Tòa tuyên án

Xét xử trực tuyến hai vụ án phúc thẩm

Huỳnh Minh Đức 14/11/2023 - 14:22

Ngày 14/11, TAND cấp cao tại TP.HCM tổ chức xét xử trực tuyến hai vụ án hình sự phúc thẩm. Hai phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại điểm cầu trung tâm là trụ sở TAND cấp cao tại TP.HCM kết nối với điểm cầu thành phần là trụ sở TAND tỉnh Bạc Liêu.

diem-cau-thanh-phan-tai-tru-so-tand-tinh-bac-lieu.jpg
Các bị cáo tại điểm cầu thành phần trụ sở TAND tỉnh Bạc Liêu

Đối với vụ án hình sự phúc thẩm thứ nhất, có 9 bị cáo bị truy tố về 3 tội “Giết người”, “Cố ý gây thương tích” và “Che giấu tội phạm”.

Theo cáo trạng, ngày 02/8/2022 tại huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu), cho rằng N.C.B và V.V.C “nhìn đểu” nhóm mình nên Võ Hoàng Thái (20 tuổi), Lai Văn Hạo (18 tuổi), Lý Quốc Bằng (24 tuổi), Nguyễn Trí Thức (18 tuổi), Thái Nhật Nhân (18 tuổi) và Lâm Hồng Nhung (21 tuổi) thống nhất đánh N.C.B và V.V.C.

Được sự giúp sức của đồng bọn, Thái và Hạo đã dùng dao tự chế, chém 2 bị hại N.C.B và V.V.C gây thương tích là 40% và 31%. Việc các bị hại không chết được xác định là do cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, ngày 20/7/2022 tại khu vực Quảng trường Hùng Vương (TP Bạc Liêu), các bị cáo Hạo, Thức, Trang Nhựt Đang (19 tuổi) và Trần Dĩ Khang (17 tuổi) đã vô cớ dùng dao tự chế chém L.T.T gây thương tích 27%. Ở vụ án này, các bị cáo đã nhận nhầm bị hại L.T.T là kẻ đã đánh đồng bọn của mình.

tand-cap-cao-tai-tp.hcm.jpg
Các bị cáo tại TAND tỉnh Bạc Liêu quan sát qua điểm cầu trung tâm trụ sở TAND cấp cao tại TP.HCM

Bị cáo Hồ Thị Cẫm Duyên (19 tuổi) có hành vi chứa chấp người phạm tội, xóa dấu vết tội phạm khi cho Hạo lẩn trốn.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Võ Hoàng Thái 13 năm tù; Lai Văn Hạo 9 năm tù; Lý Quốc Bằng 8 năm tù; Nguyễn Trí Thức, Thái Nhật Nhân 7 năm tù và Lâm Hồng Nhung 5 năm tù về tội “Giết người”.

Các bị cáo Trang Nhựt Đang 2 năm 6 tháng tù. Trần Dĩ Khang 1 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Bị cáo Hồ Thị Cẫm Duyên 6 tháng tù về tội “Che giấu tội phạm”.

Riêng bị cáo Lai Văn Hạo 9 năm tù cho tội “Giết người” và 2 năm 6 tháng tù cho tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hợp hình phạt là 11 năm 6 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Trí Thức 7 năm 6 tháng tù cho tội “Giết người” và 1 năm 6 tháng tù cho tội “Cố ý gây thương tích”, tổng hợp hình phạt là 9 năm tù.

Đối với vụ án hình sự phúc thẩm thứ hai, các bị cáo bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan”.

nguyen-phuong-thanh.jpg
Bị cáo Nguyễn Phương Thanh trả lời câu hỏi của HĐXX trực tuyến tại TAND tỉnh Bạc Liêu

Theo cáo trạng, năm 2008 ông T.N.K và Nguyễn Phương Thanh (37 tuổi) đăng ký kết hôn. Năm 2017, ông K được cha mẹ ruột tặng riêng thửa đất hơn 466m2 và cấp giấy CNQSDĐ. Đến năm 2018, ông K và Thanh ly hôn nhưng vẫn sống chung.

Do cần tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ, Thanh làm giả giấy CNQSDĐ của ông K, nhờ Nguyễn Văn Quên (38 tuổi) đóng giả ông K ký tên vào hợp đồng ủy quyền đối với giấy CNQSDĐ.

Đầu năn 2021, Thanh mang giấy CNQSDĐ giả cùng các giấy tờ có liên quan của ông K đến Văn phòng công chứng T.V.N (TP Bạc Liêu) làm hợp đồng ủy quyền, sau đó thế chấp cho ông L.V.H để vay 700 triệu đồng.

Tháng 3/2021, thông qua bà N.T.N (ngụ huyện Hồng Dân), Thanh vay của ông T.L.D (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) 1 tỷ đồng bằng hợp đồng chuyển nhượng đối với giấy CNQSDĐ cho ông T.L.D.

Ngày 17/3/2021, Thanh nhờ Đỗ Hoàng Chiếm (64 tuổi) công chứng hợp đồng chuyển nhượng, Thanh 2 lần vay tiền của ông T.L.D hơn 2,2 tỷ đồng.

Ngày 1/4/2021, Thanh đứng tên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuận Phong An Lạc Bạc Liêu, ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái Đông Á Bạc Liêu, giá trị hợp đồng là 52 tỷ đồng. Sau đó, Thanh sử dụng số tiền 1,3 tỷ đồng chiếm đoạt của ông T.L.D đầu tư vào khu Du lịch sinh thái Đông Á Bạc Liêu.

Ngày 24/6/2021, ông K mang giấy CNQSDĐ đến Văn phòng công chứng N.T.N làm thủ tục công chứng vay vốn. Ông Chiếm nhận thấy giấy CNQSDĐ này đã được công chứng, chuyển nhượng vào ngày 17/3/2021 nên giao nộp cho công an và tố giác tội phạm.

Trong phần xét hỏi, chủ toạ phiên tòa nhận thấy vụ án có nhiều điểm cần làm rõ, đồng thời phiên tòa vắng mặt nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên quyết định hoãn phiên tòa.

diem-cau-thanh-phan-tai-tru-so-tand-tinh-bac-lieu-2.jpg
Quang cảnh tại điểm cầu thành phần trụ sở TAND tỉnh Bạc Liêu

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Quốc Khởi - Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu cho biết, việc xét xử trực tuyến trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội.

TAND tỉnh Bạc Liêu xác định việc xét xử trực tuyến là giải pháp được đơn vị này chọn thực hiện nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, góp phần hiện đại hóa hoạt động của đơn vị trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian. Đồng thời, hoạt động này đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0, hiện đại hóa hoạt động xét xử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử trực tuyến hai vụ án phúc thẩm