Ngạt khí (ngạt khói) là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn do hít phải nhiều khí độc CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ... trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong.
Các vụ hỏa hoạn xảy ra dù lớn hay nhỏ đều có thể gây ra thương vong về người, trong đó không ít trường hợp nạn nhân tử vong do ngạt khói, khí, hơi độc trước khi chết cháy. Gần đây nhất chính là vụ cháy chung cư mini cao 9 tầng ở Hà Nội vào rạng sáng nay.
Vụ cháy bùng phát khoảng 23h ngày 12/9 tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình. Căn nhà có diện tích hơn 200 m2, cao 10 tầng, là nơi sinh sống của hơn 40 hộ dân. Theo cơ quan chức năng, 70 người đã được cứu sống và khoảng 50 người phải cấp cứu. Hiện chưa có thống kê chính xác số lượng người tử vong sau vụ cháy.
Có thể nói, khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), khi hỏa hoạn xảy ra, rất nhiều khí độc sẽ được sinh ra như CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ... trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong. Hít phải những loại khí này sẽ khiến cơ thể tiêu hao thể lực nhanh chóng, càng vùng vẫy trong lượng khí này, nạn nhân càng dễ bị tử vong.
Đặc biệt, tại các ngôi nhà xây dựng bằng các vật liệu, vật dụng dễ cháy như nhựa tổng hợp hay các chất hữu cơ, khi hòa trộn lại với nhau sẽ gây ra một hợp chất độc hại mới có thể dẫn đến hệ lụy về sau rất nguy hiểm. Ngoài ra, ở trong mỗi đám cháy, cấu trúc ngôi nhà sẽ yếu đi, các vật liệu dễ rơi và sập. Đây cũng là nguyên nhân góp phần khiến việc ngạt khí xảy ra nhanh chóng hơn.
Vậy làm thế nào để xử lý đúng cách để tránh ngạt khói, loại bỏ nguy cơ tử vong?
Theo PGS Trần Hồng Côn, khi gặp sự cố, mọi người thường hoảng loạn, ít có thời gian để phản ứng. Do đó, mọi người cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại. Hơn nữa, để có kỹ năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra, người dân cần được đào tạo bài bản, cũng như cần được tập huấn để nâng cao kỹ năng.
"Cách duy nhất để sống sót khi xảy ra hỏa hoạn chính là tìm đường thoát thân. Nhưng trước khi chạy tìm đường, bạn cần tìm kiếm một chiếc khăn ướt hoặc dùng miếng vải thấm nước rồi bịt quanh mũi và miệng. Lúc này, khăn ẩm, vải ớt chính là mặt nạ hạn chế khí độc, loại bỏ nguy cơ ngạt khí trong thời gian ngắn. Chúng ta có thể kéo dài khả năng sống sót trong lúc chờ cứu hỏa giải thoát", chuyên gia cho hay.
Song song với đó, PGS.TS Trần Hồng Côn khuyên người dân nên bò dưới mặt đất, di chuyển cúi thấp hoặc chạy dạt người về phía đường thoát thân. Nồng độ oxy phía dưới nhiều hơn vì cháy khí thường bốc lên cao.
Bên cạnh đó, cần lưu ý:
- Trong quá trình thoát nạn ra ngoài nên báo cho những người xung quanh biết và nên đóng các cửa trên đường lan truyền để giới hạn sự lan tràn của lửa và khói.
- Không sử dụng thang máy làm thang thoát nạn vì sự cố cháy nổ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thang máy. Do đó chỉ sử dụng cầu thang bộ để thoát ra.
- Có thể giúp đỡ những người xung quanh thoát nạn ra ngoài an toàn khi bản thân có đủ sức khỏe và tỉnh táo. Không nên giúp đỡ người khác thoát nạn khi bản thân cũng đang bị khói, lửa đe dọa đến tính mạng.
- Khi sinh sống, làm việc, sinh hoạt trong tòa nhà phải để ý các đường lối, sơ đồ thoát nạn. Điểm này có thể sẽ giúp ích rất tốt, cứu mạng con người khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
- Khi bị kẹt trong đám cháy, khói của đám cháy đang tràn vào từ các cửa và hành lang, mọi người phải nằm xuống sàn nhà cách nơi khói đang tràn vào càng xa càng tốt, dùng khăn thấm nước che mặt, đóng hết các cửa lớn và cửa sổ lại để cô lập đám cháy. Nếu có khói lửa đang lan đến gần, phải dùng vải, quần áo chèn vào các khe hở để không có khói, lửa tràn nhanh vào nhà sau khi sử dụng bình chữa cháy cố gắng khống chế đám cháy.
- Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang phải dùng mọi cách cố làm cho nhân viên cứu hỏa để ý nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét.
- Nếu thấy an toàn để thoát thân và có một cửa lớn đang đóng, trước khi thoát ra bằng lối đó phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy có lửa và khói phía bên kia thì đóng lại ngay lập tức đồng thời chèn kỹ các khe hở không cho khói, lửa lan vào phòng. Nếu không có lửa và khói tiến đến thì nhanh chóng thoát ra ngoài đồng thời đóng cửa lại nhưng không được khóa cửa. Trên đường thoát nạn tìm mọi cách báo động cho mọi người cùng thoát nạn an toàn.
- Khi thấy người khác bị cháy, hãy giúp người đó dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại. Dùng chăn, mền, quần áo choàng lên người để dập tắt lửa.