Ngày 24 và 25/9, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Hàng không quốc gia Đài Loan (China Airlines) CN TP.HCM đối với các bị cáo nguyên là kế toán, thu ngân của công ty.
Các bị cáo gồm: Lữ Cẩm Hy (SN 1983, ngụ quận 11), Diệp Kinh Chi (SN 1983, ngụ quận 11), Phó Vi Nhất (SN 1973, ngụ quận 3).
China Airlines hoạt động tại Việt Nam từ năm 1991, văn phòng đặt tại phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh có chức năng kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa từ sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài đến nhiều nước trên thế giới. Ngày 17/12/2011, ông Chen Fei Fan, Tổng Giám đốc China Airlines tại TP. Hồ Chí Minh có đơn tố cáo Lữ Cẩm Hy, Diệp Kinh Chi và Phó Vi Nhất thông đồng nhau chiếm đoạt 5,78 triệu USD của China Airlines và 184.038 USD của hãng Hàng không Madarin do China Airlines làm đại diện.
Trên cơ sở điều tra, Bộ Công an xác định: Lợi dụng chính sách quản lý tài chính sơ hở, quy định về tài khoản chênh lệch tỷ giá giữa USD/Đài tệ/VNĐ của China Airlines tại TP. Hồ Chí Minh, Nhất, Chi và Hy với tư cách là kế toán, thu ngân đã cấu kết với các đối tượng người Đài Loan nguyên là Kế toán trưởng của China Airlines tại TP. Hồ Chí Minh để chiếm đoạt một phần tiền thu vào hằng ngày của Công ty.
Giám định viên trình bày trước Tòa
Bị cáo Nhất khai nhận, từ năm 1998-2008 đã cấu kết với bốn Kế toán trưởng người Đài Loan ở từng giai đoạn để chiếm đoạt tiền và được chia 35.000 USD. Cụ thể, ngày nào thu USD về nhiều và có chênh lệch tỷ giá USD/VNĐ giữa thị trường và tỷ giá do công ty quy định thì lấy bớt từ vài trăm ngàn đồng đến 2 triệu đồng; tỷ lệ ăn chia mỗi người một nửa, chứng từ hợp thức hóa do Kế toán trưởng làm. Sau khi Nhất nghỉ việc, bằng thủ đoạn như trên, Chi và Hy cũng đã rút tiền của China Airlines chia nhau tiêu xài.
Tại Tòa, Chi và Hy nói bị điều tra viên ép cung, mớm cung. Ngoài ra, Hy còn nói bị Tổng Giám đốc China Airlines kêu vào phòng riêng đánh đập, hăm họa. Phía China Airlines thông báo, nếu không có bằng chứng mà cứ khăng khăng cho rằng lãnh đạo China Airlines đánh đập, hù dọa, sẽ yêu cầu xem xét xử lý hành vi vu khống.
Tại Tòa, đại diện China Airlines trưng ra một số giấy tờ, tài liệu cáo buộc các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 387 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi, vì sao thất thoát một khoản tiền lớn trong một thời gian dài nhưng Công ty không hề hay biết, phía China Airlines cho rằng, tiền thu hằng ngày rất nhiều nên công ty không thể kiểm soát hết được.
Tòa đã triệu tập giám định viên tài chính - kế toán Trần Văn Nam, người giám định số tiền China Airlines bị chiếm đoạt để làm rõ một số tình tiết liên quan đến vụ án. Tại tòa, giám định viên cho biết, theo tài liệu Bộ Công an cung cấp, số tiền ông Chen Fei Fan trình báo bị chiếm đoạt thay đổi liên tục. Trong khi đó, từ khi khai báo, phía China Airlines không cung cấp cho giám định viên và Bộ Công an chứng từ, sổ sách kế toán chứng minh số tiền khai báo bị chiếm đoạt để phục vụ công tác điều tra dù Bộ Công an thường xuyên nhắc nhở. Do đó, Bộ Công an đã sử dụng các chứng từ do các bị can trích xuất từ máy vi tính, thừa nhận chiếm đoạt và xác nhận của lãnh đạo công ty để làm căn cứ quy kết số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt.
Cũng theo ông Nam, trong quá trình Bộ Công an điều tra thu thập chứng cứ, China Airlines đã thuê Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (viết tắt là AASCS) tiến hành kiểm toán. Sau đó, AASCS đã có kết quả kiểm toán bốn năm, từ năm 2008 đến 2011. Tuy nhiên, do AASCS không xác định được các bị cáo có chiếm đoạt tiền (bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng) thông qua quỹ tiền mặt và tiền gửi tại các ngân hàng hay không nên giám định viên tư pháp không thể sử dụng số liệu do AASCS thực hiện để đưa vào kết quả giám định.