Đồng ý với đề nghị tử hình mình của VKS nhưng Tàng Keangnam không đồng ý kê biên tài sản, bởi theo Tàng, biệt thự, xe sang anh ta có được từ việc… buôn ngô, buôn mận.
Chiều ngày 10/12, phiên xét xử tàng Keangnam và đồng bọn được tiếp tục với phẩn thẩm vấn để thẩm vấn thêm một số vấn đề với bị cáo Sùng A Lánh và Giàng A Nhà.
Bị cáo đầu tiên được thẩm vấn là Sùng A Lánh. Lánh bị cáo buộc buôn bán 200 bánh heroin vào tháng 2/2013 với Giàng A Chứ, Giàng A Nhà.
Tại phiên thẩm vấn chiều nay, Lánh vẫn giữ nguyên lời khai như lời khai hôm qua, “Do bị cáo bị ép, dẫn tới việc bức xúc nên khai lung tung”, Lánh khai.
Trước thái độ ngoan cố của Lánh, chủ tọa “vặn” lại “Nếu lung tung thì hôm nay sẽ khai như thế này, ngày mai sẽ khai khác. Khai lung tung mà bị cáo còn nhớ đến từng chi tiết, cả biển số ô tô, màu xe?”.
Trong 3 ngày xét xử, Giàng A Nhà - cựu Bí thư chi bộ liên bản liên tục thay đổi lời khai. Lúc thì Nhà chối tội, phiên thẩm vấn hôm qua thì nhận tội nhưng hôm nay bị cáo lại một mực phản cung, phủ nhận hành vi mua bán trái phép 200 bánh heroin vào tháng 2/2013, “Đấy là do bị cáo khai bừa”, Nhà khai.
Trong phần luận tội, theo quan điểm của VKS, Tàng là đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong đường dây mua bán ma túy từ Lào về Lai Châu và đưa xuống Bắc Giang tiêu thụ. Từ năm 2009, Tàng bán heroin cho Lương Thị Thảo. Đến khi bị bắt, Tàng đã buôn bán thành công 1.791 bánh heroin, và hơn 500 viên ma túy tổng hợp. Tổng số tiền thu lợi bất chính là hơn 608.000 USD. Các tài sản của Tàng Keangnam, VKS xác định đây là tài sản do bị cáo phạm tội mà có.
"Ông trùm" Tàng Keangnam
Trước hành vi nguy hiểm của bị cáo, VKS đã đề nghị tử hình đối với Tráng A Tàng, đồng thời, đề nghị hình phạt bổ sung 400-500 triệu đồng, truy thu số tiền hơn 608.000 USD sung công quỹ nhà nước. Phương tiện giao dịch ma túy cũng được đề nghị sung công quỹ. Một số tang vật không liên quan đến hành vi phạm tội được đề nghị trả lại cho bị cáo nhưng kê biên để đảm bảo thi hành án.
“Đối tác” của Tàng là Lương Thị Thảo cũng bị đề nghị mức án tử hình, thêm hình phạt bổ sung 400-500 triệu đồng. Hơn 200.000USD thu lợi bất chính cũng bị đề nghị sung công quỹ nhà nước.
Cùng bị đề nghị tử hình còn có Tráng A Nếnh (em nuôi của Tàng Keangnam), Giàng A Chờ - cựu phó bản Lũng Xá, công an viên; Giàng A Nhà, cựu bí thư chi bộ liên bản (anh vợ củaTàng) và Sồng Ạ Nếnh.
Các bị cáo khác là Vũ Văn Lâm; Tráng A Mùa; Sùng A Lánh; Giàng Thị Sua (vọ Tàng); Tráng A Chư (bố đẻ Tàng) bị đề nghị án chung thân. Ngoài ra, Tráng A Ký bị đề nghị án Chung thân. Tổng hợp mức án đã có hiệu lực của TANDTC tại Hà Nội, Ký nhận mức án tổng hợp là tử hình.
Sau phần luận tội, các luật sư Phạm Tường Long – bào chữa cho Tàng Keangnam, không đồng tình với việc quy kết Tàng tội danh “Mua bán ma túy”, bởi theo quan điểm của luật sư, sau khi Lương Thị Thảo gọi điện thì Tàng mới sang Lào để lấy heroin để chuyển cho Thảo. Như vậy, Tàng chỉ giữ vai trò vận chuyển ma túy.
Với cáo buộc Tàng là kẻ chủ mưu, thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, ông Long cho rằng, Tàng chỉ thực hiện hành vi phạm tội một mình không thể là hành vi có tổ chức. Theo ông Long, Tàng Keangnam chỉ thực hiện vai trò đồng phạm với Lương Thị Thảo.
Theo luật sư khi xem xét hành vi của Tàng cần phải xem xét hoàn cảnh vì bị cáo ở vùng dân tộc thiểu số, lạc hậu, không được tuyên truyền nhiều về việc mua bán ma túy là vi phạm pháp luật.
Về tài sản của Tàng Keangnam, theo luận điểm của luật sư, đấy là tài sản do hai vợ chồng Tàng Keangnam kinh doanh hợp pháp từ xây dựng, buôn ngô, buôn bán ô tô… mà có chứ không phải thu lợi bất chính từ việc mua bán ma túy. Luật sư Long đề nghị trả lại cho bị cáo 3 căn nhà: Ở Mộ Lao, Hà Đông, căn nhà ở Tiểu khu 70 và căn nhà ở Nông trường Mộc Châu. Ngoài ra, trả lại cho bị cáo chiếc xe Huyndai.
Được bổ sung phần bào chữa của luật sư, Tàng Keangnam nhất trí với đề nghị của VKS tuyên anh ta mức án tử hình, nhưng không đồng ý với việc kê biên tài sản. “Tiền thu lợi bất chính bị cáo đã dồn hết vào việc mua 265 bánh heroin và bị bắt. Bị cáo đã trắng tay. Số tiền mua 265 bánh heroin vẫn còn nợ ở bên Lào. Đề nghị HĐXX xem xét”, Tàng trình bày.
Đối đáp lại phần bào chữa cho luật sư, đại diện VKS cho rằng, thời điểm Thảo gọi điện cho Tàng Keangnam chuyển 265 bánh heroin, Thảo đang ở trại tạm giam. Việc gọi điện của Thảo là nhằm lấy công chuộc tội.
Đối với tài sản kê biên, việc luật sư đề nghị trả lại cho vợ bị cáo, VKS không chấp thuận, theo VKS việc buôn bán ngô, khoai thì làm sao mà đủ tiền để có thể mua siêu xe, mua đất và nhiều tài sản giá trị khác.
Trong khi đó, Tráng A Chư (bố đẻ của Tàng) cũng khai nhận nhà, xe là của Tàng Keanganam. Tiền mua có được từ việc mua bán ma túy. Đối với mảnh đất ở Tiểu khu 70, Chư cũng khai đứng tên sổ đỏ cho Tàng vì là Trưởng bản có uy tín, dễ làm. Vợ của Tàng cũng khẳng định, việc mua bán ma túy được dùng để mua ô tô, nhà đất nên VKS giữ nguyên quan điểm số tài sản này bổ sung công quỹ.
Ngày mai phiên tòa sẽ được tiếp tục với phần tranh luận.
Theo cáo trạng truy tố của VKSNDTC, Tàng “Keangnam”; Giàng A Nhà (29 tuổi, trú tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cùng các đồng phạm bị truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”. Cáo trạng xác định từ năm 2009 đến ngày 26/7/2013, Tráng A Tàng chủ mưu cầm đầu đường dây buôn bán ma túy và đã thực hiện 13 lần mua bán trái phép 1.791 bánh heroin, tương đương gần 627 kg heroin và 553 viên ma tuý tổng hợp có trọng lượng 51,5 gram. Bị can Giàng A Nhà cùng đồng phạm đã 6 lần mua bán trái phép 390 bánh heroin, tương đương 136,5 kg heroin và 80 viên ma tuý tổng hợp có trọng lượng hơn 7 gram. Tổng số heroin mà đường dây của Tàng “Keangnam” đã mua bán trái phép là 2.181 bánh heroin và 633 viên ma túy tổng hợp. Tại phiên sơ thẩm hồi tháng ngày 6/8, sau hai ngày xét xử, TAND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số vấn đề liên quan. Bản kết luận điều tra bổ sung khẳng định, quá trình làm việc, Tráng A Tàng không bị bức cung, mớm cung, dùng nhục hình để buộc khai sai sự thật. |