Xuân đang đến gần mơn man trên từng nhánh lá, quanh xóm làng đâu đó vang lên câu hát “Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…”
Đó là câu hát nổi tiếng trong trò Múa đèn thuộc các làn điệu dân ca, dân vũ Đông Anh từ xa xưa mà nay đang dần khoác lên màu áo mới.
Từ “ngũ trò”
Hát múa dân ca, dân vũ Đông Anh (xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) đã có từ rất lâu đời, ngày trước được gọi là “ngũ trò”. Sau này, các nghệ nhân sáng tác, du nhập thêm nhiều trò nữa nên hệ thống trò diễn Đông Anh rất phong phú, như Múa Đèn, Tiên Cuội, Tô Vũ, Trống Mỏ, Thiếp, Vằn Vương, Thủy, Leo Dây, Xiêm Thành, Hà Lan, Tú Huần, Ngô Quốc, Đại Thánh, Nữ Quan, Ai Lao... Hầu hết các trò diễn này đều có lời ca, (trừ trò Xiêm Thành và Tô Vũ), điệu múa được lồng ghép, đan xen, hỗ trợ nhau tạo thành những làn điệu dân ca đặc sắc.
Múa đèn - một trong những trò diễn tiêu biểu, đặc sắc của dân ca, dân vũ Đông Anh
Trước đây làn điệu dân ca, dân vũ Đông Anh được các vương hầu, vua chúa chọn vào biểu diễn trong cung đình. Sau này được biểu diễn mừng lễ Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945, các ngày lễ lớn và có mặt ở các lễ hội, hội thi trong toàn quốc.
Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, từ tháng Chạp các làng, xã đã sôi động mua sắm, chuẩn bị các đạo cụ cần thiết và tích cực tập luyện các trò diễn. Vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu, tất cả các làng đều mở hội tổ chức diễn trò, chấm điểm những tiết mục hay để đi thi tại lễ hội Nghè Sâm. Tục truyền rằng, lễ hội Nghè Sâm được mở rộng khắp vùng, cứ ba năm một lần vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Nghè Sâm là nơi được chọn là trung tâm của lễ hội và diễn trò. Để không khí lễ hội diễn ra vui vẻ, Nghè Sâm được trang trí rất lộng lẫy. Trong Nghè là nơi tế lễ rất nghiêm trang, bên ngoài có sân chơi để các địa phương biểu diễn các trò dân ca, dân vũ. Trong cuộc thi diễn trò giữa các địa phương, xã nào được đánh giá có tiết mục diễn hay nhất thì xã đó được quyền làm chủ lễ hội Nghè Sâm và được phân bổ việc đóng góp của các làng, phụ trách việc mua sắm lễ vật để tế thần, đồng thời điều khiển lễ hội và phân bổ các lễ vật cho các làng. Nếu gặp năm thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt thì lễ hội sẽ kéo dài; năm mất mùa, đói kém thì thời gian lễ hội ngắn hơn.
Đến Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Về nơi cội nguồn của sự hình thành và phát triển dân ca, dân vũ Đông Anh ở làng Viên Khê, ghé thăm gia đình ông Nguyễn Sỹ Lịch - bà Lê Thị Nghi. Đây là cặp vợ chồng duy nhất của làng Viên Khê vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.
Đưa tay rót chén trà mời khách, ông Lịch kể lại quãng thời gian khắp làng trên, xóm dưới, đâu đâu cũng rộn ràng lời ca, tiếng hát. Khi ông còn bé, mới khoảng 9, 10 tuổi đầu đã hăm hở theo đám bạn trong làng í ới gọi nhau đi xem các tiết mục, trò diễn. Ngày ấy, tại lễ hội nghè Sâm, Ngũ trò Viên Khê được tổng duyệt đầy đủ, bài bản, quy mô lắm. Các làng phải tự tập luyện, lựa chọn con trò đưa đến các cụm thi trò. Cuộc thi cụm này có các vị chức sắc hàng tổng đến dự và chấm giải để chọn trò nào hay, xuất sắc đưa đi diễn ở nghè Sâm.
Với mục đích lễ tế thần linh nên Ngũ trò Viên Khê đặc biệt khắt khe trong việc tuyển chọn “con trò” (diễn viên). Hệ thống tích trò của Ngũ trò Viên Khê vô cùng đặc sắc, phổ biến nhất là múa đèn: một trò diễn tổng hợp với nhiều lớp văn hóa cổ, liên quan đến lịch tiết sản xuất nông nghiệp lúa nước. Múa đèn là vũ khúc có lời ca do 12 cô gái trong trang phục quần trắng, áo đỏ, thắt lưng xanh, đầu chít khăn vành rây bằng nhiễu đỏ, bên trong là khăn trắng nếp to, trên đầu đội một đĩa đèn thắp sáng, vừa hát vừa múa với những động tác cơ thể mềm mại. Nội dung của Múa đèn nói đến công việc sản xuất của nhà nông trong năm: Thắp đèn, luống bông, luống đậu, vãi mạ, chẻ lạt, đan lừ, nhổ mạ, đi cấy, kéo sợi, dệt vải, vá may, đi gặt. Trò diễn được kết thúc bởi ba điệu múa “đánh gà luộc, cúng cơm mới, dâng oản” thể hiện sự biết ơn của người dân trước đấng thần linh phù hộ cho một năm mùa màng bội thu, no đủ.
Nhớ lại những ngày tháng cả làng Viên Khê nói riêng và cán bộ, nhân dân xã Đông Anh nói chung cùng chung sức đồng lòng, quyết tâm khôi phục lại toàn bộ các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh, ông Lịch không giấu nổi niềm xúc động, tự hào: “Khi có chủ trương của xã về việc giao nhiệm vụ cho 7 thôn, mỗi thôn phải khôi phục được một tích trò cũ và sáng tạo, xây dựng một tiết mục văn nghệ với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, người dân hưởng ứng nhiệt tình, không khí làng xã lúc bấy giờ sôi nổi như chuẩn bị bắt đầu hội diễn lớn, đâu đâu cũng tập tành hăng say”.
Khi dân ca, dân vũ Đông Anh đã tìm được vị trí xứng đáng, thì các bậc cao niên ở đây lại trăn trở trong lòng: “Danh hiệu ấy vừa là động lực vừa thêm phần trách nhiệm với công việc tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản, để thế hệ cháu con hôm nay và mai sau biết về cội nguồn, những nét đẹp văn hóa làng xã được chắt chiu, nuôi dưỡng tự bao đời”.
Giờ đây, dân ca, dân vũ Đông Anh đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Đông Sơn nói riêng mà cả tỉnh Thanh Hóa nói chung khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mùa xuân về, những tổ khúc hát múa nổi tiếng của dân ca Đông Anh lại tiếp tục vang lên rộn ràng hơn bao giờ hết trong những lễ hội đầu năm mới.