Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: Cựu Giám đốc Cty Khôi Nguyên Phát kêu oan

An Dương| 17/01/2018 15:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm ngày 17/1, HĐXX và các luật sư tiến hành xét hỏi các bị cáo liên quan khoản tiền hơn 1.700 tỷ vay ở Ngân hàng Tiên Phong (TPBank).

Bị cáo Đỗ Việt Bun, nguyên Giám đốc Công ty Khôi Nguyên Phát bị quy kết về hành vi sử dụng pháp nhân Công ty Đức Long ký các thủ tục liên quan đến hồ sơ vay 109 tỷ đồng tại Ngân hàng Tiên phong (TPBank), được bảo đảm bằng chính trái phiếu đã mua và tiền gửi của VNCB; ký hợp đồng mua 109 trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh; ký ủy nhiệm chi chuyển 109 tỷ đồng cho Tập đoàn Thiên Thanh để Phạm Công Danh sử dụng.

Công ty Đức Long không thực hiện đúng cam kết vay vốn với TPBank nên TPBank đã thu nợ trước hạn bằng tiền gửi của VNCB tại TPBank là 113 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VNCB. Bun là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh, phải liên đới chịu trách nhiệm đối với tổng số tiền thiệt hại trên. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, Bun khai bị cáo chưa bao giờ gặp ông Danh để trao đổi bàn bạc và không có đề xuất với VNCB để đầu tư trái phiếu.

Bị cáo Bun khai: "Bị cáo xác định là bị oan. Trong nhận thức của bị cáo, bị cáo không quen biết, không tiếp xúc nên không thể giúp sức cho Phạm Công Danh. Kính mong HĐXX xem xét".

Về việc mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, Bun khai bị cáo biết Thiên Thanh là tập đoàn lớn, làm trong lĩnh vực xây dựng và có các dự án bất động sản lớn, bị cáo tìm hiểu qua các kênh thông tin truyền thông, nên tự tin vào việc đầu tư trái phiếu này. Khi mua trái phiếu Tập đoàn, bị cáo cũng không làm ăn gì với Thiên thanh này. Bun cho biết Công ty Khôi Nguyên Phát của gia đình bị cáo thành lập năm 2012, đến nay công ty còn hoạt động.

Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: Cựu Giám đốc Cty Khôi Nguyên Phát kêu oan

Bị cáo Trầm Bê

Cùng bị truy tố về hành vi giúp sức cho Phạm Công Danh là bị cáo Đặng Thị Bích Thủy, nguyên Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Hội sở TPBank. Thủy bị cáo buộc trực tiếp giới thiệu pháp nhân 4 Công ty (Khôi Nguyên Phát, Toàn Phát, Thuận Phát, An Phát) ký hợp đồng vay vốn tại TPBank với tổng số tiền 675 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VNCB tồng số tiền 698 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thủy chi đạo nhân viên TPBank phối hợp với Công ty CP quản lý Quỹ Lộc Việt cung cấp thông tin về khách hàng để VNCB làm các thủ tục dùng tiền gửi tại TPBank để cho các công ty vay tiền bảo lãnh và dự thảo các hợp đồng mua bán trái phiếu; trực tiếp ký 08 hợp đồng tín dụng với 08 công ty vay 1.216,8 tỷ đồng để chuyển cho Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung sau đó chuyển tiền để Danh sử dụng vào mục đích cá nhân...

Bị cáo Thủy cho vay tiền khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ; cho vay khi không có đủ hồ sơ, tài liệu đề xem xét, đánh giả khả năng tài chính để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng...

Sau đó, TPBank đã thu nợ trước hạn đối với 11 Công ty bằng tiền gửi của VNCB bảo lãnh cho các công ty đó tại TPBank là 1.740 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VNCB. Cáo trạng quy kết hành vi của Đặng Thị Bích Thủy phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng”.

Tại phiên tòa, các luật sư đã xét hỏi bị cáo Thủy về mối quan hệ của bị cáo Nguyễn Việt Hà – nguyên Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt với TPBank. Bị cáo Thủy khai trước khi gặp ông Hà, bị cáo không biết ông Hà gặp ai ở TPBank để bàn bạc. Về trách nhiệm của bản thân, bị cáo Thủy cho rằng “bị cáo không có thẩm quyền phê duyệt cấp tín dụng mà chỉ là đề xuất để trình duyệt”. Cụ thể tờ trình bị cáo ký thì chưa được cấp tín dụng, phải có cấp cao hơn là Hội đồng tín dụng và Ủy ban tín dụng duyệt thì mới được xét duyệt. Bị cáo Thủy khai chỉ ký theo ủy quyền.

Tại tòa, bị cáo Thủy đánh giá Tập đoàn Thiên Thanh là khách hàng tốt, là đối tác lớn của nhiều ngân hàng ví dụ như BIDV. Sau khi giải ngân cho các công ty, TPBank có kiểm tra theo đúng quy trình.  Về câu hỏi khoản vay của các công ty có đến 2 đảm bảo là tài sản đảm bảo gồm tiền gửi của VNCB và trái phiếu. Trả lời câu hỏi khi thu nợ sao TPBank không thu trái phiếu mà thu tiền gửi? Bị cáo Thủy đáp: "Khi ngân hàng xem xét thu nợ sẽ đảm bảo tính thanh khoản và ưu tiên các tài sản đảm bảo theo quy định của ngân hàng. Thủy cho biết lời khai tại tòa hôm nay là đúng, trong quá trình điều tra bị cáo rất “bối rối”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: Cựu Giám đốc Cty Khôi Nguyên Phát kêu oan