y bác sĩ ở Trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên nói riêng và những y bác sỹ trên cả nước nói chung.

Nhận mệnh lệnh từ cấp trên, chuẩn bị tăng cường cho Bệnh viện dã chiến số 1 ở huyện Hưng Nguyên đi vào hoạt động, để điều trị bệnh nhân Covid-19, sáng 24/6, chị Lưu Thị Thỏa – nhân viên Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên đã nhờ đồng nghiệp cắt đi mái tóc dài của mình, dù trong lòng chị phần nhiều còn nuối tiếc. 

1.jpg
Chị Lưu Thị Thỏa cắt gọn mái tóc dài của mình để chuẩn bị bước vào cuộc chiến mới

Theo lời chị Thỏa, từ xa xưa người Việt mình có quan niệm, mái tóc là vóc con người. Dù ngày nay mái tóc người con gái đã phần nhiều đã thay đổi theo xu thế, nhưng với chị mái tóc vẫn là rất đặc biệt. Chính vì vậy, chưa bao giờ chị nghĩ đến một ngày nào đó sẽ cắt đi mái tóc dài của mình.

Thế nhưng, với tình hình dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, việc nhiều giờ liền mặc đồ bảo hộ kín mít, vừa ngột ngạt khó chịu, vừa để gọn gàng hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh thì việc cắt đi mái tóc dài là điều cần thiết.

Cũng như chị Thỏa, chị Nguyễn Thị Hiền cũng quyết định “xuống tóc” trước khi bước vào "cuộc chiến" mới, dù biết rằng cuộc chiến này không biết khi nào mới kết thúc. 

2.jpg
Hình ảnh nữ cán bộ y tế cắt tóc cho nhau để chuẩn bị phục vụ bệnh viện dã chiến số 1 khiến nhiều người xúc động

Dù mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau, như chị Hồ Mai Hương có chồng là bộ đội cũng trực chiến 100 % quân số, chị lại đi bệnh viện dã chiến nên đành trông nhờ ông bà nội ngoại chăm sóc sóc các con.

Hay chị Cao Thị Hà năm sau sẽ nghỉ hưu nhưng vẫn đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch. Bác sĩ Lê Hữu Nam - Phó giám đốc Trung tâm, vừa mổ cấp cứu ruột thừa hơn tuần nhưng vì công việc anh chưa có chút thời gian dành cho bản thân hồi phục sức khỏe...


Đứng trước thời khắc đặc biệt này, những con người ấy đã gác lại cuộc sống riêng của mình để cùng đồng nghiệp đi lên tuyến đầu chống dịch…

3.jpg
Với họ, tất cả đã sẵn sàng, dù chưa biết dịch bệnh khi nào mới kết thúc

70 cán bộ của Trung tâm được điều động làm nhiệm cho bệnh viện dã chiến số 1, một nửa quân số còn lại sẽ làm nhiệm vụ phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn… Có lẽ chưa khi nào, họ lại có cuộc chia tay nhau bịn rịn trong hoàn cảnh đặc biệt như thế.

Chiều 28/6, ông Nguyễn Đức Trung - Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An đã đến kiểm tra tiến độ triển khai bệnh viện dã chiến số 1 của tỉnh đặt tại huyện Hưng Nguyên. ​Cùng đi trong đoàn có PGS-TS Dương Đình Chỉnh - Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Giám đốc Sở y tế; Đại diện lãnh đạo một số ban ngành cấp tỉnh.

Ngay sau cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh, PGS-TS Dương Đình Chỉnh đã gặp mặt động viên tinh thần và giao nhiệm vụ cho các y bác sĩ, lực lượng tham gia nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến số 1.

4.jpg
Cuộc chia tay đầu lưu luyến của những người đồng nghiệp ở tuyến trong và tuyến ngoài. Ảnh TTYT huyện Hưng Nguyên

Sáng 29/6, Bệnh viện dã chiến số 1 sẽ đi vào hoạt động. Cuộc chiến mới tại đây lại bắt đầu. Nhưng tất cả họ xứng đáng được gọi là những “chiến sỹ” dù không mang quân hàm.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xúc động hình ảnh những “chiến sỹ” tuyến đầu chống dịch cắt tóc cho nhau