Xuất khẩu lao động hợp pháp là bảo vệ tính mạng bản thân

T.Nhi| 27/10/2019 19:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau vụ việc 39 người tử vong trong container nghi xuất khẩu lao động bất hợp pháp, nhiều người không khỏi hoang mang, sợ hãi. Muốn tránh khỏi kết cục bi thảm tương tự, người lao động cần tỉnh táo, lựa chọn con đường hợp pháp khi muốn làm việc ở xứ người.

Xuất khẩu lao động hiện nay đang trở thành xu thế toàn cầu, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Xuất khẩu  lao động đang mang lại nhiều lợi ích, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bản thân người lao động và phát triển kinh tế - xã hội đối với cả quốc gia tiếp nhận và quốc gia gửi lao động.

Đáng nói, việc lao động đi nước ngoài bằng con đường “không chính ngạch” mang lại những hệ lụy, rủi ro vô cùng lớn. Mới đây, sáng 23/10, cơ quan chức năng tại Anh đã phát hiện 39 người đã chết khi mở cửa container tại khu công nghiệp Waterglade. Cảnh sát Anh đến nay đã bắt lái xe và 2 nghi phạm với các cáo buộc ngộ sát và buôn người.

Đau lòng là trong số 39 nạn nhân tử vong, nghi vấn có cả người Việt Nam (quê tại Nghệ An). Để được sang Anh, nạn nhân đã bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên đổi lại là cái kết bỏ mạng nơi xứ người.

Trước đó, theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Công an Trung Quốc đã bắt giữ, trao trả tỉnh Lào Cai 452 lao động và lực lượng biên phòng tỉnh xử lý 17 lao động. Trong đó, chủ yếu là lao động tỉnh Lào Cai và một số tỉnh lân cận sang Trung Quốc làm thuê nhưng không làm thủ tục xuất - nhập cảnh theo Pháp luật hiện hành của 2 nước.

Đáng nói hơn, có nhiều trường hợp lao động sang Trung Quốc làm thuê vì không làm thủ tục pháp lý, nên khi bị chủ sử dụng lao động quỵt tiền công hoặc bị cướp giật, đánh đập, ngược đãi thì họ chỉ biết nhẫn nhịn chịu đựng trong tủi cực. Họ không dám khai báo với chính quyền sở tại vì sợ bị bắt, bị giam giữ, bị phạt tiền, bị trả về theo đường ngoại giao. 

la-dong

Ảnh minh họa

Theo Điều 6, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài số 72/2006/QH11 của Quốc hội người lao động Việt Nam có thể làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức sau: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề; Hợp đồng cá nhân.

Đúng theo Luật, tổ chức, doanh nghiệp muốn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần: Tuyển chọn lao động; Dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; Ký kết các hợp đồng liên quan đến việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Thanh lý hợp đồng giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp cơ quan, tổ chức không thực hiện những nội dung trên, quyền lợi của người lao động sẽ bị tổn hại, để lại hệ quả xấu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu lao động hợp pháp là bảo vệ tính mạng bản thân