Xu hướng mới trong ngành thực phẩm và đồ uống

Trang Nhi| 09/12/2021 11:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) gần đây xuất hiện không ít mô hình liên doanh, hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh doanh giữa đại dịch.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, dịch bệnh phức tạp, để phát triển và thúc đẩy hoạt động, các doanh nghiệp F&B gần đây đã tăng cường việc mua bán và sáp nhập (M&A) hoặc liên doanh, liên kết hợp tác với những doanh nghiệp trong các ngành khác như bán lẻ để phát huy thế mạnh của nhau, giúp sản phẩm cạnh tranh tốt hơn.

f-b.jpg
Xu hướng mới trong ngành F&B

Điển hình là Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) đang thể hiện "tham vọng" chinh phục thị trường kinh doanh ăn uống (F&B) bằng việc bắt tay với Tập đoàn Sơn Kim để nhanh chóng nhân rộng hệ thống của mình.

Theo thỏa thuận hợp tác công bố, sản phẩm của thương hiệu F&B do Kido quản lý dự kiến có mặt tại toàn bộ hệ thống cửa hàng bán lẻ GS25 thuộc Sơn Kim đến cuối năm 2022.

Cũng theo CEO Kido, chuỗi F&B của tập đoàn này còn đang nghiên cứu để hợp tác với một số đối tác khác để tăng tốc độ phủ hơn nữa, thậm chí tiến ra nước ngoài chứ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước.

Xu hướng các thương hiệu F&B hợp tác cùng những chuỗi bán lẻ lớn đã xuất hiện từ trước. Giữa năm nay, Masan công bố đầu tư chiến lược vào Phúc Long, đồng thời đưa các cửa hàng trà sữa của đối tác vào hệ thống siêu thị WinMart+ (tên cũ VinMart+) dưới dạng kiosk bán hàng.  

Cũng trong xu hướng liên doanh, để mở rộng thị trường xuất khẩu, vào tháng 8/2021 Vinamilk đã công bố đối tác liên doanh tại Philippines là Del Monte Philippines, Inc. (DMPI), công ty con của Del Monte Pacific Limited và là một doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống hàng đầu tại Philippines. Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 6 triệu USD, trong đó Vinamilk và đối tác góp 50% mỗi bên. Liên doanh sẽ nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Vinamilk, sau đó được tiếp thị và phân phối tại Philippines thông qua DMPI.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam, các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh dài hơi và hiệu quả hơn. “Các thương hiệu cần phải chú ý đến việc thay đổi hành vi tiêu dùng, với những kế hoạch bền vững để giữ được lượng khách trung thành của mình, thông qua việc đưa ra những chiến lược marketing hoặc những chiến lược quảng bá, song song với đó là những chiến lược chăm sóc khách hàng, hậu mãi ngay trong thời gian tới,” bà Trang nhận dịnh.

Cùng với việc liên doanh, hợp tác, các doanh nghiệp F&B cũng đang nhanh chóng ứng dụng công nghệ để chuyển đổi bán hàng theo phương thức online cũng như liên tục tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm hợp thị hiếu người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng mới trong ngành thực phẩm và đồ uống