Phóng sự - Ghi chép

Xuân về trên ngã ba biên

T.Thành 03/01/2024 05:45

Mỗi năm, khi cái rét bắt đầu cắt cứa thịt da, khi ông trời nhúc nhắc châm lửa hoa đào, tôi lại nhớ về Mường Nhé. Nhớ những con đường cong cua rợn ngợp, nhớ không khí chợ phiên ngày cận tết, nhớ bát rượu ngô cùng những điệu khèn. Và tôi nhớ cả đồng bào Hà Nhì mến thương đã đổ không biết bao mồ hôi, công sức xuống đất này để giữ yên cương vực, để màu xanh chảy tràn trên đá, tạo nên ngô vàng, gạo tím, rượu nồng...

Xem rừng như máu thịt

Tôi đã từng đi qua nhiều vùng đất xa xôi, khuất nẻo, cam khó bậc nhất Việt Nam, từng đặt chân lên nhiều bản làng nằm chìm lút nghìn năm giữa sương giăng, núi phủ. Mỗi vùng đất, mỗi con người đã gặp trong các chuyến đi như thế đều để lại trong tôi ít nhiều ấn tượng, nhưng để lại dấu ấn sâu đậm, lành lẽ và dai dẳng nhất đó là tấm chân tình của đất và người Mường Nhé – huyện ngã ba biên giới của tỉnh Điện Biên.

sin-thau.jpg

Trong suốt những ngày lưu lại vùng đất ngã ba biên trong chuyến công tác cách đây vài năm, tôi được anh Pờ Goo Loòng, nguyên Chánh án TAND huyện Mường Nhé, đưa đi khắp mọi xó làng, góc bản, gặp đủ ông Mông bà Thái, nghe đủ thứ chuyện buồn vui của núi để rồi nhận ra rằng, Mường Nhé, A Pa Chải và đặc biệt là Sín Thầu – một trong 2 xã có đặt cột mốc 3 cạnh của Việt Nam – đã không còn xa xôi, diệu vợi. Bởi, Sín Thầu xa nhưng không mờ, khó nhưng không bần, giữa mùa sương giá vẫn nghe lòng ấm áp.

Ở vùng đất biên viễn này, sau những bước chân rã rời của một ngày lội suối băng rừng lao động mệt nhọc, dân bản lại vui vẻ với bữa cơm gạo đỏ, rau rừng với vài con cá suối. Cũng ở đây, khi đêm xuống, giữa vây bủa của rừng hoang núi thẳm, bên ánh lửa bập bùng, tôi đã được nghe những câu chuyện truyền kỳ về công cuộc giữ rừng và mưu sinh của người Hà Nhì kéo dài suốt mấy trăm năm.

anh-bai-xuan-ve-tren-vung-dat-nga-ba-bien-5.jpg
Ông Pờ Dần Sinh - “Cánh chim đầu đàn” của người Hà Nhì ở Sín Thầu

Trời đất ban cho Sín Thầu một tiểu vùng khí hậu, hệ động thực vật giống như ở cõi thần tiên nào đó. Anh Loòng cùng cán bộ Đồn Biên phòng A Pa Chải đã từng dẫn tôi đi mướt mải trong những trảng rừng cổ thụ phủ đầy rêu. Có cảm giác như mỗi thân cây là một kho tàng, một cuốn lịch biên niên của mấy trăm năm gió lớn, rét buốt, nắng nỏ. Tất cả đã gọt mài vào đó khiến con người ta có cảm giác mỗi cây nghều ngào thân cành kia đều là một con thú đầy lông lá đang nhảy nhót. Cây nào cũng mềm mụp rêu, cành lá la đà. Trước sự gào rít của gió, cây nào cây nấy như xuống tấn lên gồng đầy cơ bắp đứng giữa rừng xanh ngằn ngặt.

Anh Loòng bảo, để có được những trảng rừng đẹp như trong cổ tích ấy, người dân Sín Thầu đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức để giữ gìn. Từ thuở hồng hoang, khi những người Hà Nhì đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, họ đã xem rừng là hơi thở, là cuộc sống, là máu thịt của mình. Và suy nghĩ ấy, niềm tin ấy đã được truyền lại cho lớp lớp con cháu người Hà Nhì đến tận bây giờ. Tinh thần giữ rừng nó tựa như một dòng văn hóa len lỏi chảy qua những nếp nhà thô mộc, từ đời này sang đời khác.

Bất chấp sự tham lam của con người đã và đang làm biến mất hàng ngàn hàng vạn ha rừng trên cả nước, thì Thập tầng đại sơn A Pa Chải vẫn đông đúc, sum vầy, thiên nhiên vẫn hoang dã đến bất ngờ. Bất ngờ đến sửng sốt. Tôi từng nghĩ, cả một gầm trời toàn rừng và muông thú nhởn nhơ kia, nó có thể cải tạo, thu phục, làm thay đổi nhân sinh quan thế giới quan của bạn một cách màu nhiệm nhất. Lạc vào đó, bạn như kẻ mê muội được thứ ánh sáng thánh thần trong vắt nào đó gột rửa khỏi mọi ti tiện, ganh ghét, tị hiềm, hiếp đáp.

Có lẽ, nhờ sống giữa thiên nhiên kỳ ảo, ngoái về bốn phía đều sơn tinh thủy tú như thế nên con người ở vùng đất ngã ba biên này cũng ấm lành như nước dòng Mo Phí. Đến ngay cả cái chuyện mỗi khi có tổ chức họp hành, hội nghị, cán bộ huyện lại lấy làm áy náy lắm vì không tìm được khách sạn nào tinh tươm để đãi đằng khách phương xa. Tất nhiên, rã rời đi mấy trăm cây số đường rừng dốc dác, ai chả muốn có một chỗ tươm tất để nghỉ ngơi. Nhưng, chắc là phần lớn khách thượng sơn cũng thông cảm cho Mường Nhé khi họ còn khó khăn về cơ sở vật chất trong quá trình nỗ lực mở lòng đón bạn hữu ghé thăm. Đôi khi, sự vụng về còn có thể có ấy, nó giống như sự rụt rè đáng yêu của sơn nữ má hồng trong vòng xòe rợp sắc.

anh-bai-xuan-ve-tren-vung-dat-nga-ba-bien-4.jpg
Nụ cười ngày Xuân

Chốn bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc

Tôi nhớ lần đầu tiên đến mảnh đất ngã ba biên là hành trình suốt 2 ngày vượt suối cắt rừng ròng rã. Khi ấy, khát vọng khám phá miền đất lạ của một gã trai trẻ trong tôi vẫn còn mãnh liệt. Khát uống nước khe, đói ăn tạm quả ổi rừng hay me đất. Cứ như thế cho đến khi bàn chân phồng rộp thì chạm được vào Tả Kố Khừ - bản trung tâm của xã Sín Thầu - nằm thơ mộng bên dòng Mo Phí, ngay dưới chân núi Lầu Tu Tí (tiếng Hà Nhì nghĩa là Con lợn già).

Ngày ấy, già Pờ Xí Tài còn chưa đổ bệnh! Bên dòng nước trong vắt, già kể cho khách nghe về đường đi của Mo Phí – dòng suối chứng kiến mọi thăng trầm, buồn vui, sướng khổ của người Hà Nhì kể từ khi họ tìm đến vùng đất này khai sơn phá thạch, dựng nhà lập bản. Thế nên, trong tâm thức người Hà Nhì luôn xem Mo Phí là dòng suối mẹ của dân tộc mình. Trước đây, mỗi mùa mưa về, Mo Phí thường dâng nước mênh mông, tách Sín Thầu ra khỏi phần còn lại Mường Nhé. Còn mùa khô, nước rút, Mo Phí là những bãi đá nhấp nhô như một trận thạch đồ án ngữ cửa ngõ vào ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào.

Thật kỳ lạ, dường như sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nỗi vất vả nhọc nhằn đã hun đúc lên con người Pờ Xí Tài. Thời điểm đó, tuy bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng già Tài vẫn như cây lim, cây táu của núi rừng A Pa Chải. Trước thân hình khôi vĩ của già Tài, tôi chỉ như một cậu học trò tiểu học. Suốt thời tuổi trẻ, già đã từng là tay thiện xạ bắn hổ, gấu bảo vệ dân làng và cũng là khắc tinh của bọn phỉ trong những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Với những thành tích ấy, già Tài đã từng được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng 3, Huân chương Kháng chiến hạng 3, Huy hiệu Bác Hồ và rất nhiều danh hiệu khen thưởng khác...

Ở miền rừng hoang núi thẳm này còn nhiều huyền thoại về những con người đã “lột xác” vượt lên chính mình xây cuộc đời mới. Như là Mạ Gió Tư, nghiện thuốc phiện gần 10 năm, nhờ Bộ đội Biên phòng giúp đỡ đã đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, được dân bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, rồi làm tới Phó Chủ tịch HĐND xã Sín Thầu. Như là Sừng Sừng Khai, từng “nổi bão” suốt thời tuổi trẻ, sau trở thành một trong những người làm kinh tế giỏi nhất A Pa Chải.

Ở mảnh đất Sín Thầu này, dòng họ Pờ được xem là “Danh gia vọng tộc” với nhiều người thành đạt. Đây cũng là dòng họ được xem là có công trong việc khai làng, lập bản, thổi bùng lên sức sống khắp dải đất hoang vu. Nối tiếp truyền thống của tổ tiên, dòng họ Pờ ở xã Sín Thầu ngày nay vẫn luôn đi đầu về mọi mặt. Với 100% hộ gia đình đều thoát nghèo, không có con em bỏ học, không vi phạm pháp luật, hàng chục người tốt nghiệp đại học hiện đang công tác trong các cơ quan ban ngành của huyện Mường Nhé và tỉnh Điện Biên. Dòng họ Pờ dần trở thành điển hình cho các dòng họ khác noi theo. Có được điều đó là nhờ công sức rất lớn của “cánh chim đầu đàn” Pờ Dần Sinh.

Tháng 7/2009, khi đương đảm nhiệm cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch xã Sín Thầu, ông Sinh đã quyết tâm xây dựng mô hình dòng họ “3 không” và rồi nhân rộng ra toàn xã. Từ đó, Sín Thầu luôn là “xã 3 không”: Không đốt, phá rừng làm rẫy; không để dân di cư xâm nhập địa bàn; không có người nghiện hút, buôn bán ma túy.

Và quả thật, anh Pờ Goo Loòng cũng từng xác tín rằng: Có những năm, cả xã Sín Thầu không có một trường hợp vi phạm pháp luật nào phải đưa ra xét xử. Có lẽ, đó cũng là chốn bình yên nhất trên toàn cõi Việt Nam.

Bây giờ, đường lên Sín Thầu đã rộng mở. Dân bản Hà Nhì đã mua nhiều xe máy thay cho ngựa. Lúa, ngô, gia súc đã có tư thương đánh ô tô vào tận nơi mua. Đồn Biên phòng A Pa Chải không còn là những dãy nhà tạm mà được xây dựng kiên cố, khang trang. Từ đường lối mở A Pa Chải – Long Phú vào nội địa đã được trải nhựa, đời sống kinh tế của đồng bào đang từng bước được nâng cao. Vì thế, năm nay người Hà Nhì ăn Tết cũng to hơn, không chỉ vì kinh tế trong mỗi gia đình khởi sắc, mà còn vì tinh thần tự hào của những cư dân trên tuyến đầu Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân về trên ngã ba biên